Sống xanh

Biến đổi khí hậu, Trái Đất sẽ ra sao nếu ‘không có băng’?

DUY HÙNG (Theo LSC/PMC/RN- 3/2024) 17/04/2024 06:19

Biến đổi khí hậu kéo theo nhiều hệ lụy, nhiệt độ tăng làm cho băng tan, nhấn chìm nhiều vùng đất hiện đang có người sinh sống; đặc biệt các vùng đất thấp, đảo và thành phố ven biển, gây ra sự suy thoái đáng kể cho đời sống con người và môi trường.

Mực nước biển thay đổi như thế nào khi biến đổi khí hậu?

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPCC), mực nước biển dâng không phải là hiện tượng mới. Trong thế kỷ 20, mực nước biển trung bình toàn cầu đã nhích lên khoảng 0,05 inch (1,4mm) mỗi năm.

Mực nước biển trung bình toàn cầu là mức trung bình của tất cả các vùng biển bao phủ Trái đất. Nhưng trong hai thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, từ năm 2005 đến 2015, mực nước biển tăng 0,1 inch/năm nhưng không đồng nhất ở mọi nơi trên thế giới.

Điều gì khiến mực nước biển thay đổi? Biến đổi khí hậu là lý do chính. Nhiệt độ tăng làm ấm không khí và nước. Ví dụ ở Nam Cực, đại dương ấm lên là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự tan rã của các tảng băng. Khi các sông băng tan chảy, nhiều nước chảy vào đại dương hơn, do đó làm tăng thêm thể tích cho biển. Lượng nước thừa đó không trải đều trên toàn cầu.

Khi những tảng băng khổng lồ tan chảy, chúng không chỉ đơn giản là thêm nước vào đại dương. Khối lượng thu hút khối lượng. Các tảng băng ở Nam Cực và Greenland lớn đến mức khối lượng của chúng tạo ra lực hấp dẫn lên vùng biển xung quanh chúng. Điều này làm cho mực nước biển cao hơn một chút ở những khu vực đó. Nhưng khi các tảng băng tan chảy, khối lượng của chúng cũng giảm đi. Khi khối lượng giảm, độ lớn của lực hấp dẫn kéo nước lên cũng giảm theo.

Trên thực tế, mực nước biển đang giảm xuống gần mức băng tan, chẳng hạn như ở Greenland, nhưng lại tăng ở phía đối diện thế giới, trong trường hợp này là Nam bán cầu. “Mô hình thay đổi mực nước biển trên toàn cầu này, được gọi là dấu vân tay mực nước biển, là khác biệt đối với dải băng cụ thể đó.

Ở một số khu vực, đặc biệt là các thành phố được xây dựng trên vùng đồng bằng châu thổ như Tokyo và New Orleans, đất đai bị sụt lún trong khi mực nước biển dâng cao. Một số vùng đồng bằng lớn này thực sự đang chìm với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mực nước biển đang dâng lên vì lý do đất liền chìm xuống và mực nước biển đang dâng lên cùng một lúc”, nghiên cứu của CSIRO khẳng định.

Ngoài ra còn phải kể tới các chu kỳ khí hậu tự nhiên cũng góp phần làm mực nước biển dâng cao. Như El Niño và La Niña gây ra hiệu ứng giống như cái cưa khi tất cả nước dồn lên trên phía bên kia của lưu vực Thái Bình Dương trong một giai đoạn, và sau đó chồng chất lên phía bên kia của lưu vực trong giai đoạn khác.

Mực nước biển dâng cao trên toàn cầu có thể dẫn đến nhiều cơn bão có sức tàn phá lớn hơn và lũ lụt phiền toái thường xuyên hơn hoặc lũ lụt gây ra những bất tiện cho cộng đồng. Hệ thống thoát nước mưa dựa vào trọng lực giữa khu vực nội địa và đại dương để hoạt động bình thường, vì vậy nếu mực nước biển dâng cao,
nước sẽ không di chuyển đúng hướng qua các đường ống của hệ thống thoát nước, đặc biệt là khi có bão.

Bắc Cực có thể 'không có băng' trong vòng một thập kỷ nữa

2-_1_.png
Phần lớn băng biển (phản chiếu bức xạ mặt trời) tan chảy thành đại dương mở (hấp thụ bức xạ mặt trời).

Theo một nghiên cứu năm 2022 công bố trên tạp chí Gondwana Research của Trung Quốc , trong vòng nửa tỷ năm qua, mực nước biển có thể đạt đỉnh điểm cách đây 117 triệu năm, trong kỷ Phấn trắng (145 triệu đến 66 triệu năm trước), mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 200 mét.

Trong ngắn hạn, mực nước biển là hàm số của băng tan. Ví dụ, khi sông băng Thwaites "Ngày tận thế" ở Nam Cực tan chảy, toàn bộ dải băng ở Tây Nam Cực có thể sụp đổ, làm mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thêm khoảng 11 feet (3,4 m). Lần cuối cùng các vùng biển cao hơn độ cao hiện tại là khoảng 120.000 năm trước, trong Thời kỳ băng hà gần nhất (130.000 đến 115.000 năm trước).

Vào thời điểm này, khí hậu ấm hơn khiến băng ở Nam Cực tan chảy, làm mực nước biển đạt đỉnh cao hơn mức trung bình hiện tại khoảng 20 feet (6m). Trong thời hiện đại, băng đang tan chảy rất nhanh vì con người đang đốt nhiên liệu hóa thạch, làm tăng nhanh lượng carbon dioxide khiến hành tinh nóng lên; đồng thời cũng làm gia tăng nhiều loại khí nhà kính khác trong khí quyển.

IPCC từng dự đoán rằng Bắc Cực sẽ không có băng vào mùa hè những năm 2040, nhưng gần đây dự báo này đã điều chỉnh lại và nó có thể đến sớm hơn, sớm nhất là vào những năm 2030. Điều này phần lớn là do băng biển (phản chiếu bức xạ mặt trời) tan chảy thành đại dương mở (hấp thụ bức xạ mặt trời).

Không nơi nào biến đổi khí hậu được cảm nhận sâu sắc hơn ở Bắc Cực. Trong bốn thập kỷ qua, phần băng giá trên thế giới đã ấm lên nhanh hơn khoảng bốn lần so với phần còn lại của hành tinh.

Điều đó có nghĩa là nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng hơn 3 độ C kể từ đầu những năm 1980 và nhiệt độ tăng vọt đó phần lớn là do băng biển - hoặc thiếu băng. Băng thường đóng vai trò như một tấm chăn phản chiếu đẩy khoảng 85% bức xạ mặt trời trở lại không gian.

Nhưng khi không có lá chắn này, thay vào đó, khi băng đó biến thành đại dương mở, nó sẽ hấp thụ 90% bức xạ mặt trời thay vì phản xạ nó, điều này tạo ra hiệu ứng phản hồi làm tăng sự nóng lên.

Việt Nam với ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng

3-2-(2).jpg

Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số chiều dài bờ biển cao hơn so với với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10 km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Ngoài ra, Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ nên ngoài lợi thế, còn phải đối mặt với bất lợi do khí hậu biến đổi, nước biển trào dâng.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên công bố Kịch bản biến đổi khí hậu nhằm phục vụ cho việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực, khu vực và sử dụng trong quá trình xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của ngành, vùng, địa phương để đối phó với nước biển dâng trong thế kỷ 21.

Theo Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT), dự báo, đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100cm, 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập lụt, 4% hệ thống đường sắt, 9% hệ thống đường quốc lộ và 12% hệ thống đường tỉnh lộ sẽ bị ảnh hưởng; trên 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh; trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trên 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP.HCM. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Nhận thức được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào các quá trình đàm phán quốc tế về khí hậu.

Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các bên tham gia Thỏa thuận có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg. Mới đây nhất, ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ cũng đã đưa ra định hướng, nhiệm vụ chiến lược đến năm 2030 nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đến năm 2030, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu được hiện đại hóa và được kết nối thông suốt.

Nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội vùng biển và ven biển trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Triển khai các giải pháp ứng phó, trong đó có giải pháp ứng phó dựa vào hệ sinh thái và các giải pháp dựa vào tự nhiên thông qua việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán và các tác động liên quan khác đối với vùng biển và ven biển.

Trong tương lai gần, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng một cách có hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu, Trái Đất sẽ ra sao nếu ‘không có băng’?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO