Nghề săn trùn biển

Lê Hoàng Vũ| 02/08/2010 16:30

Gần đây tại xã Bãi Thơm, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đã xuất hiện nghề đánh bắt trùn (giun) biển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con ngư dân ở một xã nghèo.<_o3a_p>

Trùn biển là loài thủy sản thân mềm, to bằng đầu đũa, dài khoảng 40 cm, có màu trắng trong, thường sinh sống ở vùng biển cạn, gần bờ, ăn phù du trong lòng cát biển, không gây hại cho các loài thủy sinh khác và có sản lượng khá lớn ở phía bắc đảo Phú Quốc. Biết được vùng biển này có nhiều trùn biển, các thương lái từ đất liền và TP. Hồ Chí Minh đã tìm đến đây để đặt hàng và thu mua, từ đó bà con ngư dân xã Bãi Thơm có thêm nghề đánh bắt hải sản mới. Ở Bãi Thơm hiện có vài chục ngư dân đánh bắt trùn biển, có người làm kết hợp với các nghề đánh bắt khác (nhưng không ít người chỉ chuyên khai thác trùn). Trùn biển được khai thác quanh năm, nhưng thuận lợi nhất là lúc ít sóng gió. Trung bình một người lặn bắt được 300 - 400 con mỗi ngày, mỗi con bán được 500 - 800 đồng, sẽ thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Mỗi người trên bờ cũng có thể kiếm được 50.000 - 60.000 đồng/ngày khi tham gia công đoạn sơ chế trùn tại các trạm thu mua.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, chủ cơ sở thu mua chế biến trùn biển tại ấp Rạch Tràm, mỗi ngày cơ sở của ông mua được 3.000 - 4.000 con trùn tươi sống, khi được mùa là 5.000 - 6.000 con; thuê lao động tại chỗ đến gia công lộn con trùn để loại bỏ các chất thải rồi đem phơi khô (khoảng 300 con trùn tươi sẽ làm được 1 kg trùn khô). Mỗi ngày cơ sở này chế biến được 15 - 20 kg sản phẩm trùn biển khô, giao bán lại cho các thương lái từ Rạch Giá và TP. Hồ Chí Minh với giá 260.000 - 270.000 đồng/kg. Tính ra mỗi kg, sau khi trừ chi phí, được lời vài chục ngàn đồng.Theo các thương lái, trùn biển là loại thực phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao không thua kém hải sâm bao nhiêu. Mặt hàng này chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc, nhưng cũng được bày bán khá nhiều tại các chợ ở Phú Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghề săn trùn biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO