Biến bãi rác thành tiền tỷ
Bãi chôn lấp (BCL) Gò Cát, quận Bình Tân - là một trong ba khu vực ô nhiễm nghiêm trọng của quận, gây bức xúc với người dân địa phương, phá vỡ trở ngại trong quá trình phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị của quận, cũng như TP.HCM.
Việc xử lý, giải phóng BCL Gò Cát, thu hồi quỹ đất, tái sử dụng, xây dựng khu đô thị sinh thái, cung cấp chỗ ở cho người dân của TP.HCM hoặc làm công viên, tạo mảng xanh cho đô thị, là điều cấp bách. Đâu là giải pháp?
Tạp chí Khoa học phổ thông - Sống Xanh đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM.
.jpg)
Thưa ông, việc khai thác bãi rác có lợi ích gì và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố?
GS.TS Nguyễn Văn Phước: Khai thác bãi rác (LFM) hay bãi chôn lấp (BCL) là hoạt động khai quật và xử lý chất thải cũ để thu hồi tài nguyên thứ cấp. Đồng thời, mang lại cơ hội khắc phục các vấn đề về chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan đến BCL hiện có hoặc đã đóng cửa, như: ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, mùi hôi, cảm quan… Các phần thu được từ LFM có thể được chia thành một số loại chính, gồm: vật liệu giống đất, phần dễ cháy (bao gồm nhựa, giấy, gỗ và dệt), phần trơ (đá, thủy tinh, gốm, và kim loại)…
Những lợi ích tiềm năng, các vật liệu thu hồi như kim loại màu, nhôm, nhựa và thủy tinh có thể được tái chế làm nguyên liệu hoặc bán nếu có thị trường cho những vật liệu này; đất tái chế có thể được sử dụng tại chỗ làm vật liệu che phủ hằng ngày cho các ô chôn lấp khác, do đó tránh được chi phí nhập khẩu vật liệu che phủ hoặc sử dụng đất tái chế trong các ứng dụng khác.
Chẳng hạn, như phân trộn; chất thải tái chế dễ cháy có thể trộn với chất thải tươi và đốt để sản xuất năng lượng; giảm kích thước của "dấu chân" bãi chôn lấp thông qua việc cải tạo ô nhiễm, người vận hành cơ sở có thể giảm chi phí đóng cửa bãi chôn lấp hoặc tạo đất sẵn sàng cho các mục đích sử dụng khác; quản lý các loại chất thải nguy hại có trong BCL dễ dàng hơn…
Đối với BCL Gò Cát, để xử lý một cách triệt để, đảm bảo cân đối lợi ích giữa 3 khía cạnh môi trường, kinh tế, xã hội, chúng ta cần giải pháp nào?
Khai thác và phục hồi BCL Gò Cát đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại quyết định số 2807/QĐ-UB ngày 19/05/1996 và UBND TP.HCM đã có tờ trình số 2355/UB-KT ngày 03/07/1997 xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 13/09/1997 Chính phủ đã ra quyết định số 762/TTg phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Dự án đã được Công ty Vermeer của Hà Lan thiết kế và triển khai xây dựng trên diện tích đất sử dụng 25 ha, với tổng công suất tiếp nhận 3.650.000 tấn. Thời gian tiếp nhận xử lý chất thải: từ tháng 01/2000 đến tháng 8/2007. Tuy nhiên, tổng lượng chất thải đã chôn lấp tại BCL Gò Cát cho đến khi đóng bãi là 5.600.000 tấn, vượt hơn công suất thiết kế 1.950.000 tấn.
Kết quả khảo sát của đơn vị chức năng cho thấy, lượng rác ở Gò Cát phân hủy từ 30% - 35%. Biểu đồ lượng rác giảm từ năm 2007 (thời điểm bãi rác đóng cửa) đến năm 2019 như trong bảng sau:

Như vậy, đến cuối năm 2019, lượng rác còn lại cần phải xử lý ở 5 ô của bãi Gò Cát ước tính khoảng 3.757.031 tấn. Về thành phần và tính chất rác sau quá trình phân hủy, kết quả khoan 05, hố khoan ở độ sâu khoan từ 5 - 8m đến tận lớp bạt lót đáy hố chôn rác cho thấy, rác đã phân hủy sâu, lượng mùn từ rác khá lớn, phần còn lại trong các hố khoan chủ yếu là mùn và nylon. Qua sàng và cân tại hiện trường, lượng mùn xấp xỉ 40 - 45%, đá, sỏi khoảng 2%, các thành phần khác (trong đó chủ yếu là nylon chiếm trên 40%).
Để xử lý BCL Gò Cát một cách triệt để, đảm bảo cân đối lợi ích giữa 3 khía cạnh: môi trường, kinh tế, xã hội, thì sau xử lý giải phóng BCL Gò Cát, diện tích quỹ đất của Gò Cát, tái sử dụng để xây dựng khu đô thị sinh thái, cung cấp chỗ ở cho người dân của TP.HCM hoặc làm công viên, tạo mảng xanh cho đô thị.
Qui trình khai thác bãi chôn lấp được đề xuất theo sơ đồ như sau:

Giá trị kinh tế tiềm năng của BCL Gò Cát trên quan điểm tuần hoàn, thu hồi vật chất, thưa ông?
Giá trị kinh tế tiềm năng của BCL Gò Cát trên quan điểm tuần hoàn, thu hồi vật chất. Theo bản phân tích bên dưới, giá trị thu về lên đến hơn 7 ngàn tỷ đồng.

Có thể nói, khai thác BCL Gò Cát là một thành phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Thành phố, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, là hoạt động đáp ứng yêu cầu kinh tế, môi trường và xã hội.
Về kinh tế, tạo nguồn thu từ chất thải được thu hồi làm nguyên, nhiên liệu cho các quá trình sản xuất khác.
Về môi trường, cải thiện môi trường khu vực xung quanh về cảnh quan, không gian sống, giảm nguồn nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí…
Về xã hội, tạo công việc làm và doanh thu cho xã hội, góp phần vào công tác an sinh xã hội của TP.HCM.
Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng nên xem xét, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư để có thể giải phóng BCL Gò Cát một cách an toàn mà hiệu quả kinh tế đem lại không nhỏ.
Ngoài ra, mô hình khai thác BCL đề xuất có thể được nghiên cứu, áp dụng cho các BCL khác hiện có và trong tương lai để không lãng phí nguồn tài nguyên thứ cấp có giá trị này.
Cảm ơn GS.TS. Nguyễn Văn Phước!