Nguy cơ mất tài sản, thậm chí mạng sống, vì biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu khiến những thành phố ven biển thấp dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do nước biển dâng. TP.HCM cũng đối mặt nguy cơ mất tài sản và mạng sống vì ngập lụt.
Ngày 22/11, Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển con người trong bối cảnh giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Nỗi trăn trở, thực trạng và câu chuyện phát triển bền vững của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung, đã được nhiều chuyên gia chia sẻ.
Tác động của biến đổi khí hậu đến xã hội loài người ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ. Mực nước biển trung bình toàn cầu hiện đã cao hơn 2,92m so với trước năm 1975. Trước hiện trạng này, những thành phố ven biển thấp, nơi có khoảng một phần mười dân số thế giới, trở thành những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi lũ lụt do nước biển dâng.
Những thiệt hại do lũ lụt theo dự báo sẽ ngày càng tăng do yếu tố xã hội - kinh tế và biến đổi khí hậu, từ đó làm dấy lên những lo lắng về nguy cơ mất mát tài sản và thậm chí mạng sống con người do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt nghiêm trọng gây ra.
Ngập lụt xảy ra hằng năm tại TP.HCM và nguy cơ càng tăng mạnh
Thực tế, lũ lụt và ngập lụt đã gây ảnh hưởng đến hơn 54 triệu người và gây thiệt hại hơn 58 tỷ EUR toàn cầu mỗi năm. Hơn nữa, báo cáo cũng dự báo con số này sẽ tăng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo nếu con người không thực hiện các biện pháp phù hợp để ngăn chặn lũ lụt tại một số thành phố ở Đông Nam Á, nơi mà các trận lũ lớn xảy ra thường xuyên hơn và lượng mưa tăng lên do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu gia tăng.
Nằm ở khu vực Đông Nam Bộ, TP.HCM đã trải qua biến đổi đáng kể để phát triển thành một trung tâm cảng năng động và một trung tâm đô thị lớn mạnh, với dân số khoảng 10 triệu người. Trong lịch sử, TP.HCM đã chịu sự ảnh hưởng của ngập lụt do vị trí địa lý ở vùng đồng bằng thấp, với một phần đáng kể của thành phố nằm dưới một mét so với mực nước biển. TP.HCM hiện đang trải qua lũ lụt nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu và có thể coi là một ví dụ điển hình về khu vực đô thị bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu tại khu vực Đông Nam Á.
Theo TS. Đỗ Lý Hoài Tân, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, từ dự án DECIDER năm 2023, nhóm nghiên cứu của anh đã tiến hành khảo sát đối với các hộ gia đình sống tại các quận bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, để tìm hiểu nhận thức về tình trạng ngập lụt tại TP.HCM của các hộ gia đình sinh sống tại đây và cách họ thích ứng với tình trạng này.
Nhóm khảo sát của TS. Đỗ Lý Hoài Tân và TS. Phan Tuấn Anh đã tiến hành 750 cuộc phỏng vấn ở 3 quận (quận Bình Tân, quận 8, quận Bình Thạnh), để đánh giá tổn thất kinh tế và tình trạng sinh sống các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi ngập lụt tại TP.HCM.
“Ngập lụt xảy ra hằng năm tại TP.HCM và nguy cơ này càng tăng mạnh khi tình trạng mưa lớn xảy ra do ảnh hưởng triều cường và dòng lũ kết hợp. Theo nhiều nghiên cứu, nếu không có biện pháp phòng ngừa thích ứng thích hợp, tổng diện tích ngập lụt tại TP.HCM sẽ tăng từ 7.450,7 ha (3,61% toàn thành phố) vào năm 2016 lên khoảng 9.039,91 ha (4,38% toàn thành phố) vào năm 2050.
Trong đó các quận ở phía Nam - Tây Nam và phía Đông Nam của thành phố (quận 9, 8, 7 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ngập lụt vì đây là những vùng trũng thấp với độ cao trung bình khoảng 1m”, TS Hoài Tân nói.
Cụ thể, theo khảo sát, quận Bình Tân có tỷ lệ hộ dân phản ánh ngập lụt tăng cao đáng kể với 63%, nhưng tại quận 8, 71% hộ dân cho rằng ngập lụt đã giảm đáng kể so với thập kỷ trước. Nhìn chung, 50% tổng số hộ dân phản ánh ngập lụt vẫn duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn so với 10 năm trước.
Một lần ngập lụt, mỗi hộ gia đình chi 1 triệu - 2,5 triệu đồng khắc phục hậu quả
Nhiều nghiên cứu và báo cáo từ các tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và McKinsey, đều khẳng định rằng lũ lụt gây ra thiệt hại kinh tế xã hội đáng kể và chi phí thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đô la nếu không có nỗ lực chủ động để giải quyết vấn đề này.
Kết quả của cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng hơn 71,5% hộ gia đình phản ánh với khảo sát viên về các mức độ thiệt hại khác nhau về nhà ở của họ do ảnh hưởng từ ngập lụt.
“Các hộ gia đình phải bỏ ra một khoản tiền đáng kể cho chi phí sửa chữa các thiệt hại, dao động từ tối thiểu 1.000.000 đồng đến tối đa 2.500.000.000 đồng. Trong số ba quận được khảo sát tại TP.HCM, sau mỗi lần ngập lụt, quận Bình Tân có tổng chi phí sửa chữa trung bình ở mức cao nhất, với mức bình quân vào khoảng 88.200.000 đồng. Tiếp theo là quận 8 với chi phí trung bình là 63.500.000 đồng và quận Bình Thạnh có chi phí trung bình thấp nhất là 37.800.000 đồng. Hơn thế nữa, chi phí sửa chữa sẽ cao hơn nhiều nếu các hộ gia đình quyết định sửa chữa hoàn toàn mọi hư hỏng trong tòa nhà dân cư”, TS Hoài Tân cho biết.
Với mức thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 5.000.000 - 10.000.000 đồng, việc dành tiền để cải tạo, phục hồi nhà cửa, đồ đạc có giá trị bị ảnh hưởng do lũ lụt trở nên rất khó khăn đối với các hộ gia đình đang sinh sống tại các khu vực này.
Lũ lụt còn tác động tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của người dân sinh sống tại những nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt. Theo đó, đến 71,46% hộ gia đình được khảo sát đồng tình với nhận định trên (Biểu đồ 4). Đặc biệt, có tới 51,72% cho biết sức khỏe của các thành viên trong gia đình họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt.
Theo TS. Hoài Tân, thực trạng của 3 quận tại TP.HCM cho thấy các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp độ hộ gia đình ở các đô thị ven biển khu vực Đông Nam Á vẫn còn khá thụ động như tự biết tình trạng ngập lụt, tự bảo vệ giấy tờ và của cải quan trọng, bơm nước ra ngoài, dời trẻ em, người già, người ốm đến nơi khác...
Theo TS Hoài Tân, bên cạnh đó, tại TP.HCM, người dân sinh sống trong khu vực bị triều cường dâng cao (ngập lụt) còn phải tìm cách để thích ứng với những giải pháp ở cấp vĩ mô do chính quyền địa phương triển khai để phòng chống ngập lụt như nâng cấp cầu đường, mở rộng hệ thống cống thoát nước. Sự nghịch lý này phần nào cho thấy sự hạn chế trong công tác trao đổi thông tin giữa chính quyền địa phương và người dân sinh sống ở các khu vực bị ngập để tìm ra những hướng giải pháp phù hợp nhất cho từng nơi.
“Việc nâng đường chống ngập của chính quyền địa phương lại khiến cho tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn, tuyến đường Phú Định của quận 8 sau khi được nâng lên đã khiến cho nhiều hộ gia đình sinh sống tại đây chịu cảnh nước mưa tràn vào nhà do tình trạng sàn nhà thấp hơn mặt đường”, TS. Hoài Tân trình bày.
Theo đó, khả năng xảy ra các xung đột xã hội giữa các bên liên quan trong quá trình lập và triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, cụ thể ở đây là giữa chính quyền địa phương và hộ gia đình đang sinh sống tại 3 quận được khảo sát. Những xung đột như vậy đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan kiến trúc trong thành phố, từ đó gián tiếp khiến tình trạng ô nhiễm và ngập lụt trở nên trầm trọng hơn.
“Để nâng cao hiệu quả thích ứng với rủi ro ngập lụt, chính quyền tại các khu vực khảo sát và TP.HCM cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả ngập lụt, bao gồm không chỉ thực hiện nâng cấp/sửa chữa hệ thống thoát nước tại địa phương mà còn tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về ngập lụt và rủi ro ngập lụt tại TP.HCM đến các hộ gia đình cũng như đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả mà bất kỳ hộ gia đình nào cũng có thể thực hiện được để góp phần cải thiện cuộc sống của người dân đang sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian tới”, TS Hoài Tân kiến nghị.
Biến đổi khí hậu tác động đến phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo
76% tổng số hộ gia đình được hỏi ở quận Bình Tân tin rằng tình trạng ngập lụt nhiều khả năng sẽ duy trì hoặc có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong mười năm tới, tiếp theo là quận Bình Thạnh (55% tổng số hộ gia đình) và quận 8 (44% tổng số hộ gia đình).
“Kết quả thăm dò cũng cho thấy phần lớn các hộ gia đình không mấy hy vọng về việc lũ lụt sẽ giảm trong tương lai gần. Ngoài ra, những người được hỏi bày tỏ sự lo lắng về tình trạng ngập lụt và tác động của nó đến cuộc sống của họ. Cụ thể, các hộ kinh doanh thừa nhận thu nhập trung bình hằng tháng bị giảm khoảng 21,4% do ảnh hưởng từ ngập lụt. Ngoài ra, họ mất trung bình gần 1,6 ngày để phục hồi hiện trạng hoạt động kinh doanh sau ngập lụt,” TS. Hoài Tân chia sẻ.
Do đó, để giảm thiểu những thiệt hại, người dân TP.HCM nói riêng, Việt Nam và cả thế giới nói chung, ngày càng ý thức thực hiện nhiều biện pháp phòng chống và thích ứng với sự ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ở đây là lũ lụt và ngập lụt gây ra.
Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nghiêm trọng, tác động đến nhiều vấn đề như phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Đối tượng chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu lại là các quốc gia đang phát triển, đặc biệt các quốc gia ven biển.
Nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đánh giá biến đổi khí hậu là “thách thức quyết định của thời đại chúng ta”; cảnh báo về các nguy cơ nghiêm trọng: mực nước biển dâng cao; lũ lụt thường xuyên, khó dự báo; hạn hán nghiêm trọng; nạn đói diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và mất tới một phần ba các loài thực vật và động vật”.
Thượng tướng cho biết thêm, một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đầu năm 2024 đưa ra những dự báo đáng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu đối với nhân loại. Báo cáo ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu có khả năng gây ra thêm 14,5 triệu ca tử vong và thiệt hại kinh tế lên tới 12,5 nghìn tỷ đô la Mỹ trên toàn thế giới do các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng... Hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ cần đầu tư thêm khoảng 1,1 nghìn tỷ đô la Mỹ do sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm, tim mạch, hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác.
“Liên hợp quốc xác định chìa khóa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu chính là nâng cao nhận thức và chú trọng công tác giáo dục, đào tạo. Không phải ngẫu nhiên khi Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) yêu cầu các quốc gia thành viên có các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu (global warming), vận động người dân tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Mục tiêu hướng tới là thay đổi thái độ, hành vi của người dân, chung tay cùng chính quyền và cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu và đưa ra những quyết định, hành động có trách nhiệm không làm trầm trọng hơn hiện trạng. Thế hệ trẻ là nhóm đối tượng cần hướng tới thúc đẩy hành động vì tương lai của thế giới”, Thượng tướng PGS. TS. Nguyễn Văn Thành nói.