Ca hiếm gặp: Trẻ sơ sinh mang khối bướu máu ở gan
Ngày 12/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ ở đây vừa phẫu thuật khối bướu máu phức tạp, hiếm gặp ở gan trên bệnh nhi 9 ngày tuổi.
Bé gái 2 tháng tuổi (quê ở Cà Mau) đã nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào lúc 2 ngày tuổi vì bệnh viện tuyến dưới ghi nhận có khối bướu ở gan. Bé đã được phát hiện bướu khi ở thai kỳ 21 tuần tuổi.
Dù mới 2 ngày tuổi, khối bướu máu ở gan làm bụng bé phình to. Khối u vùng bụng trái kích thước to, chiếm ½ bụng trái, chắc. CT-Scanner ghi nhận khối tổn thương trong gan trái, đường kính lớn.

Bệnh nhân bị rối loạn đông máu ngày càng nặng, tiểu cầu ngày càng giảm dù đã truyền bổ sung 3 lần. Bướu máu gan lớn gây rối loạn đông máu không cải thiện với điều trị nội, xuất huyết tiêu hóa ở mức độ trung bình - nặng.
BS Đặng Nguyễn Quỳnh Như, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: “Trước mổ, bệnh nhân được chuẩn bị kỹ lưỡng, truyền nhiều máu và các chế phẩm máu. Đến 9 ngày tuổi, bé được phẫu thuật cắt thùy gan trái chứa bướu.”
Trong mổ, các bác sĩ ghi nhận 1 khối u máu rất to tăng sinh mạch máu bề mặt, chiếm gần hết hạ phân thùy II, III và 1 phần hạ phân thùy IV, kích thước u khoảng 7x8cm.

Theo BS Quỳnh Như, việc cắt gan ở trẻ sơ sinh cũng có những thách thức là vì gan ở trẻ sơ sinh rất mềm, bở, rất khó cầm máu kèm theo bệnh nhân có các thông nối tĩnh mạch trong gan.
Do đó, trong lúc thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ bắt đầu phẫu tích từ cuống gan để khống chế và xử lý mạch máu của vùng gan trái và các tĩnh mạch trên gan trước khi thực hiện cắt gan giảm thiểu tối đa rủi ro chảy máu trên bệnh nhân.
Thời gian phẫu thuật cắt gan trái chứa bướu máu kéo dài từ 10h30 đến 12h20 (112 phút). Lượng máu phải truyền trong mổ là 70 ml hồng cầu lắng, 40ml huyết tương tươi đông lạnh.

Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ là u mạch máu thể trẻ nhỏ. Sau mổ, bệnh nhi đã thở máy 2 ngày, thời gian dẫn lưu ổ bụng là 3 ngày. Sau mổ, tình trạng bé ổn định, không chảy máu thêm, tình trạng rối loạn đông máu cải thiện rõ rệt và tiểu cầu tăng lên. Bé bắt đầu được cho ăn sau 6 ngày và thời gian nằm viện là 11 ngày.
ThS.BS Huỳnh Thị Phương Anh, quyền Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng 1, chia sẻ thêm, bướu máu gan ở trẻ sơ sinh có thể đơn độc hoặc nhiều thùy lan tỏa. Mặc dù biết can thiệp phẫu thuật gan trong trường hợp này rất khó khăn, chỉ cần mất một ít máu sẽ dễ thay đổi huyết động, khiến bé gặp nguy hiểm tính mạng, nhưng các bác sĩ không còn lựa chọn nào khác.
Theo ThS.BS Đào Trung Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, khối bướu của bé gái có kích thước khổng lồ, lại nằm ở vùng gan nên rất nguy hiểm. Bệnh nhi chỉ nặng 2,3kg nhưng kích thước u chiếm hơn 1/5 cơ thể, choáng gần hết ổ bụng.
“Khối bướu máu thông nối tĩnh mạch và động mạch trong gan. Nếu mổ trễ lượng máu theo gan đổ về tim quá lớn, bệnh nhi có thể bị suy tim. Khi ấy, tỷ lệ phẫu thuật thành công rất thấp. Theo y văn thế giới, những trường hợp bướu máu phức tạp như trên rất hiếm gặp, chỉ mới ghi nhận vài ca.
Đây cũng là ca bệnh mắc bướu máu gan lớn nhất và thực hiện khẩn trương nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Nhi đồng 1, không có thời gian can thiệp nội mạch như những ca trước đó,” BS Hiếu cho biết.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ theo dõi một trường hợp song sinh mang bướu máu trong thai kỳ. Những trường hợp bướu máu dù nguy hiểm nhưng sau can thiệp, trẻ có thể phát triển bình thường, nên không có chỉ định chấm dứt thai kỳ.
Các bác sĩ khuyến nghị khi mang thai, người mẹ cần tầm soát thai kỳ để kịp thời phát hiện các dị tật bẩm sinh ngay trong bào thai và có kế hoạch điều trị phù hợp.