Khoa học

Nobel Kinh tế 2024 vinh danh nghiên cứu về sự thịnh vượng của các quốc gia

Hà Lam - Ngọc Uyên 14/10/2024 - 22:55

Ngày 14/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố 3 chủ nhân của giải Nobel Kinh tế năm nay, gồm Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson, "vì những nghiên cứu về cách các thể chế hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng".

nobel-kinh-te-14-10(1).jpg
Ba nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế 2024. Ảnh: Christine Olsson

Theo thông cáo của Ủy ban Nobel, 3 nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay đã có những nghiên cứu mới mẻ về những ảnh hưởng đối với sự thịnh vượng về kinh tế giữa các quốc gia.

Nhờ nghiên cứu của họ, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao các quốc gia lại có những mức độ thịnh vượng khác nhau. Nói cách khác là tại sao một số quốc gia này giàu, và một số khác lại nghèo.

Theo các nhà kinh tế đoạt giải, yếu tố quan trọng quyết định sự giàu nghèo của các quốc gia nằm ở thể chế xã hội. Mối quan hệ giữa thể chế và thịnh vượng được họ chứng minh thông qua các nghiên cứu về các hệ thống kinh tế, chính trị khác nhau mà các nước thực dân châu Âu mang đến cho các nước thuộc địa trong lịch sử.

Theo đó, khi các nước thực dân châu Âu chiếm phần lớn các nước trên thế giới làm thuộc địa, thể chế của các nước này đã thay đổi, và thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Có những nơi, mục đích của thực dân là bóc lột người dân bản địa và khai thác tài nguyên (tức thể chế chiếm đoạt). Nhưng ở những nơi khác, kẻ thực dân lại xây dựng những hệ thống kinh tế, chính trị hướng tới một lợi ích lâu dài hơn, cho những người di dân đến đây từ châu Âu (tức thể chế dung hợp).

Kết quả, những nơi nghèo nàn mà “thể chế dung hợp” (inclusive institution) được xây dựng thời thuộc địa, lại trở nên thịnh vượng theo thời gian. Ngược lại, những thuộc địa giàu có trước đây thì bây giờ lại nghèo nàn. Đây là những nơi chịu sự chi phối của “thể chế chiếm đoạt” (extractive institution), nơi kẻ nắm quyền chỉ nhắm vào những lợi ích trước mắt và bỏ qua những lợi ích lâu dài.

Ngoài ra, cống hiến của Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson còn nằm ở những công cụ lý thuyết mà họ đã phát triển. Với những công cụ này, chúng ta giải thích được tại sao những khác biệt về thể chế vẫn tiếp tục tồn tại và làm thế nào để có thể thay đổi thể chế.

Jakob Svensson - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế cho biết: “Rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất ở thời đại chúng ta. Những nhà kinh tế đoạt giải năm nay đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của thể chế xã hội trong việc đạt được điều này”.

Cả ba nhà kinh tế đoạt giải đều là giáo sư tại Mỹ. Trong đó, Daron Acemoglu (sinh năm 1967 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) và Simon Johnson (sinh năm 1963 tại Sheffield, Anh) cùng làm việc lại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Cả ba là đồng tác giả của cuốn sách vừa công bố năm 2023 mang tên “Power and Progress” (Quyền lực và tiến bộ).

Còn James A. Robinson (sinh năm 1960 tại Anh) làm việc tại Đại học Chicago. Ông cùng Daron Acemoglu là tác giả của quyển sách từng được dịch sang tiếng Việt “Tại sao các quốc gia thất bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng, và nghèo đói”. Tác phẩm này từng được trao giải Sách hay năm 2013 hạng mục sách Kinh tế.

Giải Nobel Kinh tế có tên chính thức là Giải thưởng Sveriges Riksbank về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel. Đây là giải thưởng do ngân hàng Sveriges Riksbank sáng lập năm 1968 và giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển chọn người đoạt giải.

Từ năm 1969 đến nay, có tổng cộng 56 giải Nobel Kinh tế từng được trao. Trong đó, người trẻ nhất từng được nhận giải khi đang ở độ tuổi 46, và người lớn tuổi nhất là 90.

Ba nhà kinh tế năm nay sẽ cùng chia số tiền thưởng trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD). Với giải thưởng này, Tuần lễ Nobel 2024 cũng chính thức khép lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nobel Kinh tế 2024 vinh danh nghiên cứu về sự thịnh vượng của các quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO