Tâm sự cùng học trò, tưởng nhớ Cô Thầy kính yêu và đào tạo y khoa
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM; Cán bộ giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Trưởng Bộ môn Vi sinh học – Ký sinh học và Trưởng Bộ môn Nhiễm, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP.HCM, đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông về Cô Thầy, học trò và đào tạo y khoa.
Mỗi người là một hoàn cảnh đặc thù
Mỗi người có một hoàn cảnh được sinh ra mà không thể lựa chọn tuy nhiên con đường sống là con đường không ai chọn thay cho mình. Tôi trải qua hơn nửa đời người, chỉ tâm sự về những gì đã sống, những gì đã lựa chọn cùng các học trò của mình và tưởng nhớ Cô Thầy kính yêu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Tôi hạnh phúc được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình đầy ắp yêu thương, nội ngoại thấu hiểu nỗi nước mất nhà tan.
Cha Mẹ tôi vừa kiếm sống nuôi con vừa không từ bỏ lý tưởng của mình nên sống trong cảnh nghèo, tôi đã trải qua nghèo mà không được khám chữa bệnh thuở ấu thơ cũng như nghèo mà có lúc phải tạm nghỉ học thời niên thiếu.
Nhờ nghèo nên thấu hiểu cảnh nghèo, tôi muốn mọi người cùng chia sẻ để cuộc sống được tốt đẹp hơn. Cũng như bao nhiêu đứa trẻ ham chơi hơn là ham học duy nhất chỉ có Việt sử được Thầy tôi ở “xóm nhà cháy” (xóm của tôi, giải tỏa nhà cháy về đây) thương học trò gom lại thành một lớp từ lớp năm đến lớp nhất (lớp 1 đến lớp 5 bây giờ) kể chuyện cho nghe từ thuở “Con rồng Cháu tiên” đến Cụ Lê Lai cứu chúa,… Tấm gương hy sinh của Ông Cha in đậm trong lòng còn non nớt. Nhờ phải nghỉ học, khi được đi học lại thấy bạn bè giỏi quá còn mình thì dở quá, nhớ lại lời Mẹ Cha dạy (con không học thì nhiều lắm chỉ đủ kiếm sống qua ngày) nên mày mò tự học và cũng nhờ những bài học lịch sử, tôi quyết chọn ngành y để được sống chia sẻ với mọi người ở tuổi 15.
Mày mò tự học nhưng tôi luôn được Cô Thầy dạy dỗ yêu thương; tôi thấu hiểu, thấu cảm và mang theo tình yêu, lòng biết ơn cả đời, đó là động lực vươn lên: “Không Thầy đố mày làm nên”, “Thương cho roi cho vọt” vì là một học trò cá biệt. Cha luôn có cái nhìn xa, luôn tìm cách tốt nhất cho tôi học, Mẹ thì chịu cực chịu khó làm lụng tiết kiệm nuôi con ăn học. Tôi có lúc phụ với Cha Mẹ lao động kiếm sống thời niên thiếu.
Học y, con đường vất vả, đầy yêu thương
Ngành y thật đặc biệt, vừa tập tễnh bước vào bệnh viện, đã được Thầy đón chờ trễ một tiếng do giờ lý thuyết ở Trường không đến bệnh viện đúng giờ, được lời Thầy mắng: Tụi con biết tại sao Thầy chờ tụi con không? “Vì học khám, hỏi bệnh là môn học đầu đời quan trọng nhất của người sinh viên y khoa”, từ đó tôi hiểu dần “Người bệnh là người thầy chính của mình”, và phải “Ôm bệnh nhân mà học” là vì vậy và không quên người thầy cao cả là người hiến xác để năm đầu học cơ thể người và giờ đây lúc thực tập trên người bệnh mới vô cùng biết ơn. Học ở bệnh viện từ lạ lẫm đến thân thương, thời gian học ở Thầy không nhiều bằng thời gian tự học và học ở mọi người, tôi dần thấu hiểu lời Thầy dạy: “Ngành y là một đại gia đình không phải chỉ trong nước mà toàn cầu (corps médical)”; có người thấy thật hạnh phúc về điều này vì nghề của họ tuy là đồng nghiệp nhưng lại là đối thủ; đặc biệt là học ở đàn chị, đàn anh, và mình cũng là thầy của đàn em, cứ thế mà học dần, tiến bộ dần, chất chứa dần thành trực giác lâm sàng (flair clinique) mà Cô Thầy đã giải thích, đã dạy từ khi tập tễnh vào bệnh viện, mới thấm dần qua năm tháng, đó không phải là lý luận (logic) đơn thuần mà còn là cảm xúc của con người, của hệ thần kinh của người thầy thuốc mà không AI nào thay thế nổi dù lý luận cao siêu mấy, dù nhanh chóng mấy thì nó cũng chỉ là cái máy vô hồn, nếu biểu đạt được cảm xúc thì đó cũng chỉ là cảm xúc của cái máy chớ không phải cảm xúc của con người, không chia sẻ được tình người, nỗi khổ, nỗi đau, niềm hy vọng, niềm vui của người bệnh, và cảm thông, chia sẻ buồn, vui, căng thẳng, lo lắng, hồi hộp của thầy thuốc theo cung bậc bệnh tình của người bệnh.
Ngày vừa bước chân vào làm sinh viên nội trú, Thầy đã dạy: “Bây giờ tụi con đi ngẩng cao đầu vì vừa đậu nội trú rồi ngày càng đi đầu cúi thấp dần; biết tại sao không? Tại vì những lỗi lầm do chính mình gây ra lúc hành nghề”, lời Thầy dạy khắc vào tim óc và đến tuổi này thấy sao quá đúng! Do vậy hành nghề phải chú tâm và học, học cho đến khi thôi hành nghề vì kiến thức khoa học thay đổi đặc biệt là ngành y, tích lũy qua năm tháng kiến thức mới phủ định kiến thức cũ để hạn chế thấp nhất lỗi lầm này.
Là sinh viên y khoa rồi nội trú quanh năm suốt tháng ở bệnh viện, thế mà sao vẫn thấy vui, thấy thương bệnh viện quá, nơi mà mình được học tập, rèn luyện trưởng thành.
Mạng lưới bác sĩ gia đình và bệnh viện đại học
Bệnh viện là nơi thực hành, là lò đào tạo ra nhân lực y tế, ví như máy cái tạo ra máy con, là cái nôi, cái tạo sinh (generative) cho nghiên cứu khoa học y học. Dĩ nhiên không phải chỉ học trong bệnh viện là đủ nhưng bệnh viện là cái nguồn gốc, cái nền tảng đào tạo của y học lan tỏa ra bên ngoài.
Về phân cấp điều trị, cơ bản gồm ba cấp:
- Cấp ban đầu (primary care) là vai trò của đội ngũ bác sĩ gia đình; ví dụ ở các quốc gia có mạng lưới bác sĩ gia đình thì việc phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua tốt hơn những quốc gia chưa có mạng lưới bác sĩ gia đình; Ông Lý Hiển Long đã đánh giá: “Bác sĩ gia đình là xương sống của hệ thống y tế, đã tạo ra sự khác biệt quan trọng để kiểm soát tình hình COVID-19, ngăn chặn hệ thống y tế bị quá tải và giảm số ca tử vong do COVID-19…”.
- Cấp thứ hai (secondary care) là vai trò của các bác sĩ chuyên khoa, các phòng khám đa khoa, và các bệnh viện.
- Cấp thứ ba (tertiary care) là vai trò của các bệnh viện đại học là nơi mà sinh viên tập tễnh đi vào thực tập cho đến khi vững tay nghề, là nơi hội tụ đỉnh cao của nghiên cứu khoa học, là nơi có nhiều giải thưởng Nobel trên thế giới.
Việt Nam chúng ta chưa có mạng lưới bác sĩ gia đình và cũng chưa có bệnh viện đại học đúng tầm. Để giải quyết điểm nghẽn cho ngành y tế phát triển, chúng ta phải có mạng lưới bác sĩ gia đình và bệnh viện đại học (mô hình viện trường mà Trường Đại học và Bệnh viện đại học là nòng cốt).
Đào tạo y khoa
Đào tạo y khoa là đào tạo chuyên khoa trên nền tảng ban đầu toàn diện, tổng quát sáu năm như hiện nay, để có thể hành nghề vững chãi phải được đào tạo chuyên khoa, ví dụ bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già.
Chuyên khoa hiện nay ngày càng mở rộng nhất là trong thời đại số, chuyển đổi số, ứng dụng AI bùng nổ.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện nay là một trường phấn đấu đào tạo chuẩn mực bác sĩ gia đình và đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong và ngoài nước giúp Trường từng bước chuyển đổi số trong đào tạo và ứng dụng AI.
Để hội nhập quốc tế không thể không có ngành y, Thơ Bác Hồ gởi cho ngành y tế đã vạch ra phương châm từ 1955: “Thương yêu người bệnh; Lương y phải như từ mẫu”; “Xây dựng một nền y học của ta; Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học – dân tộc và đại chúng”. Đó là giá trị cốt lõi của đào tạo y học: “Nhân bản – Khoa học – Dân tộc – Đại chúng…”.
Y học là nhằm đem lại sức khỏe cho mọi người mà trọng tâm là việc điều trị (sự mất cân bằng hay bệnh tật là một tất yếu) chung quanh việc điều trị là dự phòng, nâng cao sức khỏe nhờ đó việc chăm sóc sức khỏe được toàn diện, đầy đủ do đó bao gồm nhiều lĩnh vực và có sự kết nối liên thông chặt chẽ với nhau. Sinh học bản chất là hiện tượng lý hóa hay nói một cách khác sinh học là khoa học kết hợp toán – lý – hóa còn y học là sinh học của con người mà con người thì còn là xã hội học và phục vụ con người thì không thể chỉ bằng kiến thức khoa học là đủ mà còn là cả nghệ thuật, nghệ thuật trong y học ví dụ như phẫu thuật, nghệ thuật trong giao tiếp, diễn đạt mới nắm bắt được triệu chứng, mới giúp được người bệnh có được hiểu biết về sức khỏe để phối hợp với thầy thuốc,….
Thầy thuốc có lúc phải hy sinh đối đầu với dịch bệnh, là chiến sĩ áo trắng.
Một cách toàn diện thì thầy thuốc có bảy chức năng: “Thầy thuốc – Thầy giáo – Nhà khoa học tự nhiên – Nhà khoa học xã hội – Nghệ sĩ – Chiến sĩ – Học trò suốt đời”.
Những trải nghiệm không quên
Tôi trưởng thành từ sinh viên y khoa nội trú tại Bệnh viện Chợ Quán. Được thành lập vào 1861, đây là bệnh viện truyền nhiễm đầu ngành của các tỉnh phía Nam (sau 30/4/1975), tôi lại là Trưởng Khoa “Dịch tả – Dịch hạch”, được các Thầy của chúng tôi, được lãnh đạo Bộ Y tế rèn luyện “ở đâu có dịch là ta cứ đi”, “bụi đời chống dịch” nhờ đó mà trưởng thành mà thấu cảm cuộc sống của người dân.
Khắc ghi trong lòng nụ cười tủm tỉm khỏi bệnh của người bệnh dịch tả được cho uống nước no bụng sau khi thoát giai đoạn trụy tim mạch do mất nước; đứng nhìn ông nội cõng cháu thất thểu ra khỏi cổng bệnh viện vì bị bạch hầu biến chứng tim; nhớ mãi cháu bé 7 tuổi liên tục nói trong đêm “bác sĩ ơi cứu con với” bị sốt bại liệt toàn thân, cũng như nhiều cháu bé bị bệnh dại hoảng hốt nhưng vẫn tỉnh táo, trong lòng không chịu nỗi.
Chúng ta và vi sinh vật gây bệnh cùng sống chung trong một thế giới, một môi trường, cứ mãi xung đột nhau thì không thể tránh khỏi dịch bệnh (ví dụ tàn phá môi trường, sử dụng kháng sinh,…).
Hòa bình, bồi dưỡng môi trường để được hạnh phúc.
Tôi chiêm nghiệm thấy 05 nét đẹp của ngành y tế (5T):
“Tận tâm – Trung thực – Tôn trọng lẫn nhau/Đoàn kết/Kỷ cương – Tiến bộ/Cầu thị/Học tập/Khoa học – Trong sáng/Công khai/Minh bạch” hướng mọi nỗ lực vì người bệnh.
Những lời nhắn nhủ học trò: “Không thể rao giảng y đức mà trái đạo đức”
Hiện nay và tương lai, chuyển đổi số, AI từng bước định hình thế giới; AI bùng phát kể từ khi ChatGPT ra mắt vào 30/11/2022; cấu trúc, mô hình hoạt động của xã hội đang thay đổi nhanh chóng, càng lúc càng nhanh chóng theo cấp lũy thừa. Thầy Albert Einstein từng lo: “Kỹ thuật sẽ làm mất sự tương tác giữa con người và thế giới sẽ sinh ra thế hệ ngu dốt” vì không còn tìm hiểu, sáng tạo bởi đã có AI và Thầy Stephen Hawking: “Sự phát triển toàn diện của AI có thể đặt dấu chấm hết loài người”.
Tôi chỉ là noi gương Cô Thầy mình chia sẻ với học trò: “Các em luôn là kỳ vọng của Cô Thầy, là nguồn hạnh phúc của Cô Thầy; các em hơn Cô Thầy mới là tiến bộ; Cô Thầy giúp cho các em tự phát hiện, tự học, tưởng tượng, đặt vấn đề, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo như Thầy Albert Einstein, Thầy Galileo Galilei và nhiều Cô Thầy trước đã dạy; bằng chính trải nghiệm sống của mình, giúp các em từ thích đến mê môn học; học say mê, sống say mê”.
Tôi tự nhủ: “Cuộc thi làm người chỉ chấm dứt vào lúc cuối đời”, mong được như tằm nhả tơ chia sẻ với học trò của mình và mãi mãi là học trò nhỏ của Cô Thầy ngày nào.