Nguyên nhân
Bệnh cườm nước là do áp lực ở trong mắt tăng cao, gây chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng thị thần kinh làm cho thị thần kinh bị tổn thương không phục hồi và làm mù lòa. Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh glaucoma thứ phát hay gặp nhất trong cộng đồng hiện nay là glaucoma do nhỏ thuốc nhỏ mắt có corticoid kéo dài. Những người tự mua các loại thuốc có corticoid (Ticoldex, Dexacol, Decordex…) nhỏ mắt kéo dài để chữa các chứng ngứa mắt sẽ có nguy cơ rất cao bị glaucoma.
Bệnh cườm khô là do tuổigià, người mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, chấn thương ở mắt hoặc viêm mắt, người sống ở môi trường nhiều khói bụi, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng .
Triệu chứng
Với cườm nước, có 2 dạng bệnh là cườm nước góc đóng (cấp tính hoặc mãn tính) và góc mở (mãn tính). Cườm nước cấp tính (thiên đầu thống), triệu chứng thường rầm rộ, dữ dội như đau nhức mắt, nhìn mờ, nhức nửa đầu cùng bên, buồn nôn, nôn, nhìn thấy quầng xanh đỏ quanh bóng đèn. Dạng cấp tính tuy rầm rộ và dữ dội nhưng lại là dấu hiệu nhận biết rõ ràng để bệnh nhân có thể đi khám và điều trị sớm.
Ngược lại, cườm nước mãn tính là một dạng bệnh rất nguy hiểm vì nó diễn tiến âm thầm và gần như không có triệu chứng gì đặc biệt. Cho đến khi bệnh nhân nhìn mờ mới đi khám thì bệnh đã gây tổn thương không thể hồi phục. Vì vậy, cườm nước mạn tính, cách phát hiện bệnh tốt nhất là thăm khám mắt định kỳ, đặc biệt là các đối tượng trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người bị bệnh cườm mắt, có tiền căn chấn thương mắt, phẫu thuật tại mắt, tiền sử dùng thuốc nhỏ mắt lâu dài, đã hoặc đang điều trị các bệnh như lupus, bệnh thận, bệnh khớp có sử dụng corticoid, cận thị nặng, bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường...
Đối với cườm khô, triệu chứng thường gặp nhất là nhìn mờ, cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng: ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh, hoặc thấy quầng sáng quanh đèn, ban đêm thị giác kém hơn, nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình...
Bệnh cườm khô cũng có nhiều loại: đục thủy tinh thể do lão hóa (phần lớn do tuổi già); do bẩm sinh; hay do thứ phát (người bị bệnh tiểu đường, do dùng thuốc steroid kéo dài); hoặc do chấn thương.
Điều trị
Cườm nước và cườm khô, nếu phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi, tránh được nguy cơ mù lòa. Có nhiều phương pháp để điều trị, tùy từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ áp dụng phương pháp thích hợp. Ba phương pháp điều trị bệnh cườm mắt đó là dùng thuốc; dùng tia laser và phẫu thuật.
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, chỉ cần đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng, mới chỉ định phẫu thuật. Thường phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Nếu bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, sẽ không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau.
Phòng ngừa
Khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm để giúp phát hiện sớm bệnh cườm mắt. Những người trên 40 tuổi, có tiền sử gia đình bị bệnh cườm mắt, bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cận thị, viễn thị nặng, đã trải qua phẫu thuật tại mắt… cần thường xuyên định kỳ khám mắt.
Không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt để chữa trị các bệnh về mắt, tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt. Tăng cường tập thể dục, ăn nhiều chất xơ, tránh lo âu, căng thẳng…cũng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả các bệnh cườm mắt.