Chủ động, sẵn sàng trước dịch cúm gia cầm H5N1

Hồng Ân| 03/03/2023 03:21

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, TP đã sớm kích hoạt hệ thống giám sát nhằm đáp ứng khẩn cấp công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và đến nay chưa phát hiện ca bệnh nào kể từ 2004.

Giám sát chặt cửa khẩu, các ca bệnh hô hấp

Nga thông tin, ngay sau khi nhận được văn bản cảnh báo của Viện Pasteur TP.HCM về trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) tại một tỉnh ở Campuchia (giáp biên giới Việt Nam), Sở Y tế TP đã kích hoạt hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm tất cả các trường hợp có khả năng nghi ngờ nhiễm cúm A (H5N1).Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện tất cả các chùm ca bệnh hô hấp tại cộng đồng hoặc những chùm ca, những trường hợp viêm hô hấp nặng có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Tất cả những trường hợp viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân trên địa bàn đều được lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán.

HCDC vừa qua đã đẩy mạnh phối hợp với Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) giám sát tất cả các khu vực có chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn cũng như khu vực chợ đầu mối chuyên kinh doanh gia cầm, thủy cầm và các đơn vị giết mổ.Tại các cửa khẩu, Trung tâm phối hợp với Chi cục Thú y vùng 6 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập.

“Tình hình đi lại, giao thương giữa TP và các địa phương khác rất phức tạp, nhất là các cửa khẩu. Vì thế, đây là một trong những thách thức lớn bởi vì số lượng người đến và đi rất nhiều, virus có thể di chuyển theo gây nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao”, bà Nga cảnh báo.

Giám sát dịch cúm A (H5N1) tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trước đó, ngày 27/2/2023, Bộ Y tế công điện258/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người. Cùng ngày, UBND TP.HCM cũng công văn yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát, phòng chống dịch H5N1 sau khi tỉnh Prey Veng (Campuchia) có đường biên giới với Việt Nam ghi nhận hai trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1), trong đó có một trường hợp tử vong.

Tỉnh Prey Veng hiện đang là vùng có dịch có vị trí địa lý giáp với 3 tỉnh của Việt Nam.

Sẵn sàng tiếp nhận điều trị, tập trung truyền thông phòng chống dịch

Tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đơn vị được giao nhiệm vụ là tuyến cuối điều trị các loại dịch bệnh truyền nhiễm, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

BS Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D của BV cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Sở Y tế, đơn vị đã sắp xếp lại phòng bệnh, thuốc men, nhân sự để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh cúm A (H5N1).Hiện đơn vị có 20 giường hồi sức có thể chạy Ecmo, thở máy, lọc máu và 50 giường bệnh thường. Các trang thiết bị, thuốc men, nhân sự đã sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân.

“Cúm gia cầm A (H5N1) là bệnh nguy hiểm, khởi phát trên gia cầm lây sang người qua đường tiếp xúc. Người mắc cúm gia cầm khi chuyển sang viêm phổi, tỷ lệ tử vong lên tới 70%. Đây là mối đe dọa không kém Covid-19, cần sớm ngăn chặn nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng, BS Phong nhận định.

Một số dấu hiệu nhận biết gia cầm bị mắc cúm H5N1.

Cúm A (H5N1) lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ.Tuy nhiên, cúm gia cầm có diễn tiến nhanh và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh cho người.

Từ đó, các chuyên gia khuyến cáo chỉ tiêu thụ sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; hạn chế tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh hô hấp, khi tiếp xúc cần sử dụng các phương tiện phòng hộ như đeo khẩu trang.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm hoặc sau khi tiếp xúc với người về từ vùng dịch, người có triệu chứng mắc bệnh hô hấp phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tập huấn Hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trong cộng đồng

Sáng 2/3, HCDC đã tổ chức lớp tập huấn giám sát hoạt động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) với sự tham gia của Viện Pasteur, Chi Cục Chăn nuôi, Thú y TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, nhân viên y tế từ các Trung tâm Y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Với mục tiêu tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng qua đó chủ động đáp ứng, xử lý dịch kịp thời không để lây lan trong cộng đồng, lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức cần thiết như: dấu hiệu nhận biết đàn gia cầm bị mắc cúm; dịch tễ cúm A (H5N1); các chỉ số cần giám sát trong cộng đồng; quy trình xử lý nếu có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, sẵn sàng trước dịch cúm gia cầm H5N1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO