Đơn vị này đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 100 hộ dân sản xuất nông sản sạch (không dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong ngành thực phẩm, đồng thời xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ theo hướng bền vững), trở thành mô hình kinh tế tập thể hiệu quả của địa phương.
Có thể nói, HTX đã phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mô hình kinh tế tập thể tạo nên chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP mà người tiêu dùng đang hướng tới và sử dụng.
Hiện HTX có 32 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. HTX đã xây dựng được một cơ sở chế biến các loại cá khô, tôm khô và cá tươi sống với công suất 2 tấn/ngày; sơ chế tổ yến công suất 3 kg yến thô/ ngày; cùng 3 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá thương hiệu và kinh doanh sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Thanh, giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị HTX Cần Giờ - Tương Lai cho biết, qua một năm hoạt động, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp với 100 hộ dân trên diện tích khoảng 150 ha đất sản xuất nông sản “sạch” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã trên địa bàn huyện, như: tôm, cá dứa, yến sào... tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với các hộ dân sản xuất và các doanh nghiệp thu mua.
Đồng thời, triển khai thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ, mua bán sản phẩm tôm thịt, cá dứa, tổ yến thô... đối với các hộ dân sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn huyện, nhằm phục vụ cho công việc sản xuất, chế biến của HTX và cung ứng sản phẩm cho các cá nhân, doanh nghiệp, siêu thị thu mua trên địa bàn thành phố. Có thể nói, mô hình kinh tế tập thể trên đã thu hút được lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn tham gia ở lĩnh vực sản xuất và nuôi trồng, nhằm góp phần cho công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Về hướng phát triển trong thời gian tới, theo ông Thanh, bên cạnh việc huy động các nguồn vốn và tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, đầu tư và xây dựng của HTX trong năm 2020 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, ban giám đốc sẽ tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp với các hộ dân sản xuất nông sản sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã trên địa bàn huyện.
Tiếp tục cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến các sản phẩm của HTX, đồng thời tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục xây dựng và giữ vững thương hiệu các sản phẩm đặc sản Cần Giờ do HTX sản xuất và tổ chức kinh doanh. Cụ thể như, ngoài việc tạo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, từ khi thành lập HTX Cần Giờ - Tương Lai đã phát triển rất mạnh các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái phong phú và đa dạng, được du khách đánh giá cao. Một số điểm tham quan đặc trưng vùng Cần Giờ được HTX đưa vào chương trình khai thác hiện nay như: khu du lịch sinh thái Vàm Sát, khu sinh thái Dần Xây, đảo khỉ, di tích Rừng Sác, Lăng ông thủy tướng, biển 30/4, cầu Nam Hải, xã đảo Thạnh An... cùng nhiều hoạt động giải trí sôi nổi như tát mương bắt cá, câu cá sấu, tham quan quy trình sản xuất các sản phẩm khô một nắng đặc trưng của địa phương...