Choáng váng & chóng mặt

05/06/2007 08:44

Choáng váng và chóng mặt là triệu chứng thường gặp của bệnh nhân tại các phòng khám tổng quát, thần kinh và tai mũi họng. Choáng váng thường được sử dụng để mô tả cảm giác xây xẩm hoặc mất thăng bằng. Còn chóng mặt là một ảo giác bệnh nhân thấy đồ vật xung quanh xoay tròn hay có cảm giác bản thân mình bị xoay tròn. Người bị mất thăng bằng, buồn nôn và nôn, cảm giác không vững chắc bồng bềnh, cảm giác uể oải, mệt lả, yếu ớt , khó tập trung, có cảm giác hoa mắt, mập mờ rõ khi vận động xoay đầu, cảm giác đầu nhẹ, trống rỗng.

Chóng mặt

Là triệu chứng chung nhất của sự choáng váng. Việc ngồi dậy hay đi lại có thể làm tình trạng xấu hơn. Đôi khi chóng mặt dữ dội có thể gây buồn nôn và nôn.

Chóng mặt thông thường là vấn đề của dây thần kinh và cấu trúc giữ cơ chế cân bằng trong tai trong (hệ tiền đình) cảm nhận được khi chuyển động hoặc xoay đầu. Những chuyển động mắt có nhịp điệu (rung giật nhãn cầu) bất thường hầu như luôn đi kèm.

lChóng mặt kịch phát tư thế lành tính: Chóng mặt có liên hệ với một sự thay đổi vị trí xoay đầu thường xảy ra khi bật dậy từ giường ngủ vào sáng sớm. Khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây ra loại chóng mặt này, nhưng đó cũng có thể là một chứng hay gặp ở người càng lớn tuổi. Chấn thương vùng đầu cũng có thể dẫn tới loại chóng mặt này.

lViêm vùng tai trong: Những dấu hiệu và những triệu chứng viêm vùng tai trong bao gồm viêm thần kinh tiền đình hoặc mê đạo cấp, thường xảy ra đột ngột, chóng mặt dữ dội kéo dài vài ngày, kèm buồn nôn và nôn, làm người bệnh mệt mỏi bất lực. Viêm thần kinh tiền đình nói chung thường tự thoái lui. Thời gian phục hồi có thể ngắn hơn với những bài tập khôi phục tiền đình. Cũng chưa rõ nguyên nhân, có thể là do nhiễm virus.

lBệnh Meniere: do sự tích tụ kéo dài quá mức của dịch vào tai trong. Người lớn ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị. Chóng mặt xảy ra đột ngột từ 30 phút tới một giờ hay dài hơn, kèm cảm giác căng trong tai, tiếng kêu vo vo hay ù tai, giảm thính lực, trường hợp nặng kéo dài có thể gây điếc tai. Chưa rõ nguyên nhân.

lĐau nửa đầu thể tiền đình: Người bệnh rất nhạy cảm với chuyển động và ánh sáng. Sự choáng váng và chóng mặt gây ra bởi một chứng đau nửa đầu tiền đình có thể khởi phát sau việc quay đầu nhanh, hoặc tới nơi đông đúc, ồn ào, quá sáng chói. Người bệnh có cảm giác mất thăng bằng hay bồng bềnh, hoặc nghe có tiếng reo trong tai (ù tai). Đa số những người với một chứng đau nửa đầu tiền đình, chóng mặt không tất yếu xảy ra cùng lúc với đau đầu. Thay vào đó, những triệu chứng tiền triệu của chứng đau nửa đầu là chóng mặt báo hiệu một cơn đau nửa đầu dữ dội sắp diễn ra, kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

lU dây thần kinh tiền đình: thường là loại u bao sợi dây thần kinh tiền đình không phải ác tính gây choáng váng, mất thăng bằng, ù tai, nếu nặng có thể điếc.

lNhững sự thay đổi nhanh của vận động: thường gặp khi đi tàu xe, máy bay, tàu thủy.

lNhững nguyên nhân khác: Ngoài ra chóng mặt có thể là một triệu chứng của một số bệnh thần kinh khác như đột quỵ thiếu máu não, chảy máu trong não hay bệnh xơ cứng rải rác não...

Nhẹ đầu

Nguyên nhân

lBệnh tai trong: Những bất thường ở tai trong có thể dẫn tới những ảo giác và ảo tưởng của chuyển động, làm ta có cảm giác như đang nổi trên mặt nước.

lRối loạn lo âu: do căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ nhất định trong cuộc sống hàng ngày, gây cảm giác trống vắng xung quanh, đầu trống rỗng, nhẹ.

lHội chứng tăng thông khí: là sự bất thường trong cơ thể gây ra tình trạng hô hấp thở nhanh, nông, thường liên quan đến mệt mỏi, căng thẳng và lo âu.

Mất thăng bằng

Mất thăng bằng là cảm giác không vững chắc khi chuyển động. Về nguyên nhân:

lNhững vấn đề ở tai trong có thể gây ra cảm giác như bạn đang nổi trên mặt nước, đầu nặng, không vững trong bóng tối.

lRối loạn cảm giác: tổn thương những dây thần kinh ở chi dưới (do viêm đa thần kinh, tiểu đường...) thường gây mất thăng bằng khi đi lại.

lBệnh khớp và cơ.

lDo thuốc: như thuốc chống co giật, an thần.

Mệt lả, xỉu

Còn gọi là tiền ngất, đôi khi kèm buồn nôn, da tái, nhợt nhạt, choáng váng.

lHạ huyết áp tư thế: đau đầu nhẹ hay choáng váng, da nhợt, xuất hiện sau khi ngồi dậy hay đứng quá nhanh.

lGiảm cung lượng máu bơm từ tim: vữa xơ động mạch, động mạch tắc nghẽn, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim...

Khi nào cần điều trị?

Khi có triệu chứng choáng váng và chóng mặt kèm theo: Một bệnh nhức đầu mới, khác hay dữ dội, mờ mắt, giảm nghe hoặc điếc, suy giảm tiếng nói, yếu liệt chân hay tay, ngất, đi lại khó khăn.

Chẩn đoán

Ngoài thăm khám lâm sàng, cần có thêm một số thông tin khác như: thời gian và hoàn cảnh xảy ra choáng váng, chóng mặt, các yếu tố, thúc đẩy hay làm tăng triệu chứng, thời gian kéo dài cơn choáng váng và chóng mặt, các triệu chứng kèm theo...

Làm các xét nghiệm máu tổng quát, đo điện tim và siêu âm tim, đo thính lực đồ. Hình ảnh học về thần kinh.

Điều trị nguyên nhân và triệu chứng:

lChóng mặt kịch phát tư thế lành tính. Điều trị bằng cách di chuyển những hạt lỏng trong tai ở vị trí bất thường tới một chỗ bình thường, nơi nó sẽ không gây choáng váng. Tần số thành công của phương pháp này có thể lên tới 90%. Người bệnh có thể tự tập và lặp lại hàng ngày. Khi ngủ nằm tư thế đầu cao 45 độ (xem 3 hình vẽ).

lBệnh Meniere: Điều trị làm giảm bớt lượng chất lỏng trong cơ thể bằng thuốc lợi tiểu hay áp dụng chế độ ăn kiêng giảm muối, hoặc chỉ định phẫu thuật.

lĐau nửa đầu thể tiền đình. Điều trị đau đầu, giảm căng thẳng, tạo giấc ngủ bình thường và những bài tập nhẹ...

lCác bệnh nhiễm trùng, tai, đột quỵ, u dây thần kinh tiền đình, bệnh tim cần nhập viện điều trị theo chuyên khoa.

l Tránh điều khiển ô tô hay vận hành máy móc nặng nếu bị choáng váng thường xuyên.

l Bật đèn sáng khi rời khỏi giường ban đêm.

l Dùng gậy chống.

l Tránh sử dụng cà phê, rượu cồn và thuốc lá.

l Tái khám thường xuyên.

Dinh dưỡng

Tất cả các loại vitamin và khoáng chất đều hỗ trợ tăng cường chức năng nghe và những hệ thống cân bằng thích hợp, trong đó nổi bật lên vai trò của các loại vitamin sau:

- Acid béo omega 3 (có nhiều trong cá béo) tốt cho não trong việc dẫn truyền thông tin.

- Ma-nhê và calci giúp bảo trì những xung động thần kinh bình thường.

- Vitamin nhóm B cần thiết cho não và những chức năng của hệ thần kinh trung ương bình thường và kẽm giúp đẩy mạnh tiến trình đáp ứng miễn dịch.

- Vitamin C và E tăng cường chống oxy hóa của não để chống các gốc tự do mà có thể làm tổn thương tai trong và não.

- Một số thuốc điều trị có thể làm tăng những triệu chứng choáng váng và chóng mặt. Aspirin tăng ù tai, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) (như ibuprofen), ảnh hưởng đến sự mất thăng bằng và chất điện giải.

- Tránh những thức ăn và đồ uống có đường hay hàm lượng muối cao.

- Người bị đau nửa đầu thể tiền đình, nên tránh thực phẩm chứa nhiều tyramin và hợp chất hữu cơ có trong protein như rượu nho đỏ, gan, gà, thịt hun khói, sữa chua, sôcôla, chuối, cam quýt, pho mát. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Choáng váng & chóng mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO