Tài chính

Lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM

Bình Minh 08/12/2023 - 14:25

TP.HCM đang hoạch định chính sách để hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm công nghệ tài chính (fintech) của khu vực Đông Nam Á.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) cho rằng thành phố có tiềm năng rất lớn trở thành Trung tâm fintech của Đông Nam Á. Cụ thể, từ năm 2010-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM tăng gấp đôi. Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao.

Công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến khác đang được ứng dụng nhiều hơn ở các tổ chức tài chính của thành phố để cải thiện khả năng phục vụ khách hàng và doanh nghiệp của họ tốt hơn.

Tính đến cuối năm 2022, TP.HCM đã có 1.371 công ty khởi nghiệp công nghệ, 145 công ty khởi nghiệp fintech, trở thành trung tâm fintech nổi bật nhất cả nước. Điều này, tạo sức hút để các tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam vì lực lượng lao động trẻ, giá rẻ và có trình độ.

trungtamtaichinhquocte.png
Trong lộ trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, sẽ có thêm một cấu phần là Trung tâm fintech. Ảnh minh họa

Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng HIDS, TP.HCM có lợi thế khác biệt để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế. TP.HCM là nơi bắt nguồn những sáng kiến quan trọng nhất của đất nước, có thể kể tới như: Thành lập ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

TP.HCM cũng đi đầu cả nước về tích hợp, ứng dụng fintech. Trong lộ trình xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM, sẽ có thêm một cấu phần là Trung tâm fintech. Fintech sẽ đóng vai trò quan trọng trong trung tâm tài chính quốc tế, do đó cần xây dựng những phân khu chức năng liên quan fintech.

Dù vậy, để đạt được mục tiêu, TP.HCM cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức nhất là khi phấn đấu trở thành một trung tâm fintech của Đông Nam Á. Đầu tiên là các thiết bị, sản phẩm, hệ thống công nghệ thông tin hiện nay chưa đủ độ tin cậy để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Thứ hai là cơ cấu pháp lý, chế độ thuế vẫn còn quá chặt chẽ và phức tạp cho nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành tài chính. Ngoài ra còn những khó khăn khác như tình trạng quá tải, xuống cấp cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường…

HIDS cho rằng TP.HCM phải tích cực hơn để hoạt động như một trung tâm fintech của khu vực như phát triển nhiều loại hàng hóa tài chính đa dạng hơn, có hệ thống pháp lý mạnh mẽ để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp fintech và có các điều kiện hệ thống quản lý rõ ràng để các công ty khởi nghiệp phát triển.

TP.HCM cần ưu tiên công nghệ, chất lượng kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và có chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ. Để đạt được mục tiêu cao hơn là trở thành trung tâm fintech của Đông Nam Á, điều cấp thiết là thành phố cần làm rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình so với các nước cùng ngành trong khu vực.

Giáo sư, Tiến sĩ Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Việt Nam nhấn mạnh vai trò của khung pháp lý là một trong những yếu tố quan trọng để TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

"Cần kết hợp tài chính công nghệ vào định hướng phát triển của TP.HCM và Việt Nam nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài và củng cố nội lực kinh tế. Đây cũng là xu hướng của nhiều trung tâm tài chính quốc tế hiện hữu", ông Andreas Stoffers nói.

Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng đã tới lúc thành phố cần định hướng rõ nét chiến lược xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tại TP HCM. Vấn đề hiện nay là khung pháp lý chưa theo kịp sự thay đổi của thị trường ngoại hối, fintech, thuế, đầu tư... còn rất thiếu, cần phải bổ sung đồng bộ.

Quan trọng là cần có cơ chế mở mang tính chiến lược, khắc phục được những rào cản hiện tại; tăng cường ứng dụng công nghệ, fintech trong ngành tài chính, ngân hàng… cùng với khâu giám sát, hậu kiểm hợp lý. Từ đó, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực có chất lượng cao trong và ngoài nước giúp thành phố sớm trở thành trung tâm fintech của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO