TP.HCM khẩn trương xanh hóa phương tiện giao thông
UBND TP.HCM vừa có văn bản đôn đốc Sở Xây dựng trình phương án phân luồng, hạn chế phương tiện phát thải cao theo đề nghị của Bộ Xây dựng.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị liên quan để lấy ý kiến về phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức phát thải cao tại các khu vực đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm khí thải.
Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị trong phạm vi chức năng và lĩnh vực phụ trách tham gia nghiên cứu, tính toán và đề xuất các giải pháp, gửi về sở trước ngày 15.7.2025 để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng theo chỉ đạo.
Theo nội dung văn bản, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM được đề nghị góp ý về mức khí thải của phương tiện đang lưu hành, bao gồm việc xem xét nâng mức tiêu chuẩn khí thải, xây dựng tiêu chí cụ thể để khoanh vùng và hạn chế hoạt động của các phương tiện phát thải cao ở những địa bàn ô nhiễm nặng.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng được giao xác định và công khai thông tin về các vùng phát thải cao; đề xuất giải pháp kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới; đồng thời rà soát, hướng dẫn quy định và chính sách liên quan đến đất đai nhằm phục vụ việc phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc cho các phương tiện giao thông xanh.
Sở Tài chính được yêu cầu nghiên cứu giải pháp kiểm soát chất lượng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới - bao gồm xăng, dầu diesel và nhiên liệu sinh học - đảm bảo tuân thủ đúng lộ trình tiêu chuẩn khí thải đã đề ra. Ngoài ra, sở này cũng sẽ đề xuất hướng quản lý đối với hoạt động xe công nghệ, vốn đang phát triển mạnh trên địa bàn thành phố.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM được giao nhiệm vụ đề xuất các giải pháp tổng thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông.
Trong khi đó, các phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng là Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng và Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ được đề nghị đóng góp ý kiến về việc tích hợp quy hoạch giao thông vận tải với quy hoạch hạ tầng, hướng đến phát triển phương tiện giao thông xanh, trong đó có hệ thống giao thông công cộng.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2028 chuyển toàn bộ 400.000 xe máy của tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện. Lộ trình đề án được chia theo từng giai đoạn. Trong tổng số 400.000 xe máy cần chuyển đổi, mục tiêu đến năm 2026 sẽ thay thế 320.000 xe, phấn đấu đạt 80% tỉ lệ chuyển đổi trong vòng 2 năm. Đến năm 2028, toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng trên địa bàn sẽ sử dụng xe điện.
Việc chuyển đổi này dự kiến giúp TP.HCM giảm 315 tấn CO2 và 2.000 tấn bụi mịn mỗi năm. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất thiết lập Quỹ Tín dụng Chuyển đổi Xanh và tận dụng doanh thu từ tín chỉ carbon (khoảng 87.500 tấn CO2/năm) để đầu tư trở lại vào hạ tầng xanh và hỗ trợ người dân.