Dòng chảy

Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM: Quản lý an toàn thực phẩm đủ pháp lý và chuyên nghiệp hơn

An Quý 11/10/2023 - 13:48

Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua nghị quyết thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM đầu tiên của cả nước. Sở dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 1/2024.

Nghị quyết thành lập Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM trên dựa theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển TP.HCM.

pham-khanh-phong-lan.jpg
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM

Phóng viên tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh đã có buổi trao đổi với PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM về quy mô, hoạt động sắp tới của Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM.

An toàn thực phẩm cần được quản lý thống nhất

- Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại một thành phố lớn và đặc biệt như TP.HCM gặp những khó khăn như thế nào?

Chúng ta cần nhìn nhận một số khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm. Đầu tiên, chúng ta vẫn còn tình trạng manh mún trong sản xuất và kinh doanh. Trên nguyên tắc, đã là manh mún, chắc chắn sẽ khó quản lý hơn. Các nước phát triển chỉ có siêu thị. Còn ở ta vừa có chợ truyền thống vừa có chợ tự phát; sau dịch bệnh Covid-19, kiểu mua bán trái phép ở lòng lề đường hoạt động nhộn nhịp hơn; mua bán online nhiều hơn…

Bản thân nông nghiệp, trồng trọt hay chăn nuôi ở quy mô lớn cũng không nhiều. Mỗi người dân một thửa ruộng, mỗi trang trại chăn nuôi cũng ở quy mô nhỏ lẻ, nuôi vài con heo. Từ đó, chúng ta rất khó trong truy xuất nguồn gốc, khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.

Muốn thay đổi khó khăn này, chúng ta cần thay đổi về mặt kinh tế và điều này đòi hỏi thời gian dài.

Bên cạnh đó, theo luật, an toàn thực phẩm được chia ra làm ba ngành quản lý theo nhóm sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến những khoảng trống, chưa kể những quy định khác nhau ở từng bộ, ngành. Ví dụ, danh mục kháng sinh được phép sử dụng ở trong quy định của y tế và ngành nông nghiệp có sự khác nhau. Nông nghiệp có thể cấm ngay từ đầu những chất này, chất kia…, y tế lại quy định không vượt ngưỡng cho phép…; và ngược lại.

ba-phong-lan-di-kiem-tra-tai-cac-cho-dau-moi.jpg
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, đi kiểm tra thực phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố.

Đối với Luật Công thương, nếu bắt được hàng không có xuất xứ, không nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, không chứng minh được nguồn gốc, chúng ta có thể tịch thu tiêu hủy. Nhưng đối với thực phẩm, nếu chúng ta muốn tịch thu tiêu hủy, phải đưa hàng hóa đi kiểm nghiệm xem có không đạt hay không.

Đối với hàng thực phẩm tươi sống, việc kiểm nghiệm này có nhiều bất cập. Nếu lấy mẫu một lô rau đi kiểm nghiệm, chúng ta phải chờ kết quả ít nhất 3 ngày. Nếu trong thời gian này, chúng ta đem lô rau đi tiêu hủy, kết quả không có gì sai phạm; hoặc nếu trong thời gian này, người ta vẫn bán rau bình thường, nếu kết quả kiểm nghiệm có vi phạm… Vì thế chúng ta gặp khó trong việc xử lý.

Theo Luật An toàn thực phẩm hiện nay, thực phẩm được quản lý theo chiều dọc, theo nhóm sản phẩm. Ví dụ, nông sản tươi sống, rau củ quả, thịt cá… thuộc về bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; thực phẩm chế biến thuộc Bộ Công thương; Bộ Y tế sẽ quản lý các sản phẩm như nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng…

Nhưng cũng có một số sản phẩm cũng bị rơi vào những kẻ hở hoặc bị vênh trong pháp luật. Như mặt hàng sữa tươi thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sữa tươi đóng hộp thuộc về Bộ Công thương; nhưng nếu sữa tươi đó bổ sung DHA, canxi… thuộc về Bộ Y tế. Điều này dẫn đến tình trạng, doanh nghiệp khi đi xin phép không biết đi xin ai; khi xảy ra chuyện, ai sẽ chịu trách nhiệm xử lý ngay lập tức.

Vì thế việc quản lý an toàn thực phẩm gặp rất nhiều thách thức, người dân chưa an tâm về chất lượng cũng như an toàn khi sử dụng các loại thực phẩm. Đặc biệt, với quy mô hơn 11 triệu dân, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn dẫn đến TP.HCM trở thành đầu mối lưu thông, tiêu thụ lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Chính vì vậy, TP.HCM quyết định thí điểm Ban Quản lý An toàn Thực phẩm để tập trung lực lượng triển khai việc quản lý và kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.

kiem-tra-nguon-goc-thuc-pham.jpg
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM giám sát thực phẩm trên địa bàn thành phố.

- TP.HCM đã có hơn 6 năm thực hiện thí điểm hoạt động Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, từ tháng 12/2016. Việc quản lý cũng như đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực như thế nào?

Sau 6 năm thí điểm Ban Quản lý ATTP TPHCM, về mặt luật pháp không có gì thay đổi, nhưng về mặt quản lý có sự thay đổi. Lực lượng biên chế đủ mạnh, được sắp xếp hài hòa để chúng ta có thể triển khai nhiều việc hơn.

Thay vì lĩnh vực ATTP do 3 ngành cùng quản lý (công thương, nông nghiệp, y tế) TP.HCM đã nhập các bộ phận quản lý của 3 ngành này về một ban thống nhất.

Chúng tôi lập ra các Đội quản lý ATTP với lực lượng biên chế tập trung lại từ 3 ngành nông nghiệp, công thương, y tế trước đây để phân công xuống tận các địa bàn. Trong đó 2 đội quản lý hai chợ đầu mối trên địa bàn, 8 đội còn lại chia nhau quản lý 24 quận huyện và TP Thủ Đức.

Các đội này không chỉ làm công tác thanh tra mà còn đóng chốt ở ngay trên địa bàn, là cánh tay nối dài của Ban ATTP, phối hợp với lực lượng sẵn có của quận huyện để cùng nhau quản lý ATTP, nhất là khi xảy ra ngộ độc; lấy mẫu kiểm nghiệm; lấy mẫu giám sát nguy cơ; nắm tin tức liên quan đến ATTP trên địa bàn…

Về mặt chuyên môn, các đội quản lý ATTP đã được tập huấn, lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên giúp bù đắp được cho địa phương phần thiếu về chuyên môn, con người. Khi cần thiết, chúng tôi có thể huy động lực lượng các đội khác nhau đến một địa bàn để trợ giúp ngay lập tức.

Mô hình này thực sự có lợi cho công tác đảm bảo ATTP và đã đạt được nhiều kết quả như: đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ít hơn cả về số lượng cũng như quy mô; tỷ lệ sử dụng thực phẩm sạch tăng dần hằng năm… Việc lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát chất lượng nhiều hơn và tỉ lệ mẫu đạt chất lượng tốt nhiều hơn trước.

truy-xuat-nguon-goc.jpg
Các đội quản lý ATTP lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát chất lượng thực phẩm nhiều hơn và tỉ lệ mẫu đạt chất lượng tốt nhiều hơn trước.

Tuy nhiên, các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể dẫn tới nhiều lúng túng trong thực tế. Ban chỉ được thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra sở...

- Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm. Để phòng ngừa ngộ độc, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã làm gì?

Để có kết quả ít xảy ra ngộ độc tập thể, chúng tôi phải lo phòng ngừa từ trước, thường xuyên kiểm tra từ quy trình của các bếp ăn tập thể trong các trường học, các khu chế xuất, các khu công nghiệp… Chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra xem các khu vực này có được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ; nguồn gốc thực phẩm.

Mảng trường học, đội quản lý ATTP đi kiểm tra ít nhất 2 lần, vào khai giảng và sau Tết. Việc kiểm tra không phải tập trung xử phạt mà để hướng dẫn người ta làm đúng, bớt đi tình trạng lơ là.

Theo báo cáo tổng kết sau 6 năm thí điểm Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. So sánh với giai đoạn trước khi thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (2014 - 2016) cho thấy, số vụ ngộ độc giai đoạn 2017 - 2022 giảm 10 vụ (55,6% số vụ), số người mắc giảm 8 lần so với giai đoạn 2014 - 2016.

6 năm qua, Ban đã thanh kiểm tra gần 327.600 cơ sở, phát hiện gần 37.000 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 11,3%). Qua đó xử phạt hơn 7.000 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 153,1 tỷ đồng. Mức phạt trung bình 21,18 triệu đồng/cơ sở, gấp hơn 4 lần so với trước đây khi chưa thành lập ban.

Sở An toàn Thực phẩm: Cần thiết cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM

- Sở An toàn Thực phẩm TPHCM được thành lập sẽ có những ưu điểm nào trong việc quản lý các vấn đề an toàn thực phẩm?

Vì là mô hình mới, chưa có trong hệ thống văn bản pháp luật, lại đang trong thời gian thí điểm, Ban An toàn Thực phẩm gặp một số vướng mắc về pháp lý (thẩm quyền thanh tra, ra quyết định xử phạt) cũng như tổ chức nhân sự (tuyển dụng, chuyển đổi công chức, viên chức)…

Chính thức hóa thành mô hình sở sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề này. Sở ATTP TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhằm mục tiêu chung làm cho người dân ngày càng an tâm khi sử dụng thực phẩm.

kiem-tra-rau-cu-qua.jpg
Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, có chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhằm mục tiêu chung làm cho người dân ngày càng an tâm khi sử dụng thực phẩm.

Ngoài ra, Sở An toàn Thực phẩm Thành phố có những lợi thế về mặt pháp lý cũng như quyền hạn, nhiệm vụ với những chức năng quản lý nhà nước bài bản, chuyên nghiệp được quy định sẵn trong luật như về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố mà trước đó được quy định cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương Thành phố.

Điều quan trọng đó là sự ghi nhận của xã hội, của cấp trên là trong suốt quá trình 6 năm vừa qua, Ban Quản lý ATTP hoạt động có hiệu quả và mô hình này có thể tiếp tục một cách chính thức.

Chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ trong an toàn thực phẩm: tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; kinh tế khó khăn nên đôi khi người tiêu dùng phải lựa chọn những sản phẩm giá rẻ hơn, bỏ mặc yếu tố an toàn; trong buôn bán sẽ xuất hiện nhiều hình thức gian lận để thu lợi nhiều hơn…

Công tác bảo đảm ATTP không thể làm trong một sớm một chiều, mà chúng ta phải làm thường xuyên để thay đổi nhận thức người tiêu dùng. Sẽ không có hình thức sở ban ngành nào là "cây đũa thần" trong công tác bảo đảm ATTP, người dân cũng cần chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc mua hàng hóa, thực phẩm ở những nơi uy tín, đủ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, phương châm của Ban là “xây thực phẩm sạch và chống thực phẩm bẩn”; nâng cao nhận thức của cộng đồng phòng chống các nguy cơ liên quan đến an toàn, vệ sinh thực phẩm; cải cách hành chính giảm phiền hà cho doanh nghiệp khi thống nhất một đầu mối quản lý... 6 năm qua, ban đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã tiến hành xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, chuỗi thực phẩm sạch liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành dựa theo tiêu chí thực phẩm sạch của ngành nông nghiệp như Global GAP, Viet GAP…

Cụ thể, Ban đã ký kết với 2.319 chuỗi thực phẩm an toàn tại 22 tỉnh thành cung ứng thực phẩm an toàn cho Thành phố. Bên cạnh đó, cải thiện hệ thống phân phối cho cả hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng của thực phẩm.

- Khi được nâng cấp mô hình Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM, các mục tiêu hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian sắp tới?

Chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa trong điều kiện hiện có để hoàn thành nhiệm vụ, với các mục tiêu cụ thể như tăng cường công tác thanh tra cả về số lượng lẫn chất lượng; phòng ngừa và giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm, nếu có sẽ giảm về số lượng, tính chất.

Bên cạnh đó chúng tôi sẽ luôn tăng cường xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, nâng cao tiêu chuẩn thực phẩm; để người dân TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung được sử dụng thực phẩm sạch và an toàn, tiệm cận với tiêu chuẩn của sản phẩm xuất khẩu.

Tăng nhiều số lượng mẫu kiểm nghiệm thực phẩm (giám sát hay thanh tra kiểm tra) về các chỉ tiêu về ATTP, độc tố… để tăng cường công tác giám sát, giảm số mẫu vi phạm.

- Theo ý kiến cá nhân, bà cho rằng Sở An toàn Thực phẩm có thể triển khai ở mỗi tỉnh thành không?

Sở ATTP trước mắt chỉ phù hợp với địa bàn, mô hình dân cư của Thành phố; nhưng chưa chắc đã phù hợp với mọi tỉnh thành vì mỗi nơi sẽ có một đặc thù.

Đặc thù của TP.HCM là trồng trọt, chăn nuôi ban đầu không nhiều, cho nên chúng tôi tập trung quản lý thực phẩm đi ra từ các chợ đầu mối phù hợp hơn. Bên cạnh đó, chúng ta đã xây dựng hệ thống giết mổ tập trung từ nhiều năm nay.Ban

Còn một số tỉnh thành, theo quan sát của tôi, về góc độ an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn là cơ quan đầu mối vì chủ yếu là người nông dân trồng, tự cung tự cấp, rồi thỉnh thoảng gánh ra chợ bán…

Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan!

Trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời Tháng 8/2023 với chủ đề: Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM: Trách nhiệm - hành động, bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM đặt câu hỏi: “Việc thành lập Sở An toàn Thực phẩm có cải thiện, đảm bảo, nâng cao chất lượng thực phẩm trong thời gian tới hay không?...”

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, việc thành lập Sở ATTP có giải quyết triệt để tình trạng thực phẩm không an toàn là vấn đề rất lớn và khó. Trên cơ sở thí điểm từ Ban An toàn Thực phẩm, Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM sẽ hoạt động nề nếp, bài bản và hiệu quả hơn, còn giải quyết được không, cả hệ thống chính trị, người dân, truyền thông phải vào cuộc, chứ không riêng gì Sở An toàn Thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM: Quản lý an toàn thực phẩm đủ pháp lý và chuyên nghiệp hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO