Khoa học

Chuyện hai nhà khoa học tuổi rồng

Hoàng Tả Pháp 13/02/2024 14:46

Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM có 13 giảng viên được công nhận đạt chuẩn và được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư. Trong đó, có hai nhà khoa học tuổi rồng là Giáo sư Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm Giáp Thìn, 1964) và PGS.TS Lê Thanh Long (sinh năm Mậu Thìn, 1988).

GS.TS Nguyễn Hữu Lộc - Người dấn thân với CDIO

Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM chỉ có duy nhất một người được bổ nhiệm chức danh Giáo sư là PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc. GS.TS Nguyễn Hữu Lộc, sinh năm Giáp Thìn (1964), quê ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ông từng giữ chức vụ Trưởng khoa Cơ khí của trường.

loc-gs.jpg
GS.TS Nguyễn Hữu Lộc.

GS.TS Nguyễn Hữu Lộc tốt nghiệp đại học ngành cơ khí năm 1988 tại Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Belarus. Đến năm 1992, ông nhận bằng Tiến sĩ cũng tại Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Belarus. Đến nay, GS.TS Nguyễn Hữu Lộc đã công bố 84 bài báo khoa học, trong đó 28 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (SCIE/Scopus), xuất bản 3 giáo trình, 17 tài liệu tham khảo.

GS.TS Nguyễn Hữu Lộc, nhận danh hiệu NGƯT vào năm 2014. Đây cũng là năm khép lại 5 năm, mà GS.TS Nguyễn Hữu Lộc với vai trò chỉ đạo trực tiếp đề án “Triển khai thí điểm CDIO tại ĐHQG TPHCM cho nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí; Máy tính và CNTT, nhân rộng triển khai cho các ngành đào tạo khác (2010-2017)” từ năm 2009 của khoa Cơ khí. Kết quả, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM quyết định triển khai đại trà toàn bộ chương trình đào tạo theo CDIO từ năm 2014. Đây cũng là một thành công bước đầu mà cách đây 5 năm khi bắt tay vào triển khai đề án, ông và các thành viên tham gia cũng chưa thể hình dung nó như thế nào. Vì CDIO lúc đó còn quá mới đối với giáo dục đại học ở Việt Nam. Ông kể, lúc đó bản thân cũng rất lo, tuy nhiên cũng lo làm.

nguyen-huu-loc-5.jpg
GS.TS Nguyễn Hữu Lộc (bìa phải) tham dự Hội nghị CDIO Thế giới lần thứ 6 tại École Polytechnique de Montréal, Québec, Canada năm 2010.

“Khi được trường giao nhiệm vụ triển khai thí điểm đề án CDIO (gồm khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TPHCM và khoa CNTT của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM), tôi và PGS.TS Lê Hoài Bắc (Phó trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) lên ĐHQG TP.HCM, PGS.TS Phan Thanh Bình- Giám đốc ĐHQG TPHCM lúc bấy giờ, tâm tình: ‘Nhà trường cử hai thầy tham gia, vậy hai thầy chuẩn bị chịu đạn nghe’. Và từ lúc triển khai đề án cho tới lúc hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi "chịu đạn" liên tục từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới” - GS.TS Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ tại một tọa đàm về CDIO.

Có lẽ đó là lời cảm thán của ông. Tuy nhiên cái gì cũng có nguồn cội của nó. Bởi khi áp dụng chương trình đào tạo theo CDIO thì phải rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo đang từ 157 tín chỉ (TC) đã giảm xuống còn 140 TC. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là lớp học nhỏ lại, chỉ còn 40-60 sinh viên (SV) thay vì số lượng gấp đôi như trước. Mặc dù số tín chỉ giảm nhưng chất lượng dạy và học phải được nâng lên, điều này gây áp lực rất lớn đối với giảng viên (GV) và SV.

GS.TS Nguyễn Hữu Lộc chia sẻ: “Khi áp dụng thì thời gian dành cho lớp học tăng gấp đôi nhưng 1 ngày cũng không thể là... 48 tiếng. Muốn thay đổi phương pháp giảng dạy thì phải đánh giá theo quá trình mà 1 GV trên lớp thì không thể nào làm hết các công việc như: phải theo dõi SV, phải chấm bài cho SV và nguồn trợ giảng cũng không biết lấy từ đâu. Do đó giảng viên phải chịu một áp lực rất lớn”.

Nói về hiệu quả khi triển khai CDIO toàn trường, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM từng nhận định: “Phương pháp luận CDIO là công cụ hướng dẫn cách thức xây dựng, triển khai và vận hành chương trình đào tạo. Việc sử dụng hiệu quả công cụ này trong việc xây dựng CTĐT đã chứng minh rằng CTĐT của nhà trường được xây dựng chặt chẽ, khoa học và logic với các chuẩn đầu ra phù hợp với cơ hội việc làm quốc tế.

Có thể ví phương pháp luận CDIO như một huấn luyện viên tài tình giúp cho nhà trường đạt thành tích cao trong đường đua chất lượng đào tạo đẳng cấp quốc tế. Cũng cần nói thêm rằng, phương pháp luận CDIO tập trung chủ yếu vào việc xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao, nhưng nếu chúng ta tuân thủ triết lý cốt lõi của nó, thì hoàn toàn có thể áp dụng vào nhiều hoạt động khác đạt hiệu quả tốt”.

PGS.TS Lê Thanh Long - Người rẽ hướng thành công sang Kỹ thuật Cơ khí

Sinh năm Mậu Thìn (1988) ở Pleiku (Gia Lai), PGS.TS Lê Thanh Long học cấp 3 ở Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai, rồi thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM. Ban đầu, ông học học ngành Kỹ thuật Cơ điện tử. Thời điểm này điểm tuyển sinh năm trước đó của ngành Cơ điện tử cao nhất trường (năm 2005) nên ông nghĩ học xong sẽ có tương lai, có nhiều cơ hội… cùng với việc xem các đàn anh thi Robocon nên thấy thích kỹ thuật, công nghệ và tự động hóa. Tuy nhiên ,ông chỉ học Cơ điện tử có 1 năm đầu. Sang năm 2, ông đã nộp hồ sơ đăng ký học chương trình Kỹ sư tài năng ngành Kỹ thuật Cơ khí.

2.1.-le-thanh-long-dhbk-1.jpg
PGS.TS Lê Thanh Long.

“Vì chương trình Kỹ sư tài năng lúc đó chỉ có một ngành Kỹ thuật Cơ khí mà không có ngành Cơ điện tử. Tôi đã quyết định thay đổi ngành học vì chương trình Kỹ sư tài năng có chương trình đào tạo tốt, có đội ngũ Thầy, Cô giỏi có thể phát huy được năng lực của sinh viên. Ngoài ra, chương trình Kỹ sư tài năng còn có hỗ trợ học bổng cho sinh viên và nhiều cơ hội khác để tôi có thể tự trang trải việc học của mình, giảm gánh nặng cho gia đình...” - PGS.TS Lê Thanh Long chia sẻ.

Nói về cơ duyên nào khiến anh chọn theo ngành sư phạm và về công tác tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS.TS Lê Thanh Long cho biết, kji còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, ông như các bạn sinh viên khác khác, đều mong muốn sau khi ra trường được làm việc trong một công ty, tập đoàn đa quốc gia để có nguồn thu nhập tốt lo cho bản thân và phụ giúp gia đình, xa hơn là có thể đóng góp cho xã hội, đất nước. Tuy nhiên, bước ngoặc đã thay đổi suy nghĩ, hướng đi của ông chính là khi dấn thân vào nghiên cứu khoa học và được “truyền lửa” từ các Thầy, Cô của mình. Ngoài việc học, ông có cơ hội tham gia đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và các đề tài, dự án của Thầy hướng dẫn. Từ đó, ông bắt đầu say mê việc giải quyết các vấn đề thực tế, tận hưởng không khí sáng tạo, tò mò và tìm kiếm tri thức. Qua việc này, ông phát hiện ra rằng nghiên cứu không chỉ là một công việc, mà là một cuộc phiêu lưu hứng thú và không ngừng khám phá, đổi mới sáng tạo.

bo-nhiem-pgs-nam-2023_1.jpg
PGS.TS Lê Thanh Long tại lễ nhận bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư (tháng 1/2024)

“Khi vừa tốt nghiệp, lại một lần nữa tôi lại bị lung lay giữa việc đi học tiếp hay là nộp hồ sơ đi làm để có thu nhập ổn định lo cho bản thân và hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, được gia đình và người thân động viên kịp thời, tôi đã nộp hồ sơ xin học bổng để đi du học. Càng học lên cao, tôi càng thích và đam mê việc nghiên cứu khoa học. Những trải nghiệm quý báu trong môi trường thuận lợi ở nước ngoài đã giúp tôi ngày một nâng cao khả năng chuyên môn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để sau này về nước có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tôi quyết định quay về trường Đại học Bách khoa nghiên cứu, giảng dạy vì ở đây tôi có môi trường thuận lợi để tiếp tục đam mê của mình. Mặt khác, tôi có thể đồng hành, truyền lửa đam mê cho các bạn sinh viên giống như những gì mà tôi đã may mắn nhận được từ Thầy, Cô, Giáo sư của mình trước đây...” - PGS.TS Lê Thanh Long cho biết.

PGS.TS Lê Thanh Long sở hữu nhiều thành tích: Giải nhất lĩnh vực Cơ khí – Nhà nghiên cứu Khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan năm 2016; Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng năm 2022; Thanh niên tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023; Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023...

Các hướng nghiên cứu hiện tại của PGS.TS Lê Thanh Long là tập trung vào ứng dụng tính toán động lực học chất lưu trong lĩnh vực vi cơ chất lỏng và các phương tiện tự hành; Thiết kế, chế tạo các thiết bị Cơ khí, tự động hóa, robot có ứng dụng công nghệ AI, IoT...

“Tôi luôn quan niệm rằng: Những công trình nghiên cứu phải hướng đến việc giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội, phải có tính ứng dụng thực tế” - PGS.TS Lê Thanh Long bày tỏ.

“Tôi có nghe bố, mẹ 2 bên gia đình có nhắc nhở năm tuổi thì nên cẩn thận mọi thứ, cố gắng tự chăm lo cho sức khỏe bản thân... Tôi thì không phải người mê tín nhưng những lời khuyên của bậc sinh thành thì không bao giờ thừa. Tôi sẽ cố gắng cẩn trọng, chăm chỉ rèn luyện sức khỏe để tiếp tục thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình...”

PGS.TS Lê Thanh Long chia sẻ khi nói về năm tuổi của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện hai nhà khoa học tuổi rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO