Nghiên cứu nhân giống nhanh và đồng loạt Cát Tường

Như Quỳnh| 20/01/2017 15:35

KHPTO - Theo văn hóa phương đông, mỗi khi tết đến xuân về, người dân thường mua hoa cát tường về để trong nhà với mong muốn một năm đầy may mắn, tài lộc.

Cát tường (Eustoma grandiflorum L.) là loài cây trang hoàng, cho hoa bền, đẹp. Tuy nhiên, do tỷ lệ nảy mầm của hạt thấp, những kỹ thuật nhân giống thông thường không đạt hiệu quả. Vì vậy, tác giả Trần Thị Ngọc Lan, Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Lâm Đồng, đã nghiên cứu nhân giống cây cát tường qua hai con đường phát sinh phôi sinh dưỡng và phát sinh cơ quan.

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát sự phát sinh hình thái của mẫu cấy nhằm mục đích nhân nhanh và đồng loạt giống cây Cát tường.

Cây Cát tường cho hoa đẹp, thanh nhã với nhiều màu sắc khác nhau như: xanh lá mạ, hồng, vàng, tím, trắng có viền hay không. Đây là một trong 10 loại cây cắt cành có độ bền hoa hàng đầu trên thế giới. Cây có khả năng kháng bệnh, chịu được acid và có khả năng đáp ứng với stress nhiệt độ cao. Tuy nhiên, hạt có kích thước rất nhỏ (19000 hạt/g), rất khó gieo. Cây gieo từ hạt có kiểu hình không ổn định và có tỷ lệ nảy mầm không cao (dễ bị thất thoát hạt). Các công trình nghiên cứu trước đây, nhân giống in vitro thường vào mẫu bằng nuôi cấy hạt trong điều kiện in vitro hay nuôi cấy chồi, nhân chồi và cắt đoạn chồi.

Tác giả nghiên cứu này tìm hiểu phát sinh hình thái của mẫu lá, lóng thân và đầu rễ từ các chồi cây nuôi cấy in vitro của cây Cát tường, khảo sát sự hình thành và nhân lên của mô sẹo, sự phát sinh và phát triển của phôi sinh dưỡng với tần số cao từ mô sẹo nuôi cấy từ lá của cây Cát tường để chọn ra phương thức nhân giống thích hợp cho loài cây có giá trị này.

Vật liệu sử dụng cho nghiên cứu là cây Cát tường cho hoa kép, đẹp, màu vàng nhóm Mariachi (Eustoma grandiflorum Mariachi Yellow imp.) có chiều dài 60 -70 cm, 7 tháng tuổi có nguồn gốc từ vườn cây của nông dân, ấp Vạn Thành, Đà Lạt. Cây có độ bền của hoa từ 13 – 27 ngày. Cây với các chồi ngọn và chồi nách được chọn làm vật liệu để thu lấy chồi.

Sau 2 tuần nuôi cấy, các chồi lớn dần và hình thành cây con mang từ 2 - 4 lá/cây. Các lá này được dùng làm vật liệu cho thí nghiệm tạo mô sẹo.

Khối lượng của cả hai loại mô sẹo tăng dần theo thời gian nuôi cấy. Đạt cực đại sau 21 ngày nuôi cấy. Khối lượng của dạng cấu trúc nhiều rễ cũng tăng dần theo thời gian nuôi cấy với những rễ phát triển to, dài, màu xanh hay trắng và đạt cực đại sau 14 ngày nuôi cấy, nhưng các cấu trúc này không tiếp tục phát triển, một số thậm chí bị hoại tử dẫn đến khối lượng giảm dần ở ngày nuôi cấy thứ 21. Vì vậy, không chọn những cấu trúc nhiều rễ này cho việc tái sinh hình thành cây.

Các quan sát giải phẫu hình thái mô sẹo sau 5 tuần nuôi cấy mẫu lá cho thấy, có nhiều tế bào nhỏ, đẳng kính, nhân to, đang phân chia mạnh mẽ. Đây là những tế bào có khả năng hình thành phôi. Nuôi cấy tiếp tục những mô sẹo này thêm 2 tuần, chúng đã hình thành các phôi sinh dưỡng, nhô lên từ khối mô sẹo. Vì vậy, những mô sẹo này là loại mô sẹo có khả năng phát sinh phôi.

Qua nghiên cứu này, tác giả kết luận, qua hai con đường hình thành chồi và hình thành phôi sinh dưỡng, tạo cây con từ mô sẹo cho thấy, dù bằng con đường nào thì đều có khả năng nhân giống cao. Đây là sự ghi nhận về con đường nhân giống nhanh và khả thi của cây Cát tường. Mẫu lá từ nuôi cấy chồi là thích hợp hơn cả trong việc hình thành và phát triển của cả hai loại mô sẹo 1 và 2 trên môi trường MS bổ sung 2 mg/l α-NAA hoặc 0,5 mg/l 2,4-D.

Mô sẹo 1 hình thành chồi, mô sẹo 2 hình thành phôi sinh dưỡng và phát triển thành cây con khi bổ sung vào môi trường nuôi cấy 0,5 mg/l BA. Các chồi từ mô sẹo 1 phát triển thành cây con khi chuyển sang nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung 0,5 mg/l α-NAA. Các cây con đều sống sót và thích nghi tốt trong điều kiện ex vitro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu nhân giống nhanh và đồng loạt Cát Tường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO