Giáo dục

Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Ngọc Duy 14/06/2024 - 14:50

Ngày 12/6, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử” nhằm đề xuất một số giải pháp để sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, về khía cạnh thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sau gần 10 năm điều chỉnh, một số quy định đã bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện. Đặc biệt đặt trong bối cảnh về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Toàn cảnh hội thảo diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM.

Trong đó, việc hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử.

Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử; xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp là nhiệm vụ và giải pháp được khẳng định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.

"Thông qua những trao đổi thẳng thắn, chất lượng cũng như đề xuất những giải pháp từ các chuyên gia khách mời tham gia Hội thảo, Nhà trường sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc định hướng hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự trong trong giai đoạn mới", GS.TS. Đỗ Văn Đại chia sẻ.

GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc hội thảo.

Mở đầu hội thảo với tham luận: “Sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015” của ThS. Nguyễn Đức Phước (TAND Quận Bình Tân, TP.HCM).

Tác giả đã đưa ra những bất cập của BLTTDS năm 2015 trong gần 10 năm điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; trình tự, thủ tục yêu cầu giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, BLTTDS năm 2015 có những quy định không theo kịp yêu cầu của đời sống xã hội.

Có thể kể ra: Thẩm quyền xét xử của Tòa án chưa hợp lý; quy định về chứng cứ, chứng minh chưa bảo đảm toàn diện nguyên tắc tranh tụng; thủ tục tố tụng còn bộc lộ những hạn chế cần được hoàn thiện. Từ đó, đề ra các định hướng sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

TP. Phan Thanh Tùng TAND cấp cao tại TP.HCM trình bày tham luận tại Hội thảo.

Bằng kinh nghiệm thực tiễn, tham luận “Bảo đảm việc xét xử các vụ án dân sự đúng pháp luật nhìn từ góc độ hoàn thiện - định chế chứng cứ và đánh giá chứng cứ trong Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành 2015” của Thẩm phán Phan Thanh Tùng (TAND cấp cao tại TP.HCM), đã đưa ra các khảo sát số liệu thống kê việc xét xử của toàn ngành Tòa án, những điều ảnh hưởng đến kết quả xét xử, sự quan trọng của chứng cứ. Qua đó cho thấy sự cần thiết của việc xây dựng một Bộ luật về chứng cứ để làm “Cơ sở pháp lý” bảo đảm cho sự đúng/sai theo luật định khi xét xử vụ án nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự.

ThS. Phạm Thị Thuý - Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, tham luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự.

Tham luận “Thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án trong giải quyết tranh chấp dân sự” của ThS. Phạm Thị Thúy - Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, việc xác định chính xác thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ không chỉ có ý nghĩa đối với đương sự mà còn có ý nghĩa đối với Tòa án.

Mặc dù vậy, qua thực tiễn xét xử cho thấy Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã và đang phát sinh một số bất cập trong việc: (i) Xác định đối tượng tranh chấp là bất động sản; (ii) Quyền thỏa thuận chọn Tòa án của đương sự; (iii) Xác định nơi cư trú của bị đơn. Tham luận đã tiến hành phân tích những bất cập trong quy định của BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án, trên cơ sở đó tác giả gợi mở một số kiến nghị cho việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015.

Các đại biểu cùng giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội thảo, khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM và Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC) đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác.

Đây tiếp tục là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hai tổ chức đưa ra các ý tưởng, xây dựng các hoạt động, chương trình nhằm phát huy tốt thế mạnh hai bên, cùng với đó là đem đến những thông tin hữu ích, quý giá cho các giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp và luật sư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO