Tài chính

Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Campuchia, Lào trong bối cảnh kinh tế số

THANH THỦY 20/09/2023 - 17:25

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số” là sự kiện khoa học quốc tế thường niên giữa VASS, LASES và RAC, được tổ chức luân phiên tại 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngày 20/9, tại TP.HCM, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam(VASS) chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào (LASES) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào, Campuchia trong bối cảnh kinh tế số”. Đây là sự kiện khoa học quốc tế thường niên giữa VASS, LASES và RAC, được tổ chức luân phiên tại 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tham dự hội thảo có 100 đại biểu đến từ các cơ quan của 3 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia.

Về phía các cơ quan phối hợp tổ chức hội thảo có: Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Tiến sĩ Sonethanou Thammavong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào; Viện sĩ, Tiến sĩ Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cơ quan ngoại giao từ Việt Nam, Lào, Campuchia và đại diện cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và TP.HCM.

hoi-thao.jpg
Quang cảnh Hội thảo quốc tế thường niên VASS-RAC-LASES năm 2023.

Hội thảo tập trung làm rõ 3 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, xu hướng phát triển kinh tế số và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ số vào phát triển thương mại, đầu tư tại Việt Nam, Lào, Campuchia; Thứ hai, cơ hội và thách thức từ quá trình chuyển đổi số đến việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa ba nước; Thứ ba, các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-Lào-Campuchia trong nền kinh tế số.

Các tham luận và thảo luận tại hội thảo chỉ ra xu hướng tất yếu của hợp tác thương mại, đầu tư thế giới và khu vực trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế, công nghệ quan trọng nhất hiện nay.

Theo đó, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của các quốc gia trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ các nước coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa các quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển.

Xu hướng trên sẽ mở ra các cơ hội song cũng đồng thời đặt ra các thách thức trong quá trình phát triển, mở rộng hợp tác đầu tư, thương mại cho mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, Lào và Campuchia.

Các báo cáo góp phần chỉ ra thực trạng hợp tác thương mại và đầu tư giữa 3 quốc gia trong bối cảnh kinh tế số hiện nay.

Tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Lào, Campuchia là rất lớn, song kết quả đạt được trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các bên. Để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam, Lào, Campuchia cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Đồng thời, các nước cần hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của CMCN 4.0, cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới.

Các nước cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Campuchia, Lào trong bối cảnh kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO