Y học

PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Khoa Tuyến vú - Bệnh viện Chợ Rẫy: 'Điều trị cá thể hóa từng ca ung thư vú là điều trị tinh tế và văn hóa'

Bài: Vân Điển - Ảnh: Đỗ Phương 15/01/2025 - 16:21

Mắc bệnh ở ngay vị trí biểu tượng của tính nữ, lại nguy hiểm đến tính mạng dễ làm cho người bệnh ung thư vú âu lo, trầm cảm. Khi có phác đồ cụ thể, phù hợp, bác sĩ biết, bệnh nhân biết, người nhà biết, việc tuân thủ điều trị mới thuận lợi và thành công. Các bác sĩ khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy, gọi việc điều trị cá thể hóa là điều trị tinh tế và văn hóa.

Về nhà để đón Tết trung thu cùng gia đình, chị P.T.P.O (34 tuổi, ngụ tại tỉnh Trà Vinh) đã động viên và chia tay các bệnh nhân khác đang nằm điều trị tại lầu 7, khu D Bệnh viện Chợ Rẫy. Chị bị ung thư vú giai đoạn 2, đã được điều trị ổn định. Chị cho biết, chị rất hài lòng với quyết định chọn lựa “lên Bệnh viện Chợ Rẫy, vô Khoa Tuyến vú” của mình vì các bác sĩ, điều dưỡng ở đây rất tận tâm và hỗ trợ chị rất nhiều về mặt tâm lý.

z5842475174604_5eb4e3c6fa7ff2bb16f96a7f5559cdfc.jpg
Nhiều bệnh nhân hài lòng khi chọn Khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Không chỉ chị P.T.P.O, nhiều bệnh nhân tại TP.HCM và các tỉnh đã chọn lựa điều trị ung thư vú và các bệnh lý tuyến vú tại nơi đây thay vì đến một bệnh viện chuyên khoa như trước đây. Khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, có đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, phương tiện chẩn đoán, điều trị hiện đại, điều trị ung bướu đa mô thức theo xu hướng cá thể hóa, toàn diện tại cùng 1 điểm.

Mỗi bệnh nhân có phác đồ riêng

PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Khoa Tuyến vú cho biết khoa đang áp dụng phương pháp điều trị tiến bộ hiện nay là điều trị ung bướu đa mô thức (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhiệt trị, sinh học phân tử, miễn dịch, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng…) theo hướng cá thể hóa.

khoa-tuyen-vu-cho-ray-3(1).jpg
PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Khoa Tuyến vú cho biết mỗi bệnh nhân sẽ được điều trị theo hướng cá thể hóa.

“Với mỗi bệnh nhân, chúng tôi sẽ chẩn đoán rõ ràng về bệnh, giai đoạn bệnh, tìm ra các yếu tố nguy cơ, thực hiện hội chẩn đa chuyên khoa rồi lập kế hoạch điều trị thật chi tiết, cụ thể, phù hợp cho người bệnh”, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh nói.

Mỗi bệnh nhân có tình trạng bệnh lý và điều kiện tài chính khác nhau nên các bác sĩ sẽ lắng nghe, giải thích, tư vấn, lên kế hoạch, kể cả lên dự toán chi phí cho toàn bộ quá trình điều trị… để người nhà và bệnh nhân chọn lựa và yên tâm chữa bệnh. “Không phải cứ nói phương pháp này là tốt nhất, thuốc này là thuốc mới nhất, đắt nhất là bệnh nhân sẽ theo. Nếu không có đủ điều kiện, cơ thể không đáp ứng, họ sẽ bỏ phác đồ đó, cuối cùng việc điều trị thất bại”, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh chia sẻ thêm.

khoa-tuyen-vu-cho-ray-2.jpg
PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh trao đổi với điều dưỡng về việc chăm sóc bệnh nhân

Bên cạnh đó, nhu cầu mong muốn của từng người cũng khác nhau, liên quan đến lối sống, văn hóa, suy nghĩ của từng người và gia đình họ. Gần đây Khoa có tiếp nhận một bệnh nhân là giáo viên, bị ung thư vú giai đoạn 0. Cô cứ nhất quyết đòi bác sĩ “phải cắt hết giùm em”. Hỏi ra mới biết hàng xóm của cô cũng mắc ung thư và họ nói với cô là phải cắt vú, không thì sẽ thế này, thế khác nên cô sợ, đòi bác sĩ phải “cắt hết”.

Các bác sĩ phải giải thích, cung cấp thông tin để cô hiểu được bệnh tình của mình, khi nào phẫu thuật cắt bỏ hết, khi nào phẫu thuật bảo tồn không cắt bỏ hết, khi nào tái tạo lại cũng như các bác sĩ có thể làm gì tốt nhất cho cô. Người giáo viên này cuối cùng cũng hiểu, chấp nhận phẫu thuật rồi tạo hình ngực để có thể tự tin đứng trên bục giảng.

Đó là chưa kể, người bệnh còn cả đoạn đời phía trước. Họ phải sống tiếp như thế nào với một cơ thể từng có bệnh hay đã bị mất đi một phần thân thể. “Cho nên, phù hợp ở đây không chỉ là về mặt cơ thể học, bệnh lý mà còn về hoàn cảnh, tâm lý, văn hóa, tài chính của từng cá nhân. Khi có phác đồ cụ thể, phù hợp, bác sĩ biết, bệnh nhân biết, người nhà biết, việc tuân thủ điều trị mới thuận lợi và thành công. Ở đây chúng tôi gọi việc điều trị cá thể hóa là điều trị tinh tế và văn hóa”, bác sĩ Khánh đúc kết.

Điều trị toàn diện, tại cùng 1 điểm

Bệnh viện Chợ Rẫy là một bệnh viện đa khoa tuyến cuối của phía Nam, Trung tâm ung bướu của bệnh viện lại được trang bị đồng bộ và hoàn chỉnh với nhiều khoa liên quan nên là đơn vị trực thuộc, Khoa Tuyến vú rất thuận lợi trong việc tầm soát, khám bệnh, chẩn đoán, hội chẩn ung bướu, phối hợp điều trị đa mô thức, chăm sóc giảm nhẹ… vì có đầy đủ “vũ khí” với những trang thiết bị, kỹ thuật mới, hiện đại. Chẳng hạn như máy sinh thiết vú hút chân không, được trang bị từ năm 2017.

Đây là kỹ thuật mới được áp dụng ở Việt Nam và khoa cũng đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho đội ngũ bác sĩ ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa cả nước về kỹ thuật này, mỗi khóa khoảng 60 học viên, mỗi năm 2 khóa, từ năm 2018 cho đến nay.

Bên cạnh đó, khoa Tuyến vú còn có kỹ thuật điều trị khối u bằng vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm. Thay vì mổ, cắt khối u, hiện nay các chuyên gia có thể sử dụng máy vi sóng để đốt, hủy khối u.

Không chỉ vậy, Khoa còn có lợi thế trong việc kết hợp với các khoa phòng khác để hồi sức tích cực, tư vấn tâm lý, chăm sóc dinh dưỡng tại chỗ… cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân không chỉ có một bệnh mà còn có nhiều bệnh lý khác đi kèm theo nên việc phối hợp chăm sóc, điều trị toàn diện này giúp bệnh nhân không phải di chuyển nhiều nơi, tốn kém về thời gian, chi phí đi lại. Đây cũng là lợi thế nổi trội của Khoa.

khoa-tuyen-vu-cho-ray.jpg
Thuộc bệnh viện đa khoa tuyến cuối ở phía Nam nên Khoa có lợi thế điều trị toàn diện, tại một điểm cho bệnh nhân có bệnh lý khác đi kèm.

Chú trọng nâng đỡ tâm lý cho người bệnh

Việc mắc bệnh ở ngay vị trí biểu tượng của tính nữ, lại nguy hiểm đến tính mạng luôn dễ làm cho người bệnh âu lo, trầm cảm. Thấu hiểu điều này, các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa luôn dành thời gian để chia sẻ, tư vấn cho bệnh nhân.

“Khi người bệnh, nhất là người bệnh trẻ tuổi biết mình mắc ung thư vú, câu đầu tiên họ hay nói với chúng tôi là: Bác sĩ ơi ráng cứu em vì con em còn nhỏ quá hay em có mệnh hệ gì rồi chồng con em biết sống sao”. Nghe vậy, chúng tôi rất xúc động vì họ không nghĩ cho bản thân mình đầu tiên mà chỉ nghĩ đến người thân. Cho nên mình cũng phải tư vấn cho họ để họ hiểu, ung thư vú không phải là chấm hết, ung thư vú có thể chữa khỏi ở giai đoạn sớm để họ yên tâm điều trị”, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh chia sẻ.

Trong quá tình khám, điều trị, người bệnh sẽ được các nhân viên của Khoa Tuyến vú tư vấn, hỗ trợ về mặt tâm lý đến 4 lần, đó là khi tiếp nhận chẩn đoán, hội chẩn, lập kế hoạch và điều trị. Ở mỗi giai đoạn, nhân viên của khoa luôn nỗ lực để người bệnh thông hiểu, lựa chọn, chấp nhận và hợp tác.

Ngoài ra, Khoa cũng tạo một góc thư giãn cho bệnh nhân đang điều trị nội trú với sách báo, nhạc cụ, các dụng cụ luyện tập thể lực trong một không gian thoải mái để họ vơi bớt những áp lực về bệnh tật. Cứ 2 tháng 1 lần, Khoa còn phối hợp với Phòng Công tác Xã hội tổ chức chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” với nhiều hoạt động như chia sẻ của người trong cuộc, ca hát, đọc sách, ngâm thơ… để giúp thay đổi nhận thức, nâng đỡ về mặt tinh thần và mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người bệnh và người nhà của họ.

z5844426479657_c7fa53e9d9ed77b44f158f16e2977605.jpg
Chương trình đồng hành cùng chiến binh K do Khoa tổ chức.

Truyền thông giáo dục để phát hiện bệnh sớm

Ngoài chức năng tầm soát, khám và điều trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Khoa Tuyến vú còn tích cực làm nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khỏe và tham gia chương trình phòng chống ung thư của quốc gia và thế giới.

khoa-tuyen-vu-cho-ray-1.jpg
Tư vấn thêm cho người nhà bệnh nhân.

“Tôi thấy buồn vì ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ bị ung thư vú. Có một bệnh nhân là sinh viên, em chỉ thấy đau ở ngực, khi vào đây khám, bệnh đã ở trong tình trạng di căn khắp nơi. Chúng tôi chỉ biết động viên người mẹ để bà làm chỗ dựa cho con mình, giúp cô gái ấy kiên cường hơn trong hành trình khó khăn này.

Chúng tôi mong rằng qua những chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe, chị em phụ nữ có thể nhận biết dấu hiệu bất thường ở vú cũng như tự khám vú để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đừng để quá muộn”, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh khuyến cáo.

Ngày 22/8/2024, Đơn vị Tuyến vú thuộc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức trở thành Khoa Tuyến vú theo quyết định 3789/QĐ-BVCR sau 6 năm đi vào hoạt động.

Từ tháng 8/2018 đến nay, Khoa đã khám và điều trị cho hơn 40.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật hơn 1.000 ca mà không ghi nhận trường hợp có tai biến, biến chứng.

Từ một đơn vị nhỏ với chỉ vài nhân sự chủ chốt ở những ngày đầu, đến nay, Khoa đã có 20 người, trong đó có 7 bác sĩ (1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 1 bác sĩ chuyên khoa II, 4 thạc sĩ, bác sĩ), 11 điều dưỡng (điều dưỡng trưởng là tiến sĩ), 1 hộ lý và 1 thư ký y khoa. Hướng sắp tới, nguồn nhân lực của khoa sẽ được tăng thêm, dự kiến sẽ có 10 bác sĩ và 30 điều dưỡng. “Đây là nguồn nhân lực thật sự “chất lượng” vì các thành viên đã được chọn lựa, đào tạo chuyên môn ở trong nước và ngoài nước”, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Khoa Tuyến Vú, khẳng định.

Bác sĩ của khoa đã được đào tạo chuyên sâu về ung bướu tại các trung tâm y khoa lớn trên thế giới. Khoa liên tục cập nhật những mô hình điều trị tiên tiến, phù hợp để áp dụng cho bệnh nhân.

Theo Sống Xanh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Khoa Tuyến vú - Bệnh viện Chợ Rẫy: 'Điều trị cá thể hóa từng ca ung thư vú là điều trị tinh tế và văn hóa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO