Cùng con học nói

Yến Nguyễn| 11/03/2023 10:56

Mang thai và sinh con vốn là một cuộc hành trình hạnh phúc nhưng không kém phần gian khổ đối với người làm mẹ. Thế nhưng, hành trình ấy cũng chỉ là một đoạn, một quãng; không kéo dài và cũng không cam go như khi con chào đời và trưởng thành mà không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác…

Bảo là một em bé hơi nhẹ cân khi chào đời. Thời điểm mẹ mang thai Bảo, do sức khỏe yếu, thường xuyên bị ốm nghén, không ăn uống được gì, công việc liên quan đến kinh doanh nên phải đi nhiều, bận rộn và áp lực… Sau sinh, mẹ bị tắc sữa và áp xe, lại đi công tác thường xuyên nên Bảo cai sữa mẹ rất sớm.

Khi đã 34 tháng, Bảo có biểu hiện chậm nói, nhẹ cân, hay sợ sệt, bám dính mẹ, xem tivi nhiều, ít có môi trường tương tác với bạn bè, người lớn…

Quan sát những biểu hiện của con, gia đình Yến quyết định đưa con đi khám. Sau khi khám xong tại Bệnh viện Nhi Trung ương - Hà Nội, bác sĩ kết luận, Bảo có hai vấn đề chính là suy dinh dưỡng và chậm nói.

Bố đưa Bảo đi kiểm tra sức khỏe

Điều chỉnh món ăn

Bảo bị thiếu canxi, sắt, ăn tinh bột và đạm thực vật rất tốt, tuy nhiên không chịu ăn rau và đạm động vật. Bác sĩ hướng dẫn cắt bữa ăn vặt, không cho con ăn rải rác, ăn đạm động vật trước, sau đó đến các món ăn đang dạng giàu dinh dưỡng khác... và hẹn tái khám sau hai tháng. Vấn đề dinh dưỡng được mẹ Yến điều chỉnh, Bảo ăn tốt và ngon miệng hơn, có cải thiện. Riêng chậm nói là vấn đề được quan tâm hơn cả.

Chậm nói, bác sĩ có y lệnh cho con đi học can thiệp 60 phút mỗi ngày. Bảo nhận thức, nghe hiểu, tương tác bằng mắt tốt, vì thế Yến vẫn kết hợp cho con học mẫu giáo ở trường cùng các bạn, buổi tối sẽ tham gia lớp can thiệp từ 17-18giờ.

Đồng hành cùng con

Do làm việc tự do và online là chủ yếu, nên mẹ Yến sẽ là người đồng hành cùng con trong quá trình đi học, đưa đón con, chăm lo việc nhà. Còn bố Phú, hôm nào về đúng giờ sẽ đón con và tranh thủ cho con đi chơi bên ngoài tầm 30 phút. Giai đoạn này, Yến cắt hoàn toàn tivi, ưu tiên việc bố mẹ tương tác và chơi cùng con nhiều hơn. 

Cô giáo có nhờ mẹ Yến mua còi thổi mang lên trên lớp hoạt động cùng cô. Ngoài ra, mẹ Yến có tìm hiểu về một số cách khác giúp lấy hơi tốt như thổi bóng bay. Mẹ Yến mua thêm ống hút để cuốn vào đầu bóng bay cho Bảo dễ thổi. Các mẹ có con chậm nói như Bảo, có thể áp dụng cách cho con về nhà thổi còi cùng mẹ, hoặc thổi ống hút bằng nước, xốp, giấy, tô son cho con chu mỏ vào gương...

Qua trải nghiệm, mẹ Yến thấy Bảo thích hợp với việc thổi bóng bay và thổi còi. Ban đầu, con thổi còi hét lên bằng tiếng nhưng dần dần đã làm quen được, mẹ thổi trước, con bắt chước làm theo sau, kiên trì một chút là con làm được ngay.

Sau khi con thổi còi lấy hơi tốt, kết hợp học phân biệt các màu, các mẹ có thể mua thêm giáo cụ mầm non là những hình khối có chất liệu làm từ gỗ có màu sắc khác nhau để dạy con phân biệt. Nguyên tắc là mình sẽ nhắc đi nhắc lại và yêu cầu con làm theo, sau đó yêu cầu con xếp các màu giống nhau vào một chồng cao tương ứng, xếp chồng cao các màu để con tăng sự khéo léo. Bảo ban đầu chỉ xếp được 5-6 khối, sau tăng dần lên gấp đôi. Bảo thích vận động tinh, sự khéo léo của con khá tốt.

Dạy con phát âm theo trực quan

Ở lớp, Bảo được cô giáo cho vận động bằng hoạt động thả màu vào ô tương ứng. Các mẹ có thể mua giấy màu về tự cắt ghép, sau đó có thêm giáo cụ là những ống có màu tương ứng để con thả màu vào ô. Đợt Bảo học lần đầu, con vừa thả vừa khóc vì chưa quen, nhìn thương và xót lắm. Nhưng chỉ hai ba hôm là con có tiến bộ rõ rệt, về nhà sẽ tự chỉ đồ vật là những màu tương ứng giống nhau. Hai mẹ con bắt đầu tương tác để ôn bài cho con.

Cùng với giai đoạn đó, con được học về các thành viên trong gia đình, các loại quả, con vật... thông qua tranh ảnh. Yến dùng sách dạy con tập nói, sau đó hỏi con các thành viên trong gia đình để con tự phân biệt, học về các bộ phận trên khuôn mặt của con. Sau khi thông thạo, mình hỏi con chỉ các bộ phận trên khuôn mặt của người thân. Ví dụ: Bảo ơi, mắt của con đâu? Má của con đâu? Má của mẹ Yến đâu? Tương tự, hỏi về các bộ phận khác trên cơ thể cũng vậy.

Khi con học về các bộ phận trên cơ thể có từ má, sẽ dạy con luôn cách phát âm những từ có vần a như má, cá, mama, papa... Cách dạy là sẽ ngân âm a dài ra và phát âm từ má; dạy về các con vật xung quanh theo đồ vật trực quan, như mèo kêu meo meo, gà kêu ò ó o, chó kêu gâu gâu, vịt kêu cạc cạc...

Tùy từng bạn sẽ có tình trạng khác nhau, khi phát âm cô sẽ bấm mím môi, hoặc ấn môi xuống, giai đoạn này các cô chủ yếu dạy học theo khẩu hình miệng nên khi thực hành, mẹ nên phát âm chậm, mở to khẩu hình miệng để con dễ quan sát hơn.

Cùng con tương tác

Cuối cùng, Yến nhận thấy là nên tương tác với con mọi lúc mọi nơi. Tương tác nhiều, con sẽ thu nạp được nhiều vốn từ theo cách thụ động. Lúc lên giường cho con đi ngủ, các mẹ có thể đọc sách cho con nghe, hoặc tương tác ôn bài một lần nữa các bộ phận trên khuôn mặt, các con vật trên ga, gối. Các bài tập nên thu hút sự tập trung 100%, không để trẻ dùng điện thoại hay các phương tiện khác làm phân tán khả năng tập trung của cả con và mẹ.

Song song với học trên sách vở, mẹ Yến còn kết hợp dạy con qua học trực quan; đi nhiều, trải nghiệm nhiều để con có nhiều cảm nhận thực tế, trực quan sinh động hơn, và có nhiều kỉ niệm được ghi lại hơn. Mỗi giờ chiều học xong, trên đường về, mẹ sẽ thủ thỉ cho Bảo biết những kiến thức cơ bản như khi bị ốm mình sẽ đi bệnh viện, khi muốn mua đồ chơi sẽ đi siêu thị, khi muốn đi học thì sẽ đến trường, khi cần đổ xăng mình sẽ đến trạm xăng… Vừa đi đường vừa dừng lại cho con quan sát, giải thích và trò chuyện cùng con để con dễ thẩm thấu hơn.

Cho con đi chơi công viên để cảm nhận thực tế

Bên cạnh đó, mẹ Yến kết hợp cho con vận động tinh để rèn luyện đôi bàn tay khéo léo. Mẹ mua bánh và đường cát màu về để con ôn lại cách phân biệt màu, cho con phun đường màu lên bánh trang trí, sau đó con tự nướng và thưởng thức bánh do mình làm ra; làm bánh bao để con nhồi bột, tạo hình… Tất cả đều hướng đến trải nghiệm và lưu lại nhiều kỉ niệm bên con.

Hành trình đồng hành cùng Bảo chủ yếu là hai mẹ con, vì công việc của bố Phú rất bận. Có những lúc mẹ cũng chông chênh, cô đơn khi đón con về trong những ngày mưa lạnh. Nhưng trên tất cả, mẹ vẫn phải gạt qua hết những cảm xúc đó, vì mẹ biết rằng, cái đích cuối cùng là con được phát triển tốt hơn, được quan tâm, yêu thương và đồng hành nhiều hơn, nên mẹ lại cố gắng nỗ lực, kiên nhẫn và kiên trì hết sức có thể. Mẹ tự động viên mình, rồi tất cả sẽ ổn thôi.

Cuối cùng, mẹ Yến nhận thấy, để hành trình làm mẹ không còn nhiều bỡ ngỡ và hoàn thiện nhất có thể, mình vẫn nên chuẩn bị tất cả từ tinh thần đến thể chất, vật chất, kiến thức từ giai đoạn mang thai đến sau sinh và nuôi dạy con. Và hành trình cùng con tập nói, dù có cho con đi học can thiệp, dù có cho con cuộc sống vật chất tốt nhất, vẫn không thể bằng sự đồng hành, yêu thương, gắn kết cùng con trong cả quá trình phát triển. Một đứa trẻ được tôn trọng, thấu hiểu, yêu thương sẽ có một nội lực mạnh mẽ, một sự tự tin nhất định để đi tiếp những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, sẽ có nhiều ước mơ, hoài bão, lý tưởng; biết mình muốn gì và cần gì để được sống một cuộc đời hạnh phúc trong tiêu chuẩn của chính mình.

Hãy dành nhiều yêu thương và đồng hành cùng con, các mẹ nhé!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng con học nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO