Giáo dục

Những 'thuyền trưởng' nguyện suốt đời cống hiến cho nghề giáo

HOÀNG NGUYỄN 18/11/2023 06:13

Với kinh nghiệm lâu năm kinh qua nhiều vị trí từ giáo viên đến cán bộ quản lý, những nhà giáo đảm nhận vai trò “thuyền trưởng” đã có định hướng, chiến lược hiệu quả để đưa tập thể nhà trường phát triển vững mạnh. Họ đã nguyện suốt đời sẽ cống hiến cho nghề giáo, tất cả vì học sinh thân yêu.

Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày 17/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM tổ chức Lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023 cho 50 nhà giáo tiêu biểu. “Rất vui, hạnh phúc, vinh dự lắm” là cảm giác chung của các nhà giáo khi hay tin được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản.

Thầy Trần Tấn Tài: “Hạnh phúc có được khi chia sẻ hạnh phúc cho mọi người”

Với thâm niên hơn 37 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Trần Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong (Quận 5, TP.HCM) cho biết, mùa Hiến chương Nhà giáo năm nay và giải thưởng Võ Trường Toản đến với thầy rất đặc biệt. Đặc biệt là bởi vì tên của giải thưởng, thầy Võ Trường Toản là nhà giáo Việt Nam nổi tiếng học rộng tài cao, đức hạnh hơn người, là nhà giáo mẫu mực và là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò, trong đó có thầy Tài. Đặc biệt hơn nữa, có thể đây sẽ là mùa Hiến chương Nhà giáo cuối cùng bởi chưa đầy 1 năm nữa, thầy sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, đối với thầy, giải thưởng này rất ý nghĩa, như một sự ghi nhận tâm huyết, đóng góp của cả đời người cho ngành giáo dục.

1.thay-tran-tan-tai-hieu-truong-thcs-ly-phong-2-.jpg
Thầy Trần Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong (Quận 5, TP.HCM).

Nhớ lại cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Tài cho biết: “Khi tôi tốt nghiệp THPT, mẹ tôi khuyên rằng con hãy theo nghề giáo vì nghề này sẽ đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người, mọi thế hệ. Dạy học là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Vì lẽ đó, tôi chọn theo nghề sư phạm”. Theo học Đại học Sư phạm và ngay khi tốt nghiệp năm 1986, thầy Tài bắt đầu bước chân vào nghề giáo, trở thành giáo viên chi viện cho tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau).

Thầy Tài chia sẻ, luôn tâm niệm làm sao để các em học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đối với thầy, không có học sinh nào yếu kém về học lực hay hạnh kiểm, chỉ do giáo viên chưa hiểu được tâm lý của học sinh. Nếu giáo viên tìm được nguyên nhân thì sẽ tìm ra được giải pháp để phối hợp cùng gia đình giúp học sinh tiến bộ. Ngoài việc phải nắm bắt được tâm tư của học sinh thì cái khó nhất ở bậc giáo dục THCS là làm sao thuyết phục được phụ huynh đồng hành bởi nhiều phụ huynh luôn cho rằng con họ “ở nhà rất ngoan”. Bên cạnh đó, hiện nay bệnh tự kỷ ở học đường ngày càng gia tăng và đó cũng là thách thức cho nhà trường và gia đình. Trường THCS Lý Phong hiện có 19 học sinh bị tự kỷ được nhà trường đặc biệt quan tâm, dành hẳn 1 phòng riêng để mời các chuyên gia tâm lý thường xuyên đến với các em.

Luôn quan tâm đến học sinh, thầy Tài đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ cho học sinh học yếu, lười biếng, giải pháp hình thành nhân cách học sinh thông qua chuyên đề “Trách nhiệm của bản thân học sinh”, kết hợp với tổ chức SCC (Vương Quốc Anh) để tư vấn cho 45 học sinh quá tuổi được học nghề miễn phí, giúp các em có nghề nghiệp để ổn định cuộc sống. Nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn được thầy Tài quan tâm, giúp đỡ bởi đối với thầy, hạnh phúc có được khi chia sẻ hạnh phúc cho mọi người. Ở vai trò đứng đầu nhà trường, thầy Trần Tấn Tài đã xây dựng được tập thể sư phạm đoàn kết, tất cả vì học sinh, giữ vững chất lượng giáo dục và các phong trào thi đua đều được giáo viên và học nhiệt tình hưởng ứng với nhiều thành tích.

1.thay-tran-tan-tai-hieu-truong-thcs-ly-phong-3-.jpg
Thầy Trần Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong cùng các giáo viên của trường.

Với nhiều sáng kiến và thành tích nổi bật, thầy Trần Tấn Tài đã được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ GD&ĐT; Huy hiệu, Bằng khen của UBND TP.HCM đạt thành tích xuất sắc trong nhiều năm học và là Lãnh đạo tập thể 5 lần đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

“Hãy yêu thương học sinh như chính những con em của mình sẽ mang lại giá trị cho học sinh rất lớn. Mỗi thầy cô giáo yêu thương học sinh bao nhiêu thì học sinh của mình sẽ yêu thương thầy cô bấy nhiêu”, đó là những gửi gắm của thầy Tài với các thầy, cô giáo đồng nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cô Mai Yến Hằng: “Nụ cười của trẻ là niềm hạnh phúc của cô”

Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố (quận 3, TP.HCM) chia sẻ, cô không chủ định chọn nghề giáo nhưng được nghề giáo chọn, cũng có lẽ do cô vốn yêu thích trẻ con. Bước chân vào nghề năm 1994 là giáo viên Trường Mầm non 30/4 (Quận 1), đến nay, cô Hằng đã gắn bó với Ngành Giáo dục mầm non hơn 28 năm, trong đó có 7 năm giảng dạy và hơn 21 năm quản lý.

2.co-mai-yen-hang-ht-mn-thanh-pho-1-.jpg
Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố (quận 3, TP.HCM).

“Cũng có lúc vì nhiều lý do khách quan, tôi có ý nghĩ bỏ nghề nhưng khi đến lớp, nghe thấy tiếng cười trẻ thơ tôi lại yêu nghề mà quên hết những mệt mỏi”, cô Hằng tâm sự, chính nhờ vào lòng yêu trẻ mà cô giữ được đam mê với nghề lâu như vậy. Cô tâm niệm, nghề giáo đơn giản là dạy học không chỉ dạy bằng cái đầu mà bằng cả trái tim thì mới có sự kết nối tâm hồn với nhau.

“Ba tôi có nói, khi đã chọn điều gì thì phải cố gắng làm hết sức. Giờ ba không còn nữa nhưng tôi luôn nghĩ Ba vẫn dõi theo bước đường sự nghiệp và cuộc sống của tôi. Khi chọn theo nghề giáo, tôi xác định sẽ đi đến đích và sẽ tiếp tục cống hiến cho đến khi không thể mới thôi”, cô Hằng bộc bạch.

2.co-mai-yen-hang-ht-mn-thanh-pho-2-.jpg
Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Phố (hàng sau, thứ hai từ phải sang trái) cùng giáo viên, phụ huynh và học sinh của trường.

Trường Mầm non Thành phố thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế". Là người đứng đầu nhà trường, cô Mai Yến Hằng cho biết, cô cũng chịu nhiều áp lực, đặc biệt trong giai đoạn trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy áp lực nhưng nhờ có kế hoạch, tạo được sự tin tưởng nơi phụ huynh, đồng nghiệp theo phương châm “Nụ cười của trẻ là niềm hạnh phúc của cô”, cô Hằng đã vượt qua được mọi khó khăn. Những sáng kiến, ứng dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành của cô đã được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, cô Hằng đã đưa ra sáng kiến một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 vì một trường học an toàn.

Với cương vị Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố từ năm 2018 đến nay, cô Mai Yến Hằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, viết thêm những trang sử cho ngôi trường nổi tiếng với bề dày lịch sử gần 50 năm hình thành và phát triển. Ngày 6/10 vừa qua, Trường Mầm non Thành phố đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3. Trước đó, Trường cũng là đơn vị đạt Cờ Thi đua của Chủ tịch UBND TP.HCM (2021-2022), Tập thể liên tục đạt Tập thể lao động xuất sắc, từ năm học 2018 -2019 đến 2022-2023.

trao-giai-vo-truong-toan-2023-co-mai-yen-hang.jpg
Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành phố (bìa phải) cùng các nhà giáo nhận giải Võ Trường Toản ngày 17/11.

Cô Trần Bé Hồng Hạnh: “Nghề giáo là định mệnh”

Đến với nghề giáo như một sự định mệnh bởi có cha và dì ruột đều là nhà giáo, từ nhỏ, cô Trần Bé Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM) đã được theo chân cha vào trường nên rất thích dạy học. Ngày ấy, mỗi khi cùng các bạn chơi trò đóng vai cô giáo, cô gái nhỏ Hồng Hạnh luôn giành vai cô giáo, chấm điểm, nhận xét vào vở các kiểu cho các bạn. Lớn lên, cô Hồng Hạnh vẫn giữ mơ ước trở thành nhà giáo và đã chọn theo học Cao đẳng Sư phạm (nay là Trường Đại học Sài Gòn), Khoa Tiểu học. Tốt nghiệp ra trường năm 1998, cô Hạnh thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo khi làm giáo viên Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Quận 1). Từ đó, cô vừa đam mê dạy học, vừa tiếp tục học lên đại học và sau đại học. Với tâm huyết và năng lực chuyên môn vững vàng, sau 12 năm dạy học, cô Hạnh đã được đảm nhận vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. 25 năm công tác trải qua nhiều vị trí từ giáo viên đến quản lý tại Trường và Phòng GD&ĐT Quận 1, cô Hạnh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

3.co-hong-hanh-hieu-truong-th-nguyen-thai-hoc-2-.jpg
Cô Trần Bé Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM)

Theo cô Hạnh, nghề giáo đòi hỏi phải có tình yêu thương trẻ, phải kiên trì và nhẫn nại. Trong thời đại hiện nay, nhà giáo còn phải đổi mới quan điểm về giáo dục, phải nắm vững tâm lý lứa tuổi mới hiểu hết và dạy trẻ tốt. Trong mọi tình huống, cô Hạnh đều bình tĩnh đối diện để giải quyết.

Cô Hạnh cho biết, nhà giáo trong thời đại hiện nay chịu rất nhiều áp lực và thách thức từ chuyển đổi số mạnh mẽ và chương trình Giáo dục phổ thông mới. Để thực hiện tốt, nhà trường và nhà giáo cần luôn học hỏi cùng sự chuẩn bị kỹ càng thì nhất định sẽ thành công. Đó cũng là “bí quyết” thành công của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học khi nhà trường đã tiên phong thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt, triển khai dạy – học trực tuyến thành công trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Cô Hạnh tâm sự, khi đọc quyển sách Tottochan, hình ảnh người thầy Hiệu trưởng bình dị, hết lòng yêu thương học sinh khiến cô Hạnh nhớ mãi. Và trong nghề giáo, cô Hạnh cũng gặp người thầy đáng quý, đó chính là thầy Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT. “Thầy Điệp vừa là thầy dạy ở trường vừa là người lãnh đạo truyền cho tôi những tư tưởng tiến bộ về giáo dục, tất cả đều xuất phát từ tâm của người thầy dành cho học trò”, cô Hạnh chia sẻ. Chính vì vậy, ở bất kỳ vị trí nào, cô Hạnh đều luôn tạo dựng một môi trường học tập vui vẻ, thân thiện, hạnh phúc để trẻ thích đi học thông qua nhiều hoạt động trải nghiệm tại trường.

Là Hiệu trưởng, cô Hạnh vẫn có những áp lực riêng, đó là giữ vững thành tích và đưa nhà trường ngày càng phát triển, được xã hội, phụ huynh tin tưởng, lựa chọn. “Muốn vậy, bản thân tôi phải vạch rõ định hướng phát triển của nhà trường trong 5 năm, 10 năm cụ thể là gì. Đối với đội ngũ, người lãnh đạo càng rõ ràng, dân chủ, công khai minh bạch thì sẽ càng tạo được niềm tin yêu và mọi người đều hiểu, vui vẻ làm theo. Mọi quyết định khi đưa ra đều phải vì sự phát triển chung của nhà trường thì sẽ được tập thể ủng hộ và đồng hành”, cô Hạnh chia sẻ. Với tâm huyết của “người thuyền trưởng” và sự đồng lòng của tập thể sư phạm, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đạt được nhiều thành tích: hoàn thành các tiêu chí công nhận trường thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, là Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022, giữ vững danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liền,...

3.co-hong-hanh-hieu-truong-th-nguyen-thai-hoc-3-.jpg
Tập thể sư phạm Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1, TP.HCM).

“Cảm ơn những khó khăn, thử thách, cảm ơn những lãnh đạo, thầy cô giáo, những phụ huynh và học sinh thật tuyệt vời đã luôn ủng hộ, tin tưởng để tôi vượt qua, hoàn thiện mỗi ngày để làm tốt hơn nữa công việc mà mình đã yêu và gắn bó”, cô Hạnh chia sẻ khi nhìn lại chặng đường 25 năm gắn bó với ngành giáo dục và cho biết, cô vẫn nguyện gắn bó suốt đời với nghề giáo bởi đó là định mệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những 'thuyền trưởng' nguyện suốt đời cống hiến cho nghề giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO