Thế hệ trẻ không chỉ "nhớ nguồn" mà còn "giữ nguồn"
Mỗi lần nhắc đến thế hệ đi trước hy sinh xương máu để giành độc lập, chị Bùi Thị Quyên - Bí thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Văn Dực, xã Long Điền, TP.HCM lại dâng lên trong lòng tình cảm xúc động. Tạp chí Khoa học phổ thông xin giới thiệu những lời tri ân đong đầy cảm xúc của chị về người cha thương binh trong dịp 27/7/2025.
Cha tôi là Bùi Danh Điền (80 tuổi), thương binh trong kháng chiến chống Mỹ (71% thương tật), hạng 2/4. Tôi nghe cha kể hồi đó dù chưa đủ tuổi, cha vẫn xung phong, khai thêm tuổi để được cầm súng ra trận, thế rồi trong một trận đánh ác liệt ở Khe Sanh năm 1968, toàn bộ đồng đội cùng đi hy sinh hết còn cha tôi và một chú còn sống nhưng bị thương nặng.
.jpg)
Cha mất cánh tay phải, máu ra nhiều, cha tôi lịm dần, tưởng như không thể sống sót. Nhưng nhờ đồng đội ở tuyến sau tìm thấy đưa về điều trị, cha tôi đã vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết để trở về.
Điều khiến tôi khâm phục nhất không chỉ là chiến công, những tấm huân chương, huy chương của ba, mà là cách ông sống sau chiến tranh. Chỉ còn một tay, cha vẫn chu toàn mọi việc trong gia đình để mẹ tôi - một y tá làm ở bệnh viện thường xuyên trực đêm được yên tâm công tác. Hình ảnh người cha thân yêu chăm chút cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, cho tới việc học hành đã trở thành ký ức đậm sâu trong tôi. Đó là cái cách cha tôi một tay vo gạo, xách nước, hái rau,…
Những nét chữ đầu đời của chúng tôi đều do cha tôi dạy cầm bút. Rồi cả cách cha dạy chị hai tôi tập viết, đọc bảng cửu chương xuôi rồi đọc ngược… cha rất nghiêm khắc, viết lệch hàng là bị phạt roi. Nhờ vậy, chị hai tôi viết rất đẹp, học giỏi, được chọn vào lớp chuyên. Những điều cha dạy cho chị hai, sau này chị lại truyền lại cho chúng tôi.
Là con thứ được nhìn thấy người đi trước, tôi tiếp thu rất nhanh và thấm thía từng lời cha dạy. Biết ơn và tự hào về cha, tôi cùng các anh chị em trong gia đình luôn nỗ lực, nghe lời cha, vượt khó vươn lên, kết quả cả 6 chị em tôi được cha cùng mẹ nuôi dưỡng đã tốt nghiệp đại học, sau đại học và vinh dự là tất cả chúng tôi đều đứng trong hàng ngũ của Đảng. Em trai tôi tiếp bước cha tôi hiện là "chú bộ đội Cụ Hồ" cũng đã 25 năm tuổi Đảng.
Cha tôi vẫn luôn giữ tác phong của người lính. Ông dạy chúng tôi sống tự lập, sống có trách nhiệm và không ngừng vươn lên. Những gì ông đã trải qua và cách ông sống hiện tại luôn khiến tôi kính trọng và tự hào!
Những người con lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng đều mang trong mình một phần trách nhiệm giữ gìn và lan tỏa giá trị "uống nước nhớ nguồn", phụng sự tổ quốc, quê hương mình, luôn sống có trách nhiệm.... Là giáo viên, tôi không chỉ dạy học trò kiến thức, mà còn kể cho các em nghe về cha - một người lính đã hy sinh một phần thân thể vì đất nước, nhưng sống đầy nhân ái và khiêm nhường.
Tôi dạy các em rằng, yêu nước không phải là điều gì lớn lao mà bắt đầu từ việc biết sống tử tế, biết trân trọng những gì mình đang có và biết ơn những người đã hy sinh để mình có được ngày hôm nay.
Trong gia đình, con cháu tôi lớn lên trong hình ảnh ông ngoại một tay vẫn nhận ruộng, trồng lúa, nuôi heo bò, vườn tược, chăm lo chu đáo. Ông còn thăm hỏi cha mẹ của đồng đội hy sinh như cha mẹ ruột, nhận nuôi con gái của đồng đội như con ruột và cho học nghề. Giờ đây, cô gái ấy đã trở thành cô giáo tiểu học, có gia đình hạnh phúc. Chính những việc làm lặng thầm đó đã giúp tôi dạy con cháu mình biết yêu thương, biết sống có nghĩa tình và trách nhiệm.

Gia đình tôi thật sự biết ơn sự quan tâm sâu sắc, đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với cha tôi và các gia đình thương binh, liệt sĩ nói chung. Chúng tôi là con em của thương binh, liệt sĩ cũng được chăm lo, miễn giảm học phí giúp chúng tôi có điều kiện học tập.
Năm nào, địa phương cũng đưa cha tôi và các cô chú thương bệnh binh khác đi an dưỡng, mỗi dịp lễ Tết đều có các anh, chị cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần. Những sự quan tâm ấy không chỉ thể hiện ở chính sách, mà còn là sự tri ân chân thành, khiến gia đình tôi thấy ấm lòng và tự nhủ phải sống tử tế, sống xứng đáng với những gì cha và thế hệ ông đã cống hiến.
Tôi mong truyền thống "uống nước nhớ nguồn" sẽ không chỉ được nhắc đến vào dịp 27/7, mà phải sống trong mỗi trái tim người Việt, từ hành động nhỏ nhất. Tôi mong rằng những câu chuyện về thế hệ cha ông, như câu chuyện của ba tôi cũng như của những đồng đội của ba sẽ tiếp tục được kể lại trong gia đình, trên lớp học, trên truyền thông… để thế hệ trẻ không chỉ nhớ nguồn mà còn giữ nguồn, nối nguồn, bằng cách sống có đạo lý, có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão, luôn nỗ lực, tự tin, vượt khó và vươn lên trong mọi hoàn cảnh đi tới thành công.