Khoa học

ĐHQG TP.HCM đề xuất chủ trì các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản

Võ Liên 16/05/2025 - 22:24

ĐHQG TP.HCM đề xuất chủ trì triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản và chương trình nghiên cứu công nghệ chiến lược theo thế mạnh của từng đơn vị khoán đến sản phẩm cuối cùng…

Ngày 16/5, ĐHQG TP.HCM tổ chức buổi làm việc với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương về khảo sát triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 57 và Nghị quyết 45 cùng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

tham-cac-phong-thi-nghiem.jpg
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cùng đoàn công tác đã đến tham quan một số phòng thí nghiệm của ĐHQG TP.HCM trước buổi làm việc.

Thu hút được 27 nhà khoa học về làm việc

Tại buổi làm việc, GS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM - đã báo cáo về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 57 và Nghị quyết 45 của ĐHQG TP.HCM.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 45, ĐHQG TP.HCM đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 về thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ nhà khoa học, với mục tiêu tuyển chọn 350 nhà khoa học (Chương trình VNU350). Sau 3 đợt tuyển dụng đầu tiên, ĐHQG TP.HCM đã thu hút được 27 nhà khoa học, trong đó có 7 người tốt nghiệp từ các đại học thuộc top 100 thế giới về làm việc.

gsts-mai-thanh-phong.jpg
GS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM - phát biểu tại chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG TP.HCM nhằm thu hút, đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại đã mời 16 giáo sư và chuyên gia quốc tế đến từ nhiều trường đại học uy tín hàng đầu thế giới như Trường Y Khoa Harvard (Hoa Kỳ), Đại học Toronto (Canada), Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến (Nhật Bản)...

Với việc thực hiện Nghị quyết 57, ĐHQG TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 33 nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, ĐHQG TP.HCM chủ động triển khai các chương trình liên ngành, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, AI, công nghệ sinh học, kinh tế số, tuần hoàn, biến đổi khí hậu, năng lượng xanh, an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, thời gian qua, ĐHQG TP.HCM tăng cường liên kết với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ như: TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bình Thuận để tổ chức các hội thảo, ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết 57.

Nhiều ý kiến đóng góp tại chương trình

Tại buổi làm việc, các nhà khoa học, chuyên gia của các trường đã thảo luận đóng góp ý kiến về các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 57.

ong-vu-hai-quan-giam-doc-dhqg-tp.jpg
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM - phát biểu tại chương trình.

ĐHQG TP.HCM cũng đưa ra nhiều kiến nghị như: cho phép ĐHQG TP.HCM thí điểm cơ chế tự chủ quyết định học phí đào tạo đối với các chương trình đạt chuẩn quốc tế; quyết định sử dụng tài sản công vào hợp tác để đẩy mạnh xây dựng Khu đô thị đại học; thiết lập cơ chế đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo theo hướng dài hạn, cụ thể giao cho ĐHQG TP.HCM chủ trì triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản và chương trình nghiên cứu công nghệ chiến lược theo thế mạnh của từng đơn vị khoán đến sản phẩm cuối cùng…

Tại chương trình, PGS.TS Lê Tấn Lộc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM nhận định Nghị quyết 57 mang lại nhiều kỳ vọng cho đội ngũ nhà khoa học và các trường đại học, mở ra cơ hội tạo ra những đột phá lớn. Theo ông, sự phát triển phải dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, tiềm lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học nói chung và ĐHQG TP.HCM nói riêng vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đặc biệt là thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ.

PGS.TS Lê Tấn Lộc nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hàn lâm mà còn cần gắn liền với thực tiễn. Việc tăng cường liên kết với doanh nghiệp địa phương là hết sức quan trọng, nhằm xây dựng cầu nối hiệu quả giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. "Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như miễn giảm thuế", PGS.TS Lê Tấn Lộc nói.

ong-le-van-minh.jpg
Ông Lê Văn Minh - Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Văn Minh - Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - cho rằng, cần tăng cường sự kết nối giữa đội ngũ nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương. Hiện nay, mỗi năm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bố trí 2% chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, các công trình ứng dụng khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp và phần lớn các đề tài đều theo hình thức đặt hàng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM - nhấn mạnh toàn hệ thống ĐHQG TP.HCM luôn giữ vững tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao trong triển khai các nghị quyết có ý nghĩa chiến lược quốc gia, với mục tiêu đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực then chốt cho phát triển đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ĐHQG TP.HCM mong muốn sự đồng hành chặt chẽ từ chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ như đề xuất, kiến nghị nêu ra.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của đội ngũ đại biểu, giảng viên, nhà khoa học thuộc ĐHQG TP.HCM. Đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp và đề xuất các ý kiến lên các cấp có thẩm quyền nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Thủ tục cấp bằng sáng chế vẫn còn chậm

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho biết Nghị quyết 57 hướng đến việc triển khai các nội dung mang tính thực tiễn. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký cấp bằng sáng chế hiện nay vẫn còn kéo dài. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khi muốn hợp tác lại yêu cầu phải có bằng sáng chế.

gsts-nguyen-thi-thanh-mai.jpg
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM - kiến nghị về thủ tục cấp bằng sáng chế.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, nếu thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình thì cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy cần xem xét ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ trọng điểm để đảm bảo hiệu quả và kịp thời trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHQG TP.HCM đề xuất chủ trì các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO