Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM - Tiến sĩ Lý Thiên Trang: Người kết nối những khoảng cách

Hoàng Tả Pháp (Thực hiện)| 03/02/2023 14:47

Hơn hai thập niên kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác đào tạo quốc tế tại một trường đại học công lập lớn, bấy giờ, TS. Lý Thiên Trang về làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) với vai trò phụ trách công tác bồi dưỡng phát triển đội ngũ theo chuẩn quốc tế, kiểm định quốc tế... Dù ở vị trí nào xuyên suốt trong hành trình của mình, chị luôn giữ vai trò là người kết nối mang những giá trị Việt ra thế giới và mang những giá trị của thế giới vào Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân Quý

Nhân dịp đầu xuân Quý Mão - 2023, Tiến sĩ Lý Thiên Trang đã dành cho Tạp chí Khoa học phổ thông cuộc trò chuyện.

Duyên với giáo dục đến từ một Dự án

Cơ duyên nào dẫn chị đến với ngành giáo dục và lĩnh vực hợp tác quốc tế?

- TS. Lý Thiên Trang: Nhớ lại, lúc sắp tốt nghiệp, tôi chuẩn bị hơn 40 đơn xin việc đầy đủ và chỉn chu để gửi bưu điện đến tất cả các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam và một số doanh nghiệp có hợp tác với Đức. Và một ngày đẹp trời đầy duyên nợ, tôi nhận thư mời phỏng vấn của chuyên gia Dự án GTZ – Dự án Hợp tác Kỹ thuật của Bang Baden-Wuerttemberg, CHLB Đức (thời điểm này internet chưa phổ biến như hiện nay). Đó là Dự án Đức hỗ trợ cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong đào tạo giáo viên dạy nghề và công nhân lành nghề, đây là dự án được đánh giá là “điểm sáng” trong giáo dục nghề nghiệp lúc bấy giờ. Để chuẩn bị hành trang nghề nghiệp, trong thời gian học đại học tôi đã đi thực tập 6 tháng tại Phòng nhân sự Công ty Mercedes-Benz Việt Nam (3 tháng vào năm học thứ ba và 3 tháng vào năm học thứ tư).

Những ngày đầu làm việc cho Dự án GTZ-CHLB Đức, đặc biệt là làm cho các chuyên gia Đức tôi học hỏi được rất nhiều về cách làm việc khoa học, tác phong làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ… Đó là cái duyên và là điều may mắn lớn mà tôi có được.

Sau khi Dự án kết thúc, tôi suy nghĩ mãi không biết có nên tiếp tục làm việc cho Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nữa không. Vì thật lòng mà nói, ở thời điểm đó, sự chênh lệch lương quá lớn. Nhưng các thầy/cô đã khuyên tôi bằng nhiều lý do khác nhau. Cần phải kể thêm rằng, trong 2 năm công tác cho Dự án GTZ-CHLB Đức cùng các chuyên gia Đức, tôi còn may mắn làm việc cùng các thầy/cô ở Trung tâm Việt-Đức thuộc Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Hầu hết thầy/cô ở đây đã được đào tạo tại CHLB Đức nên tôi cũng được học hỏi rất nhiều từ mọi người.

Tôi bắt đầu từ đó. Từ một chuyên viên của Trung tâm Việt - Đức rồi làm Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo chất lượng cao, Phó phòng Quan hệ quốc tế, phó giám đốc, giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế của Trường cho tới khi tôi chuyển công tác.

Điều đọng lại trong thời gian làm việc cho Dự án GTZCHLĐ Đức của chị là gì?

- Ông trưởng đoàn chuyên gia Alois Mailly người sếp và cũng như người bố thứ 2 của tôi luôn dành cho tôi sự chỉ bảo trong suốt 2 năm làm việc cho ông. Tôi nhớ nhất là mỗi khi đi công tác ông luôn dặn mình lấy bài vở ra học, lấy tiếng Anh ra học vì khi đó mình dùng tiếng Đức cho công tác là chủ yếu… Khi ông về nước, ông làm cho Bộ Văn hóa, Thanh niên và Thể thao của Bang Baden-Wuerttemberg, khi có những suất học bổng ngắn hạn, ông đều nghĩ đến tôi và viết thư mời đích danh. Thời điểm đó, việc đi nước ngoài học cho nhân viên là trường hợp vô cùng ngoại lệ. Sau hơn 22 năm từ khi Dự án GTZ Đức kết thúc, ông và các chuyên gia Đức khác vẫn thường xuyên liên hệ với tôi để biết về Trường và về công việc của tôi. Đó là tình cảm đẹp mà tôi luôn trân quí.

Tiến sĩ Lý Thiên Trang chia sẻ kinh nghiệm thực hiện gắn Sao QS Stars tại Hội nghị quốc tế

Quyết định thử sức trong môi trường mới

Chị có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình?

- Sau 23 năm công tác tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với những vị trí quản lý khác nhau, tôi quyết định bước ra ngoài ở độ tuổi mà không nhiều người muốn thay đổi để thử sức ở vai trò Cố vấn Ban Giám hiệu và sau đó là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) cho đến hiện nay. Tôi phụ trách công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng quốc tế, dự án quốc tế, bồi dưỡng phát triển đội ngũ theo tiêu chuẩn quốc tế, tư vấn chiến lược… kiêm Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn UEF và đồng thời kiêm Giám đốc kiểm định quốc tế tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Tôi luôn cố gắng cân bằng giữa công việc, gia đình, học tập nâng cao trình độ, và không quên dành thời gian chăm sóc bản thân cũng để tạo tự tin khi giao tiếp.

Quyết định thay đổi môi trường làm việc của chị có phải do yếu tố thu nhập?

- Tôi quan niệm rằng, động lực để mình làm việc nếu nói không phải là tài chính thì mình đang dối lòng. Tuy nhiên, tài chính không phải là tất cả, mà là kết quả công việc mình làm được và sự tác động của nó cũng là động lực không kém phần quan trọng. Tôi luôn tự nhủ khi đã xác định làm trong giáo dục đại học là phải liên tục cập nhật kiến thức mới, hòa đồng vui vẻ với đồng nghiệp, tương tác tốt với bên ngoài, tranh thủ trải nghiệm quốc tế để học hỏi các mô hình mới, xu thế mới trong giáo dục đại học để hoàn thiện mình hơn, phục vụ công tác tốt hơn như câu nói “be Yourself, but always your better Self” (Hãy luôn là chính mình nhưng với phiên bản tốt hơn mỗi ngày).

Xin cám ơn chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM - Tiến sĩ Lý Thiên Trang: Người kết nối những khoảng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO