Đời sống

Kể chuyện phong tục tập quán ngày Tết Nguyên đán

Nguyễn Hữu Hồng Kỳ, Nhà nghiên cứu Văn hóa phương Đông 11/02/2024 06:45

Điều kỳ lạ, vào những ngày cuối tháng Chạp, đặc biệt từ 23 tháng Chạp ÂL, khi chúng ta bắt đầu cúng đưa ông Táo, ông Công về trời, bất tri bất giác, chúng ta chỉ nhớ hôm nay 28 Tết, hôm nay 29 Tết mà quên mất ngày Dương lịch. Mỗi người chúng ta quay về bên trong, hướng về cội nguồn dân tộc, nhớ đến những phong tục tập quán của ông bà.

Ngày 23 tháng Chạp: Cúng ông Công ông Táo

Theo phong tục tập quán, 23 tháng Chạp ông Táo sẽ về trời bẩm lại với Ngọc Hoàng những chuyện tốt xấu của gia đình. Trong văn hóa dân gian và triết học phương Đông, vì ông Táo thuộc năng lượng Hỏa - ông thần coi bếp núc tượng trưng cho Hỏa. Con cá chép sống dưới nước tượng trưng cho Thủy.

cung-ong-tao.jpg
Ông Táo cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng tượng trưng cho quẻ Dịch cuối cùng trong 64 quẻ Dịch: Hỏa - Thủy vị tế, quẻ 64 là kết thúc mọi chuyện cũng coi như kết thúc một năm cũ, chuẩn bị bước qua một năm mới. Ảnh minh họa

Ông Táo cưỡi cá chép về chầu Ngọc Hoàng tượng trưng cho quẻ Dịch cuối cùng trong 64 quẻ Dịch: Hỏa - Thủy vị tế, quẻ 64 là kết thúc mọi chuyện cũng coi như kết thúc một năm cũ, chuẩn bị bước qua một năm mới.

Tại sao ông Táo lại về trời vào ngày 23?

Vì 2+3=5. Mà số 5 là số của trung cung, của khí thổ mà khí thổ là năng lượng Ngọc hoàng Thượng đế, là năng lượng hòa nhập tất cả năng lượng khác.

Ông Táo là Hỏa, mà Hỏa sinh Thổ nên ngày 23 ông Táo về trời.

Đối với miền Bắc, Trung, Nam người ta cúng cá chép sống, chúng ta bỏ cá vào trong cái thau cúng xong mang đi phóng sinh.

Trong việc cúng kiếng có một điều rất quan trọng: ‘thờ ở đâu cúng ở đó’. Ví dụ ở bếp, chúng ta cúng ở bếp. Một số gia đình đôi khi không thờ ông Táo ở bếp, có thể đặt một bàn thờ nhỏ cạnh bàn thờ gia tiên và cúng ở đó.

Người miền Nam hay cúng chè trôi nước để cho ông Táo nói những lời ngọt ngào với Ngọc Hoàng về những điều tốt đẹp của gia đình gia chủ.

Nếu không nấu nướng, ta có thể mua đưa ông Táo, ông Công bằng những bánh men, bánh chay, thèo lèo…, thêm bộ cúng đưa Táo Quân: gồm 3 cái nón. Nón của bà Táo không có cánh chuồng, nón của ông Táo có cánh chuồng.

Hồi xưa mình dùng lò than hằng năm cúng bỏ lò cũ mua lò mới, khi thấy nhà có lò mới có bếp mới là thấy mùa xuân về.

Tại sao ta có truyền thuyết về “ông Táo - hai ông một bà”, vì theo triết học phương Đông, cung Ly là hình ảnh ngọn lửa thuộc năng lượng hỏa gồm có hai hào dương và một hào âm, nghĩa là hai dương một âm tượng trưng cho hai ông một bà.

Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo, nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc, và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

tuc-cay-neu-ngay-tet.jpg
Nhiều nơi còn có tục dựng nêu để đuổi đi ma quỷ vào ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào mùng 7 tháng Giêng. (Ảnh Hồng Kỳ)

Nhiều nơi còn có tục dựng nêu để đuổi đi ma quỷ vào ngày 23 tháng Chạp và hạ nêu vào mùng 7 tháng Giêng. Trên cây nêu, người ta thường treo thêm những cái giỏ chứa tiền đồng hoặc chuông khánh để khi có gió thổi qua phát ra những tiếng leng keng cảnh báo quỷ không được đến khu vực này.

Ngoài ra, cây tre mang theo nhiều đốt như những bậc thang liên thông, kết nối giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Trời đã cho mùa màng bội thu, đất đai phì nhiêu, nên con người sinh sống được. Đó là ý nghĩa không thể thiếu được đối với cây nêu ngày Tết.

Ngày 24 tháng Chạp: Tập tục tảo mộ

Từ ngày 20 tháng chạp đến chiều 23, phần lớn chúng ta hay đi dọn dẹp phần mộ tổ tiên, dọn dẹp bàn thờ ông bà và phần mộ ông bà, ra đó mời ông bà về ăn Tết với gia đình.

Mỗi thời đại khác nhau, thời đại 4.0 - mạng xã hội phát triển, do đó khi tảo mộ chụp một hình với sự thành tâm để bạn bè biết được cái ngày này có tổ tiên, quay về cội nguồn nhớ về ông bà tổ tiên, nhắc cho con cháu biết đó là ngày tảo mộ rất quan trọng.

Sau khi đi tảo mộ về, chúng ta thường tắm nước lá bưởi, nước gừng, lá trà vì trong các loại này dương khí nhiều. Quan niệm dân gian, khi đi tảo mộ, chúng ta bị năng lượng âm khí, nhiều năng lượng hàn xâm nhập nhiều vào cơ thể, việc tắm nước lá nhằm thanh tẩy trọc khí. Người có bầu không nên đi tảo mộ vì năng lượng âm nhiều, không tốt khi em bé sinh ra.

Cúng tảo mộ quan trọng là tấm lòng thành nên có gì chúng ta đem tới cái đó cúng tổ tiên ông bà nhưng không nên cúng thịt rắn, trâu, vịt…; có nhang có đèn có hoa là có tinh thần nhớ về ông bà tổ tiên. Quan trọng nhất tấm lòng con cháu dành cho ông bà.

Hoặc chúng ta có thể đi vào chùa, tụng kinh, xin lễ… Phương pháp có thể khác nhau nhưng đều có một ý nghĩa là “nhớ về tổ tiên, ông bà”.

Ngày 25 tháng Chạp: Dọn dẹp nhà cửa

Ý nghĩa của việc dọn dẹp nhà là để con cháu tụ về làm chung một việc mà gần như một năm qua, con cháu không có cơ hội làm chung với nhau, nhằm tạo nên năng lượng ấm áp và hạnh phúc.

Phong thủy là thông thoáng, tiện dụng và thẩm mỹ. Cuối năm, năng lượng cũ tồn tại trong nhà, chúng ta nên mở tất cả cửa sổ ra và đốt bồ kết xông nhà hoặc xông tinh dầu để tiễn năng lượng cũ, đón năng lượng mới về, cảm thấy dễ chịu, tích cực và hăng hái.

don-dep-nha-cua.jpg
“Tống cựu nghinh tân”, việc dọn dẹp nhà cuối năm chuẩn bị đón Tết còn là dịp bỏ đi những thứ không còn sử dụng nữa.

“Tống cựu nghinh tân”, việc dọn dẹp nhà cuối năm chuẩn bị đón Tết còn là dịp bỏ đi những thứ không còn sử dụng nữa.

Ông bà mình thường nói: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Muối thuộc năng lượng Thủy là Tài, đem tài lộc về nhà. Cuối năm mua vôi để tẩy uế năng lượng cũ, tiêu cực của ngôi nhà, khởi tạo một năng lượng mới, nhà cửa gọn gàng sạch sẽ.

Ngày 26 tháng Chạp: Coi tuổi xông nhà

Là tìm người hợp tuổi với gia chủ được chọn bước vào nhà mình đầu tiên sau giao thừa, theo quan niệm người xưa. Gồm có tam hợp, tam hội, nhị hợp.

Tam hợp gồm:

Thân Tý Thìn - Tỵ Dậu Sửu

Hợi Mão Mùi - Dần Ngọ Tuất

Tam Hội gồm

Dần Mão Thìn - Tỵ Ngọ Mùi

Thân Dậu Tuất - Hợi Tý Sửu

Nhị hợp hay còn gọi là lục hợp

Tý Sửu - Dần Hợi - Mão Tuất

Thìn Dậu - Tỵ Thân - Ngọ Mùi

Ví dụ: chủ nhà sinh năm Tý có thể chọn người tuổi Sửu. Tý và Sửu là nhị hợp. Có thể chọn người tuổi Thân và Thìn. Vì Thân Tý Thìn là tam hợp hoặc có thể chọn tuổi Hợi và Sửu. Hợi Tý Sửu tam hội.

Tương tự các tuổi khác có thể chọn tương tự.

Đây là những cặp tuổi mà người ta có thể đi xông nhà cho nhau theo phong tục tập quán mà ông bà ta để lại.

Bên cạnh đó, người ta còn chọn tuổi xông nhà theo nhiều cách khác nhau: những người có vị trí xã hội; Người được mọi người yêu mến, người có tên may mắn, giàu có mang lại cát tường, may mắn, như “Giàu”, “Phúc”, “Cát tường...”. Tất cả với một lý do là ước mơ một năm may mắn và hạnh phúc.

Ngày 27 tháng Chạp: Chưng hoa trong ngày Tết

Hoa gắn liền với Tết và những bông hoa khác nhau tượng trưng cho những thông điệp khác nhau trong nhà.

Hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam.

Hoa Mai thường được xếp vào tứ mộc cao quý là hình ảnh của mùa xuân: "Tùng, Cúc, Trúc, Mai". Ý nghĩa của nó là mùa xuân mang đến hy vọng, may mắn, hạnh phúc. Màu vàng của hoa mai là biểu tượng của sự cao thượng và sang trọng.

mai-vang.jpg
Màu vàng của hoa mai là biểu tượng của sự cao thượng và sang trọng

Ở phía bắc, bạn thường sẽ thấy hoa đào màu hồng - màu của sự quyến rũ, tình yêu thương. Màu đỏ của hoa đào như ngọn lửa xua tan hết điều xui rủi của năm cũ. Cùng với hoa, người ta treo phong bao lì xì đỏ xung quanh nhà, kỳ vọng một năm sung túc, thịnh vượng.

Hoa lan mang phong cách quý tộc, quý phái; còn hoa mẫu đơn: quyền quý cao sang; hoa ly như một cô gái đẹp, sự kiêu hãnh và lòng trung thủy.

Vào ngày Tết, chúng ta không nên chưng hoa giả vì không chân thực.

vao-xuan.jpg
Màu đỏ của hoa đào như ngọn lửa xua tan hết điều xui rủi của năm cũ.

Hoa hầu như thuộc năng lượng Mộc nên hoa nào càng xinh xắn rực rỡ, xum xuê như cúc, quất, vạn thọ… càng tốt.

Ngày 28 tháng Chạp: Nấu bánh chưng bánh tét

Thực ra câu chuyện về bánh tét rất thú vị. Tương truyền rằng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã có cuộc tiến quân thần tốc từ Nam ra Bắc để đánh tan giặc xâm lược, cuộc hành quân đó quân nhu thực phẩm là bánh tét. Do đó bánh tét ra đời. Ở phía Nam làm bánh tét, ở phía Bắc, làm bánh chưng.

Bánh chưng hình vuông cũng có câu chuyện liên quan tới sự tích bánh chưng: Vào đời Hùng Vương thứ 6, có vị hoàng tử 18 đó là Lang Liêu nghèo nhất trong các vị hoàng tử. Vua cha muốn cúng lên tổ tiên bánh nào ngon nhất, vật lạ quý nhất. Lúc đó, chàng Lang Liêu này nghèo quá không biết làm sao, suy nghĩ và khóc. Sau đó trong giấc mơ thần linh hiện ra và chỉ cho Lang Liêu cách làm bánh chưng, bánh dày.

Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Chính là triết lý âm dương, từ đó bánh chưng ra đời.

Không nên đổi nhân bánh tét, bánh chưng vì theo truyền thống phải luôn là nếp, đậu xanh và thịt heo… Bánh chay dùng nhân chuối và đậu xanh. Nải chuối tượng trưng cho bàn tay nâng đỡ, giúp đỡ chúng ta.

Ngày 29 tháng Chạp: Chưng mâm ngũ quả

Người miền Bắc chưng mâm ngũ quả: Nải chuối tượng cho bàn tay, phật thủ, trái cam, trái hồng, trái đào… Những trái tròn to đó là tượng hình, tượng trưng cầu mong sự viên mãn, tròn đầy, nâng đỡ.

ban-tho.png
Việc chưng bàn thờ cũng thể hiện ước mơ một năm mới có cuộc sống sung túc, ấm no, vừa đủ ăn đủ mặc, tròn đầy.

Người miền Nam dùng “tượng thanh” khi chưng trái cây lên bàn thờ: cầu, dừa, đủ, xoài. Vì người ta ước mơ một năm mới có cuộc sống sung túc, ấm no, vừa đủ ăn đủ mặc.

Người miền Trung pha trộn giữa Bắc và Nam nên mâm ngũ quả có nải chuối, trái hồng, trái xoài, trái mãng cầu, trái sung.

Bày bàn thờ theo quan niệm cha ông là “Đông bình, Tây quả”. Từ bàn thờ nhìn ra phía bên ngoài, bên tay trái cắm hoa, bên tay phải là mâm trái cây. Ý nghĩa Đông bình là nơi mặt trời mọc là vạn vật sinh sôi nảy nở, mặt trời lặn phía Tây, cây đơm hoa kết trái.

Ngày 30 Tết: Bày cúng trưa 30 Tết

Người dân ở mọi Miền Bắc, Trung, Nam đều nhìn vào bàn thờ cúng trưa 30 để gọi là sum vầy, cúng mời ông bà về ăn Tết với gia đình.

Bàn thờ người miền Bắc thường cúng 4, 6, 8 chén. 4 tượng trưng cho Xuân, Hạ, Thu, Đông. 6,8 tượng trưng cho lộc phát lộc phát nghĩa là tượng trưng mang may mắn vào.

Không bao giờ thiếu các món này trên bàn thờ gia đình người Bắc: canh măng, miến, thịt đông, giò thủ, gà luộc…

Người miền Trung không thể thiếu bánh tổ, người miền Nam lại có khổ qua vì tượng hình ăn cho khổ qua đi.

Đặc biệt rằng ngày xưa phong tục tập quán, những người nấu đồ cúng không được phép nếm món ăn trước khi bày lên bàn thờ cúng trưa 30 mời ông bà. Vì vậy, họ phải là những người nấu bếp giỏi và ngon, vì không được ăn trước ông bà tổ tiên.

Ngày mùng Một Tết: Chúc Tết, lì xì đầu năm

Phong tục tập quán của người Việt có rất nhiều kiêng kỵ: năm mới phải nói lời ái ngữ, không nói lời nặng nề, đi đứng cẩn thận rủi trượt chân té cả năm không được may mắn, đồ vật khi cầm phải cẩn thận không được rớt bể, không cho mượn tiền.

Đặc biệt đầu năm qua chúc Tết gặp người ta ngủ không nên gọi dậy.

Năm mới không được ăn thịt chó, ngày thường cũng không nên ăn. Không nên dùng từ dao, búa, kiếm.

Đó là những điều cơ bản mà chúng ta cần chú ý trong lời ăn tiếng nói vào những ngày đầu năm mới.

tiet-troi-vao-xuan.jpg
Vào năm mới, vạn vật sinh sôi nảy nở, không nên bứt cây, cưa cây, bẻ cành.

Ngày nay, nhiều người hay vào chùa hái lộc. Đây thật sự là một điều kiêng kị. Vì vào năm mới, vạn vật sinh sôi nảy nở, không nên bứt cây, cưa cây, bẻ cành.

Mừng tuổi thường được trao cho người già và trẻ nhỏ như một điều cầu chúc ông bà mạnh khỏe, trẻ nhỏ chăm ngoan, gặp nhiều điều lành, may mắn.

Ngày mùng 2 Tết: Kiêng kỵ quét nhà làm bể đồ

Tập tục này rất là lâu đời. Câu chuyện kể rằng có nhà lái buôn đi ngang hồ Thạch Thảo cầu nguyện thủy thần cho ông ấy sự giàu có. Lời nguyện cầu linh ứng, thủy thần tặng cho ông người hầu tên là Như Nguyệt. Từ đó ông làm ăn khấm khá và giàu có.

Vào một năm ngày mùng một Tết, Như Nguyệt làm bể một cái chén, ông tức quá la mắng cô ấy và cô này sợ đi vào một đống rác và biến mất. Vợ người lái buôn này không biết quét đống rác đó ra ngoài. Từ đó gia đình làm ăn lụn bại nghèo khổ.

Dân gian có câu truyền lại cho đến ngày nay “Mùng 1 tết không quét rác, mùng 2 mùng 3 quét vào trong”.

Ngày mùng 3 Tết: Cúng hạ mâm và tục cho chữ ngày Tết

Phong tục xin chữ đầu năm rất quan trọng vì thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt mình, nên do đó chúng ta hay xin chữ ông thầy đồ.

Người sinh vào mùa xuân thường có tính tình nóng nảy, vì mộc vượng mà khí mộc tượng trưng cho sự giận, kim sẽ suy. Cho chữ Cẩm (có kim trong đó) bổ sung năng lượng kim.

Mùa đông, thủy vượng tượng trưng sự lạnh lẽo, hỏa yếu nên tình yêu, sự lan tỏa ấm áp không nhiều cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà. Cho chữ Phúc (có bộ thị - cầu thị, điền trạch sẽ có) mang tới hạnh phúc.

cho-chu-ngay-tet.jpg
Phong tục xin chữ đầu năm rất quan trọng vì thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt mình.

Mùa thu, kim vượng tính cách hơi ngang bướng cứng đầu, nên do đó thiếu sự phát triển, sự yêu thương, thiếu năng lượng mộc. Cho chữ Lạc - An lạc, tri túc thường lạc (có bộ mộc)

Mùa hè khí hỏa, vui thì rất vui, nhưng thiếu năng lượng thủy. Cho chữ Hồng (hồng phúc, may mắn) - có bộ thủy

Vào ngày này hoặc mồng 4, mồng 5 Tết, chúng ta có thể cúng hạ mâm đưa tiễn ông bà.

“Thiên, Địa, Nhân” trong ngày Tết

Thuyết Tam tài của phương Đông chỉ ra rằng, vận mệnh con người bị chi phối bởi 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân tức là Thiên mệnh - Địa mệnh - Nhân mệnh.

Ngày Tết, Thiên mệnh là gì? Vào tiết Lập Xuân, con người phần lớn nghỉ ngơi, ăn chơi, quây quần, dọn dẹp, nấu bánh, bày bàn thờ... Tập tục bày biện bàn thờ, thờ cúng tổ tiên dịp năm mới chính là yếu tố Thiên. Đó chính là hành động gửi ước vọng và sự tưởng nhớ của mình đến trời đất, đến ông bà tổ tiên nhân dịp năm mới.

Tục bày biện bàn thờ còn xuất phát từ một yếu tố: Dân tộc Việt Nam xuất phát từ văn hoá định canh định cư, nguồn gốc nông nghiệp lâu đời. Cư dân nông nghiệp thường dùng hoa quả, cây trái, vật nuôi dâng cúng trời đất, tổ tiên như một lời tạ ơn, lâu dần mà thành tập tục tốt lành.

sac-troi-vao-xuan.jpg
Vào tiết Lập Xuân, cây trái ra hoa, màu sắc tươi tắn rực rỡ

Trên bàn thờ ngày Tết của người Việt, thịnh nhất vẫn là mâm ngũ quả. Số 5 tượng trưng cho ngũ hành. Điều quan trọng, chỉ cần chọn trái cây phải tươi ngon, hoa có màu sắc tươi tắn rực rỡ. Chỉ cần có niềm tin, có ước vọng gửi gắm vào trong ấy và có tâm hướng về ông bà tổ tiên, tức là “Thiên” đã “thời” rồi.

Thể hiện rõ nhất của Địa và Nhân trong truyền thống đón Tết của người Việt chính là sửa soạn nhà cửa và sự dọn dẹp tươi mới về tâm hồn. Việc dọn nhà mang một ý nghĩa phong thuỷ - tâm linh tốt đẹp là đuổi cũ đón mới, xua đi những tà khí, buồn bã, dơ bẩn tồn đọng của một năm, để căn nhà hoàn toàn tinh tươm đón những điều mới mẻ, tốt lành.

Vào đêm 29 hoặc 30, nên nhóm bếp lò giữa nhà, đốt trầm hương xông nhà. Điều này không chỉ giúp thanh lọc không khí, xua đuổi côn trùng mà còn có tác dụng rất tốt khiến ngôi nhà ấm áp, đẩy hoàn toàn khí xấu, bẩn khỏi ngôi nhà.

Nhân mệnh là con người. Có đi đâu, chúng ta cũng sẽ quay về nhà vào những ngày Tết; nhớ đến cảnh mẹ nấu nồi canh khổ qua, luộc con gà để cúng đón ông bà; nhớ cha ngắt lá mai... Sự hạnh phúc trong năm mới khi cả nhà phụ nhau sơn tường, quét nhà, dọn dẹp, chưng hoa. Mọi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau.

Địa mệnh chính là ngôi nhà của mình, bạn bè, hàng xóm xung quanh. Tự nhiên cũng trở nên vui vẻ hơn, dễ chịu hơn, làm chúng ta thấy hạnh phúc hơn mỗi độ xuân về, tết đến. Khi ta luôn nói lời đẹp, hướng đến những ý nghĩ tốt, đặt những ước vọng vui tươi cho mình và mọi người, “tâm tưởng sự thành” - tự khắc điều đó sẽ đến trong năm mới.

Ngày Tết là ngày đoàn viên yêu thương và xum vầy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kể chuyện phong tục tập quán ngày Tết Nguyên đán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO