Y học

Giáo sư Nguyễn Văn Khôi – Nghiệp phục vụ sức khỏe nhân dân không có tuổi hưu!

Thiên Chương 26/10/2024 - 15:53

Được bệnh nhân nghèo gọi là ông Bụt, được đồng nghiệp yêu mến, được thế hệ đàn em quý trọng gọi bằng thầy, Giáo sư - Tiến sĩ - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Khôi, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có cuộc trò chuyện với Khoa học phổ thông - Thời sự y học về hơn 3 thập kỷ gắn bó với y nghiệp.

- Thưa giáo sư, điều gì khiến ông tâm đắc nhất sau hơn 30 năm gắn bó tại Bệnh viện Chợ Rẫy?

Trước khi nói về Bệnh viện Chợ Rẫy, xin nói một chút về tôi, thời chưa về đây. Thời gian đó, tôi từng 2 lần tham gia quân ngũ. Lần thứ nhất từ năm 1977 đến năm 1979, tôi phục vụ tại Trung đoàn Thiết giáp, Quân khu 9 thuộc biên giới Tây Nam. Sau ngày xuất ngũ, tôi mới bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ thời học sinh phổ thông là học ngành y.

Đến năm 1985, tốt nghiệp Trường Đại học Y dược TP.HCM, tôi nhận nhiệm vụ tại Viện Quân Y 7B (Quân khu 7), rồi chuyển đến Đội Phẫu thuật tiền phương Trung đoàn 812, Sư đoàn 309, Mặt trận 479, Battambang, Campuchia. Đến năm 1988, tôi ra quân và được về Bệnh viện Chợ Rẫy.

ths.-nha-bao-bui-huong-pho-tong-bien-tap-phu-trach-tap-chi-khoa-hoc-pho-thong-tro-chuyen-cung-gs.ts-thay-thuoc-nhan-dan-nguyen-van-khoi.jpg
Giáo sư Nguyễn Văn Khôi chia sẻ với ThS.Nhà báo Bùi Hương, Bí thư chi bộ, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Khoa học phổ thông về những công việc sắp tới của mình.

Phải khẳng định, Bệnh viện Chợ Rẫy là một môi trường rất tốt để cho bản thân tôi được học tập và làm việc. Học tập ở đây có cả học ở thầy, tức bậc tiền bối, học ở bạn bè và học thực hành trên bệnh nhân.

Với tôi, ngoài thầy và đồng nghiệp, thì bệnh nhân là một người thầy vô giá. Những triệu chứng lâm sàng diễn tiến trên mỗi bệnh nhân diễn tả một cách sống động hơn cả trên sách vở. Sẽ không có gì may mắn bằng được thực hành tất cả những lý thuyết đã học tại chính nơi mình đang công tác.

Nói rõ thêm một chút về môi trường Chợ Rẫy, theo tôi, đây là một môi trường hoàn hảo để tôi có thể phấn đấu phát triển chuyên môn. Thí dụ như ngày xưa sau khi rời nghĩa vụ quân sự về đây, tôi chỉ là bác sĩ thường, nhưng nhờ môi trường này, tôi đã có điều kiện để phấn đấu vươn lên từ phó tiến sĩ đến tiến sĩ, rồi nhờ sự giúp sức của bậc đàn anh, tôi trở thành phó giáo sư, tiếp đến cũng nhờ môi trường tạo điều kiện, tôi mới có cơ hội toàn tâm toàn ý tự bản thân phấn đấu lên giáo sư.

Đây là những điều tuyệt vời nhất mà không phải môi trường làm việc nào cũng có. Cho nên tôi vẫn thường nói với thế hệ trẻ, khi đã về Bệnh viện Chợ Rẫy công tác thì hãy cố gắng học tập để vươn lên bằng mọi cách. Còn gì thuận lợi hơn nữa khi tại đây vừa có thầy, vừa có đàn anh, có đồng nghiệp, có bệnh nhân, lại gần trường y. Đó là chưa kể đến việc Bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm giảng dạy lớn nhất, lâu đời nhất của trường y. Tất nhiên mọi thành công phải xuất phát từ nổ lực của chính bản thân, nhưng đây vẫn là một môi trường hết sức thuận lợi.

- Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, công trình khiến ông vui nhất trong những cống hiến của mình cho bệnh viện?

Công trình đầu tiên của tôi khi về bệnh viện cũng là luận án tiến sĩ “Góp phần chẩn đoán và điều trị ngoại khoa bệnh viêm mủ màng ngoài tim”. Nghiên cứu này xác định đặc điểm về lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh viêm màng mủ ngoài tim đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đánh giá phương pháp dẫn lưu màng ngoài tim để chuẩn bị cắt bỏ rộng rãi màng ngoài tim hoặc cắt bỏ màng ngoài tim ngay lần đầu.

giao-su-nguyen-van-khoi-tan-tuy-voi-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan.jpg
Giáo sư Khôi được biết đến là một thầy thuốc luôn tận tụy trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thời điểm đó, nhiều bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Hùng Vương đã được cứu sống từ ứng dụng này. Các thống kê cho thấy việc chẩn đoán và phẫu thuật khẩn cấp viêm mủ màng ngoài tim đã giúp đến 97% bệnh nhân khỏi bệnh thay vì có thể gặp nguy hiểm do nhiễm trùng cấp hoặc dính màng tim.

Ngoài luận án tiến sĩ vừa nêu, tôi còn khá nhiều công trình khác, trong đó có thể kể đến các đề tài cấp Nhà nước mà tôi làm chủ nhiệm, về đột quỵ do thiếu máu não, bơm hút tái thông mạch liên quan một số chuyên khoa liên quan như chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, ngoại tim mạch, nội tim mạch… Bên cạnh đó còn có các công trình cấp cơ sở, cấp thành phố như nghiên cứu về kháng kháng sin, phòng chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Đề tài lớn nhất là khi nguyên Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trường Sơn đề nghị thành lập xây dựng Đơn vị Tuyến vú.

Thời điểm đó, sau khi chọn người phù hợp chuyên môn, chúng tôi đã làm tất cả mọi việc để phát triển Đơn vị Tuyến vú, từ việc mày mò từ kiến thức cơ bản từ bậc tiền bối để lại, đến các chuyến xuất ngoại đến các bệnh viện ở Úc để học trên bệnh nhân, học chẩn đoán, hội chẩn, học kỹ thuật hóa trị, xạ trị, theo dõi bệnh nhân tái hòa nhập xã hội sau điều trị…

Từ những nổ lực không ngừng, tầm hoạt động của đơn vị ngày càng nâng cao và đã tạo được sự tin tưởng của Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Thức cho phép từ đơn vị trở thành Khoa Tuyến vú tại trung tâm ung bướu của bệnh viện.

Đến nay, dù lý thuyết và thực hành trong chẩn đoán và điều trị của khoa đã ngày càng được vững vàng, song ở vai trò người chịu trách nhiệm sáng lập, tôi vẫn nhắc nhở anh em phải tiếp tục học tập nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nhằm tìm những kiến thức mới phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân.

- Sau khi được “nâng cấp” từ đơn vị lên khoa, vai trò của của khoa Tuyến vú tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy như thế nào, thưa ông?

Tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân ung thư vú vẫn chiếm số lượng lớn và ung thư vú vẫn thuốc nhóm ung thư có tỷ lệ tử vong cao nếu không chẩn đoán và điều trị sớm.

gs-nguyen-van-khoi-tich-cuc-tham-gia-moi-hoat-dong-nang-cao-trinh-do-chuyen-mon-tai-khoa-tuyen-vu-trung-tam-ung-buou-benh-vien-cho-ray.jpg
GS Nguyễn Văn Khôi tích cực tham gia mọi hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn tại Khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy

Cũng như các khoa khác, khoa Tuyến vú đã góp phần tham gia điều trị tuy nhiên hiện nay, việc áp dụng điều trị đa mô thức đã góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Với mô hình này, sau khi được chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ từ khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Tuyến vú, khoa Hóa trị, khoa Xạ trị, thậm chí khoa Tim mạch ngồi lại với nhau để đưa ra quyết định điều trị tại khoa nào trước. Nếu có chỉ định mổ, bệnh nhân lại tiếp tục được hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra hướng điều trị kế tiếp.

- Ngoài làm công tác chuyên môn, ông còn là người quan tâm đến hoàn cảnh kinh tế của bệnh nhân. Xin bác sĩ hãy nói về mảng đề tài này trong y nghiệp của mình.

Từ thời Giám đốc Trương Văn Việt, đến Giám đốc Nguyễn Trường Sơn, rồi Giám đốc Nguyễn Tri Thức, tôi vẫn nói một câu mà chắc ai cũng nhớ, đó là “nếu như bệnh nhân không gặp bế tắc về mặt chuyên môn nhưng lại gặp bế tắc về mặt tài chính thì Y xã hội của bệnh viện phải lo”.

Từ thời giám đốc Trương Văn Việt, tổ Y xã hội khi đó trực thuộc Phòng Y vụ do tôi phụ trách, đã được thành lập để lo cho các bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Sau này, giám đốc Nguyễn Trường Sơn quyết định chuyển “Đơn vị Y xã hội” thành “Phòng Công tác xã hội” để nâng cấp quy mô phục vụ cho người bệnh. Tới giờ này, tôi cảm thấy rất hài lòng khi có những đơn vị do mình dẫn dắt đã giúp được vô số người nghèo.

Nếu dân gian có câu “lá lành đùm lá rách” thì tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tinh thần của chúng tôi là “Lá rách đùm lá nát”. Cho nên vai trò của người làm công tác xã hội là rất quan trọng, chính các thành viên của phòng công tác xã hội, bằng sự lăn xả và trái tim yêu thương đã cứu được bệnh nhân vốn đã bệnh về thể xác, phần nào thoát khỏi suy sụp tinh thần do rơi vào cảnh túng thiếu.

mang-niem-vui-den-cho-benh-nhan-la-kim-chi-nam-cua-cac-anh-chi-em-phong-cong-tac-xa-hoi-benh-vien-cho-ray.jpg
Giáo sư Khôi luôn nhắc nhở việc mang niềm vui đến cho bệnh nhân là kim chỉ nam của Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy

Trong giai đoạn còn phụ trách, tôi không ít lần đã chỉ đạo anh em xin bảo hiểm cho bệnh nhân. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi bất chấp bệnh nhân ở các vùng miền, thậm chí người bệnh từ Campuchia nếu túng thiếu, tôi đều bảo Hiển (ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội) phải lo, trường hợp lo không nổi thì báo cáo ban lãnh đạo bệnh viện để có cách giúp đỡ.

Riêng năm 2015, Đơn vị Y xã hội đã vận động hơn 400 tập thể, cá nhân đóng góp hơn 6,1 tỷ đồng; đã miễn giảm viện phí cho 530 bệnh nhân với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và phát 4.500 suất ăn miễn phí/ngày.

- Dù đã sắp tuổi hưu, song mọi người vẫn thấy bác sĩ Khôi lúc ở Trung tâm Ung bướu, khi ở hội trường nơi diễn ra các hội thảo khoa học, lúc ở phòng Công tác xã hội... Xin giáo sư chia sẻ một chút về mình ở những tháng ngày này. Ngoài ra, ông mong đợi gì từ thế hệ đàn em mà mình đã và đang dẫn dắt?

Theo quy định, đến tháng 10 năm nay tôi đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện ngỏ ý muốn tôi tiếp tục hỗ trợ khoa Tuyến vú. Khi nhận lời gợi ý từ anh Thức, tôi vui vì được anh em tin tưởng, nhưng trước tiên tôi cần chuẩn bị sức khỏe để đảm bảo làm tốt công việc, sau đó tiếp tục củng cố về mặt lý thuyết cho khoa Tuyến vú, tham gia giảng dạy cho sinh viên đại học, sau đại học, hỗ trợ khoa trong chỉ đạo tuyến, hỗ trợ công tác hội chẩn, kế đến là hoàn tất các công trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về ung thư.

Còn về đàn em, với tôi, khi đã cống hiến cho nghiệp y là phải thương bệnh nhân, thương đồng nghiệp và đàn em. Mình là đàn anh thì phải sống và làm việc thế nào để đàn em noi theo.

Trong suốt hơn 30 năm, tôi tâm niệm phải chân thành, gần gũi, cởi mở, tạo điều kiện, giúp đỡ cho mọi người, chắc vì thế mà từ chiến trường đến bệnh viện, tôi may mắn được nhiều đàn anh, đồng nghiệp và đàn em quý trọng. Ngoài ra, tôi vẫn luôn dặn anh em, không phải làm ở Chợ Rẫy, làm ở một bệnh viện lớn là thấy đủ. Anh em vẫn phải cố gắng trau dồi thêm chuyên môn để nâng tầm của mình hơn nữa.

ths-le-minh-hien-truong-phong-cong-tac-xa-hoi-benh-vien-cho-ray-bia-phai-cung-pgs.ts.bs-huynh-quang-khanh-giua-truong-khoa-tuyen-vu-trung-tam-ung-buou-bv-cho-ray-la-hai-hau-due-cua-giao-su-khoi.jpg
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy (bìa phải) cùng PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh (giữa), Trưởng khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy là hai hậu duệ của giáo sư Khôi

- Cuối cùng để nhìn lại gần 40 năm cống hiến cho y nghiệp, giáo sư thấy đời lính đã giúp cho mình những gì?

Với tôi, quân đội là trường đại học lớn nhất của đời mình. Tôi vẫn luôn nhớ lời thủ trưởng đơn vị bộ đội năm xưa, là phải luôn giữ vững kỷ luật quân đội, làm tốt vai trò của người đảng viên và giữ được cái “chất” người bác sĩ. Lời dặn đó đã giúp tôi luôn nỗ lực làm tốt công việc của một bác sĩ và luôn giữ vững phẩm chất của người đảng viên, của anh Bộ đội Cụ Hồ.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Đôi nét về GS.TS.BS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Khôi

GS.TS.BS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Khôi (quê Tiền Giang). Ông là bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát từ năm 1985, cử nhân hành chính (2001), cử nhân Anh văn (2008), cao cấp lý luận chính trị. Năm 2018 ông được phong hàm giáo sư y học.

Giáo sư Nguyễn Văn Khôi công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM từ năm 2001. Từ năm 2004 đến nay ông là phó giám đốc bệnh viện, kiêm giám đốc Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ngoài ra, có thời gian ông kiêm phó hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM. Ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2015.

Không chỉ làm tốt công tác quản lý bệnh viện, GS Nguyễn Văn Khôi luôn bận rộn với công tác giảng dạy và say sưa nghiên cứu khoa học. Đề tài: “Xây dựng, áp dụng và đánh giá hiệu quả của chương trình giảm sút sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy” do ông làm chủ nhiệm đã được Giải thưởng Kova năm 2015 ở hạng mục "Kiến tạo" dành cho cá nhân, tập thể có công trình khoa học-công nghệ ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao.

Với những cống hiến của mình, PGS liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2010 đến năm 2014; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, cùng nhiều bằng khen của Bộ Y tế và nhiều địa phương khu vực phía Nam. Đặc biệt, năm 2015, PGS Nguyễn Văn Khôi đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông bộc bạch, những phần thưởng cao quý đó là niềm tự hào và là động lực thúc đẩy bản thân nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hiện nay giáo sư Nguyễn Văn Khôi vẫn là cán bộ giảng dạy Bộ môn Ngoại Lồng ngực - Tim mạch, Trường ĐH Y dược TP.HCM. Ngoài ra tại khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông là người trực tiếp giảng dạy sinh viên đại học, sau đại học và những lớp chuyên đề Tuyến vú. GS Khôi cũng là giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Y.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển – Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy

Tôi may mắn gắn bó với thầy Khôi từ năm 2007. Trong công việc, thầy luôn tạo điều kiện cho anh em với tinh thần chỉ đạo, quan sát, giúp đỡ và luôn gần gũi thân thiện. Về phía bệnh nhân, thầy Khôi xem người bệnh như những người thân. Thầy Khôi chính là người đã dìu dắt tạo nên nề nếp quy trình của công tác xã hội như hôm nay.

Khoảng trước năm 2010, thầy Khôi có câu nói để đời đầu tiên, là “Bệnh nhân có bế tắc về tài chính nhưng không bế tắc về y khoa thì đơn vị y xã hội lo”. Đây là lời dạy mà đến bây giờ, chúng tôi đều nằm lòng. Câu nói này thấy đơn giản mà sâu sắc và khoa học. “Lo” ở đây không bao đồng tất cả, “lo” ở đây là đúng người đúng việc đúng hoàn cảnh.

Câu nói thứ hai là “bệnh nhân khó chịu thì mình chịu khó”. Đây là lời dạy ở tầm tuyên giáo, rằng trước hoàn cảnh khó, nhân viên công tác xã hội biết nhẫn nhịn, lắng nghe và tìm mọi cách để xoa dịu sự “khó chịu của người bệnh.

Cả hai câu nói của giáo sư Khôi cũng chính là tiêu chí “nghĩa tình” mà Bệnh viện Chợ Rẫy xây dựng từ bấy lâu nay

Khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày càng tạo được niềm tin từ bệnh nhân

Ngày 22/8/2024, Đơn vị Tuyến vú thuộc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức trở thành Khoa Tuyến vú theo quyết định 3789/QĐ-BVCR sau 6 năm đi vào hoạt động. Từ tháng 8/2018 đến nay, Khoa đã khám và điều trị cho hơn 40.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật hơn 1.000 ca mà không ghi nhận trường hợp có tai biến, biến chứng.

Từ một đơn vị nhỏ với chỉ vài nhân sự chủ chốt ở những ngày đầu, đến nay, Khoa đã có 20 người, trong đó có 7 bác sĩ (1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 1 bác sĩ chuyên khoa II, 4 thạc sĩ, bác sĩ), 11 điều dưỡng (điều dưỡng trưởng là tiến sĩ), 1 hộ lý và 1 thư ký y khoa.

PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng Khoa Tuyến Vú, người được giáo sư Khôi tin tưởng dìu dắt cho biết, hướng sắp tới, nguồn nhân lực của khoa sẽ được tăng thêm, dự kiến sẽ có 10 bác sĩ và 30 điều dưỡng. Đây là nguồn nhân lực thật sự “chất lượng” vì các thành viên đã được chọn lựa, đào tạo chuyên môn ở trong nước và ngoài nước”.

Cụ thể, ngày 16 và 17/10 vừa qua, Khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tổ chức thành công Hội nghị khoa học về các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia thuộc chuyên ngành tuyến vú đến từ Bệnh viện ĐH Quốc gia Singapore và các bệnh viện uy tín tại Pháp, mang đến nhiều đề tài khoa học có giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Nguyễn Văn Khôi – Nghiệp phục vụ sức khỏe nhân dân không có tuổi hưu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO