Đô thị

Nhiều dự án xử lý nước thải: Nơi thừa nước thải, nơi thiếu nước xử lý

Khởi Nguyên 24/07/2023 - 16:30

Nhà máy xử lý nước thải đã hoàn thành nhưng không có cống thu gom nên thiếu nước thải để xử lý. Nơi đã cải tạo kênh, lắp cống thu gom nước thải nhưng chưa có nhà máy xử lý.

Thành phố vẫn đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để.

Mỗi ngày TP.HCM thải ra xấp xỉ 1,6 triệu m3 nước thải nhưng chỉ xử lý được chưa tới 200.000m3 và có khoảng 1,4 triệu m3 nước thải vẫn đổ ra môi trường hòa lẫn với nước sông, kênh, rạch.

Dự án Vệ sinh Môi trường TPHCM giai đoạn 2 đạt 61%

“Việc thi công nhà máy xử lý nước thải và các hệ thống cống gom nước phải đẩy nhanh hơn. Nhà máy làm xong, hệ thống thu gom nước thải cũng hoàn thiện, như vậy nhà máy mới có nước thải để vận hành,” Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, chỉ đạo tại buổi giám sát dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 vào ngày 13/7/2023.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), đến nay dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 mới chỉ đạt khoảng 61%.

Dự án Vệ sinh Môi trường TPHCM - giai đoạn 2 thực hiện từ 2015 đến tháng 6/2024, với tổng vốn đầu tư hơn 11.114 tỷ đồng (tương đương 524 triệu USD), trong đó vốn ODA là 450 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách TPHCM là 1.572 tỷ đồng (74 triệu USD).

Mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và TP Thủ Đức; cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe người dân TPHCM; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và hạ lưu sông Đồng Nai.

nguyen-ho-hai-giam-sat-du-an-ve-sinh-moi-truong.jpg
Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, tại buổi giám sát dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2. Ảnh minh họa

Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2 nhằm hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải, cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân thành phố. Trong đó, dự án sẽ xây dựng khoảng 8km tuyến cống bao thu gom nước thải, xây dựng hàng chục km tuyến cống thoát nước cấp 2, 3 trên địa bàn quận 2 và xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch lớn nhất nước với công suất 480.000 m³/ngày.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, đây là dự án rất quan trọng, có kinh phí khá lớn, phần lớn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của dự án mang tính xã hội cao. Không chỉ có Ban Quản lý dự án mà tất cả các sở ngành có liên quan phải có trách nhiệm với dự án.

Ông nhấn mạnh, đây là trách nhiệm chung của thành phố chứ không riêng của riêng đơn vị nào. Cần vạch rõ lộ trình thực hiện, mốc thời gian điều chỉnh dự án, mốc thời gian hoàn thành dự án.

Cải tạo kênh đã xong, nhà máy xử lý nước thải vẫn còn ì ạch

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc Dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 1 được khánh thành năm 2012 nhưng tới nay nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi ở TP Thủ Đức, thuộc giai đoạn 2, vẫn chưa làm xong.

Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi là gói thầu quan trọng nhất chỉ mới đạt 31,2%. Dự kiến nhanh nhất đến tháng 2/2026, gói thầu này mới hoàn thành và vận hành thử (chậm khoảng 13 tháng so với thời hạn hợp đồng).

tuyen-cong-bao-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-thanh-my-loi.jpg
Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi ở TP Thủ Đức, thuộc giai đoạn 2, vẫn chưa làm xong. Ảnh minh họa

Nhà máy xử lý nước thải này công suất 480.000m3/ngày, khởi công từ năm 2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2021 nhưng đến nay vẫn tiếp tục lùi vì nhiều nguyên nhân. 

Với tốc độ xây nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi như hiện nay, khoảng ba năm nữa mới xong để xử lý nước thải lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoàn thành cải tạo kênh, xây cống từ 11 năm trước.

Hiện toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận được gom vào tuyến cống bao hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), sau đó bơm ra sông Sài Gòn.

Nhà máy xử lý nước thải không đủ lượng nước thải để xử lý

Còn Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (phường An Phú Đông, quận 12) nằm trong khu đất rộng 2,3ha, là nhà máy đầu tiên của cả nước được thiết kế để xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra môi trường. Dự án có mục tiêu giải quyết ô nhiễm môi trường nước trầm trọng của kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật, giảm tải lượng ô nhiễm đáng kể cho sông Sài Gòn.

Theo dự kiến, công suất giai đoạn 1 của dự án là 131.000m3, xử lý nước thải cho lưu vực 2.058ha, gồm quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, nơi có 700.000 dân. Hiện nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng để tránh hư hỏng thiết bị với lượng nước xử lý mỗi ngày khoảng 7.000 - 8.000m3.

Nhưng sau bảy năm vận hành, nhà máy vẫn chưa có hệ thống cống thu gom nên không có nước thải để xử lý. Năm 2018, sau một năm đưa vào hoạt động, TPHCM đã ký hợp đồng giao nhà đầu tư quản lý, duy tu, vận hành nhà máy "trong thời gian năm năm hoặc cho đến khi đủ nước thải vận hành được 33,33% công suất nhà máy tùy theo điều kiện nào đến sau".

Đến nay, công suất xử lý vẫn thấp hơn 33,33% nên nhà đầu tư vẫn duy trì vận hành, bảo dưỡng thiết bị... Phí vận hành do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng và được TPHCM chi trả.

Với cơ chế mới theo nghị quyết 98, TPHCM sẽ có cơ sở gỡ vướng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) trước đây, nhất là khâu thanh toán cho nhà đầu tư. Nghị quyết 98 sẽ khơi thông ách tắc về cơ chế, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo hình thức xã hội hóa.

TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - nhận định Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát thiếu đồng bộ hay các dự án nhà máy xử lý nước thải chậm tiến độ sẽ gây lãng phí đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường.

"Sông sạch, nước sạch là nhu cầu cần thiết và cấp bách của người dân TPHCM. Một dự án thi công mà không đồng bộ, thiếu tính kết nối thì phải quyết liệt tìm nguyên nhân. Các đơn vị liên quan phải nâng cao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ lên", ông Cương nói.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mục tiêu quan trọng nhất của cải tạo kênh rạch là cải thiện chất lượng nước. Do đó cần phải sớm đồng bộ hạ tầng xử lý để trả lại màu xanh cho kênh rạch.

Khi đã ổn định hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải cơ bản, nên hướng tới sử dụng công nghệ sinh học - vi sinh để xử lý các dòng kênh cùng với các trạm xử lý. Công nghệ này có thể sản sinh ra các khuẩn có lợi cho môi trường.

Theo quy hoạch đến năm 2025, TPHCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất gần 3 triệu m3/ngày. Trong đó, các nhà máy công suất lớn tập trung ở lưu vực kênh Tàu Hủ - kênh Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực Đông Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và lưu vực Tham Lương - Bến Cát.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TPHCM, TPHCM mới đang vận hành ba nhà máy xử lý nước thải gồm Bình Hưng công suất 141.000m3/ngày, Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày, Tham Lương - Bến Cát công suất thực tế khoảng 15.000m3/ngày.

Ngoài ra còn bốn trạm xử lý nước thải của khu dân cư gồm Tân Quy Đông công suất 500m3/ngày, khu tái định cư 17,3ha Bình Khánh công suất 3.000m3/ngày, khu tái định cư Vĩnh Lộc B công suất 3.700m3/ngày, khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh công suất hơn 7.000m3/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều dự án xử lý nước thải: Nơi thừa nước thải, nơi thiếu nước xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO