Giáo dục

Bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo

HOÀNG NGUYỄN 25/10/2024 - 09:40

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo, bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8.

Chính phủ đã có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật Nhà giáo bản trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu này gồm có 9 chương, 50 điều, rút ngắn dung lượng so với các dự thảo trước đó. Theo dự thảo Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về nhà giáo và có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Trong những điểm mới ở dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo.

"Với tinh thần nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ GD&ĐT đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo", Bộ GD&ĐT thông tin.

thi-tot-nghiep-thpt-2024.png
Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Ảnh minh họa: V.D.

Trước đó, tại dự thảo luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8/10, Bộ GD&ĐT có đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Tại dự thảo mới, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác.

Về chính sách tiền lương và đãi ngộ, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác đối với nhà giáo cấp học mầm non; công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; thực hiện giáo dục hòa nhập; là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù; Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.

Một số chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo đang được thực hiện ổn định theo hướng dẫn tại văn bản dưới luật được đưa vào dự thảo luật nhằm tăng hiệu lực pháp lý và đảm bảo tính ổn định trong chính sách đối với nhà giáo.

Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt

Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại Luật này.

Quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo luật đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác (nhà giáo công lập), khác với người lao động thuần túy (nhà giáo ngoài công lập). Trong đó, một nội dung điều chỉnh quan trọng trong tuyển dụng nhà giáo là: phương thức tuyển dụng thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm. Yêu cầu tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.

Dự thảo cũng quy định chính sách thu hút nhà giáo trong tuyển dụng và quy định rõ những người không được đăng ký tuyển dụng. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.

Một trong những quan điểm, định hướng quan trọng của Luật Nhà giáo là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo. Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Với hệ thống chức danh, nhà giáo trong công lập và ngoài công lập sẽ thực hiện thống nhất với các tiêu chuẩn, tiêu chí chung đảm bảo đồng bộ, đáp ứng chất lượng chung để thực hiện nhiệm vụ. Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục có chất lượng được thực hiện bởi những nhà giáo có chất lượng như nhau không phân biệt công/tư.

Giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo

Một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo Luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO