Đô thị

Phát triển đường sắt đô thị có tầm quan trọng đặc biệt với Hà Nội và TP.HCM

Đỗ Phương 17/01/2024 13:01

Ngày 17/1, UBND thành phố Hà Nội và UBND TP.HCM đồng tổ chức Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị với sự tham gia của gần 400 đại biểu, chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước.

duong-sat-cat-linh-ha-dong-800-3592-8294(1).jpg
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Phát triển đường sắt đô thị có tầm quan trọng đặc biệt

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt, 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và an ninh quốc phòng, cũng là 2 đô thị có diện tích và dân số lớn nhất cả nước.

z5078781511480-0edf8356e1dcc427f451652974637db920240117091055.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội thảo

Cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Hà Nội và TP.HCM đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố.

“Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...” – Chủ tịch Hà Nội phát biểu thêm.

Hai thành phố lớn - Điểm tương đồng khối lượng lớn công việc đường sắt đô thị

anh-man-hinh-2024-01-17-luc-13.13.45.png
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng nhấn mạnh, Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với TP.HCM; với một khối lượng lớn công việc về đường sắt đô thị, thông qua hội thảo 2 thành phố sẽ cùng rút kinh nghiệm, đề xuất với trung ương các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn liên quan.

Để thực hiện mục tiêu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đòi hỏi hai thành phố phải quyết tâm lãnh đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá trên các lĩnh vực liên quan; cần có sự phối hợp triển khai chặt chẽ và hiệu quả trong: Quy hoạch, chỉnh trang đô thị gắn với TOD, huy động nguồn lực, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, kể cả khu phụ cận để triển khai TOD, về việc lựa chọn công nghệ, về mô hình tổ chức, quản lý và triển khai các dự án Metro…” - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ.

z5078781512583-bc0769a7f6d4d25e303527bea290f06a20240117091102.jpg
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội tham quan hình ảnh về đường sắt đô thị

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 75,6km đi ngầm. Cụ thể, tuyến số 1: Yên Viên - Ngọc Hồi dài 38,7km, tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 35,2km, tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông dài 14km, tuyến số 3: Nhổn - Hoàng Mai dài 48km, tuyến số 4: Đông Anh - Mê Linh dài 54km, tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc dài 39km, tuyến số 6: Nội Bài - Tây Ngọc Hồi dài 43km, kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh dài 35km, tuyến số 8: Hoài Đức - Gia Lâm dài 28km. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ hoàn thành được 13km tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông và đang thi công 12,5km của tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

duong-sat-cat-linh-ha-dong-2-7914.jpg
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sau phần khai mạc, hội thảo đã diễn ra chuyên đề “Tổng quan phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM theo mô hình TOD” gồm 2 phần: Tổng quan về Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và quy hoạch TOD, với 22 bài tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

z5078781512427-136411d0031edf797e9d490e66707b9d20240117091051.jpg
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo diễn giả, chuyên gia giao thông trong nước và quốc tế.

Chiến lược TOD toàn thành phố: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho TP.HCM” và tham luận trình bày các con đường phát triển đô thị, thách thức và sự thay đổi đã được PGS. TS. Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, ĐH Việt Đức trình bày.

Trong đó, chiến lược thành phố ưu tiên đầu tư phát triển giao thông công cộng (GTCC), thành phố được thiết kế xung quanh việc sử dụng GTCC. Thách thức hiện nay của các đô thị là phụ thuộc vào phương tiện xe ôtô, xe máy, vì vậy tiếp cận bền vững là chìa khóa để phát triển bển vững, cần đổi mới tư duy thay đổi ưu tiên cho đi bộ, xe đạp và GTCC.

Tại hội thảo, Giáo sư Vũ Minh Khương - Học viện hành chính công Lý Quang Diệu, Singapore cũng đã phân tích về tính cấp bách chiến lược trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị ở 2 thành phố này.

Theo Giáo sư Vũ Minh Khương, các lợi ích thiết yếu từ phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD, ĐSĐT gồm: Tạo nền tảng xây dựng nền kinh tế với sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế qui mô, đa dạng, và sức mạnh cộng hưởng; Tăng hiệu quả và tính tinh gọn trong phát triển đô thị (giảm sự bức bách phải mở rộng đô thị một cách tràn lan thụ động; Giảm rõ rệt chi phí đầu tư hạ tầng (đặc biệt đường xá, cấp điện-nước-viễn thông; Tăng nhu cầu, hiệu quả, và nguồn thu cho vận tải công cộng)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đường sắt đô thị có tầm quan trọng đặc biệt với Hà Nội và TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO