Còn phải mua vật tư y tế bên ngoài, khó đạt an toàn người bệnh theo chất lượng quốc tế
Dù ngành y tế hướng đến chất lượng quốc tế nhưng nếu các bệnh viện không đủ trang thiết bị y tế, không có đánh giá hay thẩm định tốt, đấu thầu còn “rớt”; người bệnh còn phải ra ngoài mua thiết bị, vật tư, không thể nói đến an toàn người bệnh.
Ngày 22/5, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Vai trò chuẩn chất lượng quốc tế trong việc nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc và an toàn người bệnh”.
Không thể nói “an toàn người bệnh” nếu người bệnh còn mua vật tư y tế bên ngoài
Trong quá trình đổi mới và hội nhập, việc áp dụng các chuẩn chất lượng quốc tế đã trở thành xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển của các cơ sở y tế hiện đại.

Những bộ tiêu chuẩn uy tín, được xây dựng bài bản và công nhận toàn cầu, không chỉ giúp cải tiến hiệu quả điều trị và chăm sóc mà còn thúc đẩy xây dựng nền y tế nhân văn, quản trị hiện đại và phát triển bền vững.
Từ đó nêu cao văn hóa an toàn người bệnh, hướng đến “Zero Harm” (Tiên tiến không sự cố y khoa), lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động; xem bệnh viện như gia đình, xem người bệnh như người thân, mang lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.
.jpg)
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV ĐHYD, chia sẻ: “Chất lượng và an toàn người bệnh không thể chỉ là khẩu hiệu hay một mục tiêu lý tưởng. Đó phải là quá trình cải tiến liên tục, bắt đầu từ thay đổi nhận thức, mô hình quản trị và vận hành bệnh viện, cho đến việc tiếp cận và ứng dụng các bộ tiêu chuẩn uy tín quốc tế.
Để hội nhập với y tế thế giới, chúng ta cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam nhưng vẫn tiệm cận với các chuẩn quốc tế. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, nguồn lực phù hợp và chính sách khuyến khích, không chỉ các bệnh viện lớn mà nhiều đơn vị y tế khác cũng có thể đạt được các chứng nhận quốc tế, từ đó cải thiện mạnh mẽ trải nghiệm và sự an toàn cho người bệnh”.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, dù ngành y tế có hướng đến những bộ tiêu chí trong quản lý chất lượng y tế quốc tế nhưng nếu các bệnh viện không đủ trang thiết bị y tế, không có đánh giá hay thẩm định tốt, đấu thầu còn “rớt” những thiết bị, những vật tư mà người bệnh còn phải ra ngoài mua, không thể nói đến an toàn người bệnh, hài lòng người bệnh.

“Trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện công đang gặp một số khó khăn bởi những quy định pháp luật ràng buộc, còn hệ thống các bệnh viện tư nhân có thể "thông thoáng" hơn, thuận lợi phát triển. Chính phủ, Nhà nước, Bộ Y tế cũng đang rất tích cực tháo gỡ cho các bệnh viện công những khó khăn này...”, PGS.TS.BS Hoàng Bắc chia sẻ.
Trong xã hội đang phát triển bùng nổ về các mô hình quản trị, quản trị bệnh viện cũng cần phải thay đổi để đáp ứng được mô hình quản trị, cần có những cơ chế và đầu tư cho nguồn nhân lực.
"Bệnh viện công cũng như bệnh viện tư đều mong mỏi có những chính sách thông thoáng hơn, tạo điều kiện hơn, tạo nguồn lực hơn để cho tất cả các bệnh viện có hành lang pháp lý phát triển đúng như mong mỏi, làm sao đưa đến an toàn người bệnh và trải nghiệm người bệnh thật là xuất sắc", PGS.TS.BS Hoàng Bắc cho biết.
Tại sao bệnh viện thực hiện tiêu chuẩn chất lượng quốc tế?
TS.BS.CKII. Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, nhấn mạnh chất lượng không chỉ là đích đến mà là hành trình liên tục.

Ông đề xuất: “Các định hướng cụ thể giai đoạn 2025 - 2030 như hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng quốc gia, thúc đẩy mô hình bệnh viện học tập, hình thành các trung tâm xuất sắc và đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo tư duy quốc tế. Chúng ta không chỉ xây dựng bệnh viện an toàn. Quan trọng hơn, chúng ta cần xây dựng một văn hóa an toàn, một hệ sinh thái chất lượng và tạo dựng được niềm tin vững chắc của người dân vào hệ thống y tế”.
Theo GS.TS.BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, từ năm 2023, Luật Khám, chữa bệnh khuyến khích các bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

“Điều đó đi đôi với nâng cao chất lượng, đảm bảo dịch vụ y tế an toàn, hiệu quả; giúp tăng niềm tin và sự hài lòng cho bệnh nhân, khách hàng. Bên cạnh đó, khi các cơ sở y tế đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sẽ giúp tăng khả năng hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia và bệnh nhân nước ngoài trong lĩnh vực huyết học; nâng cao thương hiệu bệnh viện, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập y tế quốc tế,” GS.TS.BS Phù Chí Dũng cho biết.
Bệnh viện Truyền máu Huyết học đạt được chứng chỉ JCI (Joint Commission International - Tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng và an toàn người bệnh từ tổ chức JCI, Hoa Kỳ) hướng đến cải tiến liên tục, tập trung vào an toàn người bệnh nhằm hỗ trợ phát triển bệnh viện bền vững với bộ tiêu chí bao phủ toàn diện và thực tiễn.
“Khi bước vào đánh giá toàn bộ bệnh viện hướng tới đạt con dấu vàng trong tiêu chuẩn bệnh viện, qua phân tích các khoảng cách giữa thực tế tại bệnh viện so với tiêu chuẩn, kết quả: Đạt: 43%; đạt một phần: 18%; chưa đạt: 10%; chưa đủ dữ liệu đánh giá: 29%. Chúng tôi đã tập trung vào các phần như Quản lý cơ sở vật chất và an toàn (FMS); Tiêu chuẩn quốc tế về An toàn người bệnh (IPSG); Quản lý và sử dụng thuốc (MMU); Chăm sóc trong gây mê, hồi sức và phẫu thuật (ASC); Quản lý thông tin (MOI)”, GS.TS.BS Phù Chí Dũng chia sẻ.
Sau hơn 1 năm nỗ lực, cùng với sự hỗ trợ của Sở Y tế, các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện Truyền máu Huyết học đã đạt chứng nhận JCI, con dấu vàng chứng nhận chất lượng chất lượng và là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước đạt được chứng nhận này. Ngoài ra, Việt Nam hiện có 9 tổ chức/Bệnh viện ngoài công lập đạt chứng nhận này.

Theo Đại tá, TS.BS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện đã cam kết xây dựng hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh, tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế từ đó hướng tới bệnh viện đạt chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và an toàn người bệnh bền vững.
“Cam kết rõ ràng trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2015, ISO 15189:2022, JCI... bằng cách xây dựng và phát triển hệ thống quản lý chất lượng; triển khai áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam 2.0 (6858/QĐ‐BYT); xây dựng và chuẩn hóa hệ thống tài liệu quản lý chất lượng, sổ tay chất lượng, quy trình chuẩn và hệ thống quản lý sự cố y khoa”, TS.BS Bùi Đức Thành cho biết.
Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như: Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) công nhận tiêu chuẩn kim cương (Diamond) vì những tiến bộ trong công tác điều trị bệnh nhân đột quỵ (Năm 2023); Văn phòng Công nhận Năng lực Đánh giá sự Phù hợp về Tiêu chuẩn Chất lượng (AOSC) công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 15189:2022 cho 3 Khoa Xét nghiệm (2024)...
TS. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Điều dưỡng, BV ĐHYD TP.HCM, chia sẻ về triển khai áp dụng chương trình “Phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn và sai sót thuốc trong liệu pháp tĩnh mạch PRIME JCI”
“Kết quả đánh giá tháng thứ 6 tham gia chương trình PRIME JCI (Tháng 1/2025), 100% toa thuốc được kiểm tra sự phù hợp của đơn thuốc trước khi cấp phát cũng như đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn như quản lý vệ sinh tay; giám sát việc thực hiện và duy trì phân loại chất thải theo quy định… Đồng bộ điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và giải pháp can thiệp để tạo điều kiện cho quá trình triển khai liền mạch”, TS. ĐD Hồng Minh cho hay.
Tại hội thảo, TS.BS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã chia sẻ về một bức tranh toàn cảnh về các tiêu chí chất lượng bệnh viện đang áp dụng tại Việt Nam cũng như định hướng hội nhập quốc tế.
"Bộ Y tế sẽ từng bước xây dựng bộ tiêu chí chất lượng mới, tiếp cận với các hệ thống quốc tế như JCI, ACHS, AACI nhưng đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nước. Một hành trình chuyển đổi văn hóa y tế, từ chăm sóc có tính đối phó, thủ công, sang mô hình chủ động, hệ thống, lấy người bệnh làm trung tâm. Đây là con đường bắt buộc nếu ngành y tế muốn vươn mình trong kỷ nguyên hội nhập", TS.BS Hà Anh Đức nói.