“Bà mẹ của nghìn con”: Nhiều kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam dẫn đầu thế giới!

An Quý| 15/05/2023 11:44

Từng tham gia nhóm bác sĩ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1997, đến nay PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y - Đại học Y Dược TP.HCM, đã có nhiều đóng góp trong chuyên ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam.

Từng tham gia nhóm bác sĩ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 1997, đến nay PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y - Đại học Y Dược TP.HCM, đã có nhiều đóng góp trong chuyên ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam. Phóng viên Tạp chí Khoa học Phổ thông - Sống Xanh đã phỏng vấn PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan về những nghiên cứu không ngưng nghỉ và thành tựu để mang lại hạnh phúc cho hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh.

Hơn 50 trung tâm IVF

* Từ những em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) vào ngày 30/4/1998, đến nay, chị đã đi trên con đường hỗ trợ sinh sản như thế nào?

PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan: Tôi may mắn được tham gia trong nhóm bác sĩ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam tại bệnh viện Từ Dũ từ năm 1997, khi đó, tôi cũng trạc tuổi các em bé IVF đầu tiên hiện nay. Từ đó đến nay, hành trình hơn 25 năm, có thể nói, tôi cùng các đồng nghiệp của mình chưa bao giờ ngưng nghỉ. Thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Từ 1 trung tâm IVF ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), hiện nay, cả nước có hơn 50 trung tâm.

PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan thực hiện thủ thuật chọc hút noãn. Ảnh: TTD

Việt Nam hiện nay được xem là một quốc gia có chuyên ngành IVF mạnh trong khu vực về số chu kỳ thực hiện hằng năm, tỷ lệ thành công và các kỹ thuật có thể thực hiện. Đặc biệt, có một số kỹ thuật, chúng ta trong nhóm dẫn đầu thế giới, ví dụ như kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (In-vitro Maturation of Oocytes - IVM).

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên báo cáo khoa học ở Hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh sản người và Phôi học Châu Âu (ESHRE) năm 2001, có một đồng nghiệp Châu Âu đến bắt tay chúc mừng và nói: “Tôi không nghĩ là Việt Nam có thể thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm!”. Giờ này, sau 25 năm phát triển, chúng tôi nhận được yêu cầu đến học hỏi của các đồng nghiệp từ các trung tâm lớn, uy tín của Châu Âu như Vrije University Brussel (VUB, Bỉ), University of New South Wales (UNSW, Úc), Colorado Center for Reproductive Medicine (CCRM, Mỹ)...

PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Y - Đại học Y Dược TPHCM

Chúng ta cũng có những trung tâm đã thực hiện kiểm định và đạt chuẩn chất lượng RTAC của Ủy ban tiêu chuẩn chất lượng Hỗ trợ sinh sản thuộc Hội Sinh sản Úc – New Zealand. Không chỉ phát triển về mặt dịch vụ, thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam cũng được công nhận về mặt học thuật. Chúng ta có các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới, các chuyên gia của Việt Nam được mời tham dự trong các hội đồng khoa học của các Hiệp hội Hỗ trợ sinh sản thế giới, tham gia trong Ban biên tập các tạp chí chuyên ngành uy tín thế giới và là nơi đón nhận nhiều đồng nghiệp từ các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới đến học tập.

Trên hành trình ấy, có những cột mốc hay câu chuyện ấn tượng nào làm động lực giúp chị tiếp tục?

Ngoài ra, theo tôi, một tiến bộ đáng kể của IVF Việt Nam là chúng ta có luật lệ, quy định liên quan đến thực hành hỗ trợ sinh sản, trong khi, có một số quốc gia trong khu vực, IVF phát triển trước chúng ta nhưng chưa có hệ thống luật lệ, quy định giúp điều chỉnh thực hành trong lĩnh vực này. IVF là một chuyên ngành đặc thù, nói một cách dân dã, là nghề “tạo ra con người”, do đó, đạo đức trong thực hành hỗ trợ sinh sản là rất quan trọng.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và con gái, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: TTD

Các hội ngành nghề lớn trên thế giới như Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM), Hiệp hội Sinh sản và Phôi học người Châu Âu, Hiệp hội Sinh sản Châu Á - Thái Bình Dương (ASPIRE),… đều đưa ra những quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về điều kiện con người, cơ sở vật chất, quy trình IVF, ví dụ, quy định về giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung để giảm đa thai sau điều trị IVF, quy định cấm chọn lựa giới tính trong kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ,…

Về động lực làm việc trong suốt hành trình 25 năm của mình, đối với tôi cũng như các đồng nghiệp của mình, đó chính là niềm hạnh phúc có con của các gia đình hiếm muộn. Là thế hệ đầu tiên thực hiện IVF ở Việt Nam, được đào tạo bài bản, một nhiệm vụ và cũng là động lực của tôi, đó là đào tạo lực lượng kế thừa, tiếp tục cống hiến, nâng tầm vị thế IVF Việt Nam trên thế giới.

* Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu “so sánh chuyển phôi tươi và phôi trữ đông” trong thụ tinh trong ống nghiệm đối với chị và chuyên ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam?

Tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng là sau hơn 3 năm tiến hành, nghiên cứu đã hoàn thành và được công bố trên Tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine. Kết quả của nghiên cứu có 2 ý nghĩa chính, ý nghĩa ứng dụng lâm sàng và ý nghĩa về học thuật. Về ý nghĩa lâm sàng, nghiên cứu giúp trả lời câu hỏi mà các nhà lâm sàng IVF rất quan tâm là nên thực hiện chuyển phôi tươi hay chuyển phôi trữ đông cho bệnh nhân khi thực hiện IVF và chuyển phôi trữ đông có ảnh hưởng gì lên thai kỳ và trẻ sinh ra hay không.

Nghiên cứu “So sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ đông trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm” đã được đăng tải trên Tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) - một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Đây cũng là một trong ba công trình nghiên cứu được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Với kết quả này, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan đã trở thành nhà khoa học nữ thứ hai và cũng là đại diện thứ hai của ngành y sinh được vinh danh trong giải thưởng sáng giá nhất của khoa học Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chuyển phôi trữ đông có hiệu quả và an toàn tương đương với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang. Từ đó, các chuyên gia IVF có thể trữ phôi, chuyển phôi trữ đông với tỉ lệ có thai cao và thực hiện chuyển đơn phôi để giảm các biến chứng như quá kích buồng trứng và biến chứng của đa thai kỳ do việc chuyển nhiều phôi vào buồng tử cung gây ra.

Sinh viên năm 4 Ngọc Lan thực tập tại Bệnh viện Từ Dũ (năm 1994) - Ảnh: TTD

Về mặt học thuật, việc công bố nghiên cứu trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới chứng tỏ các nhà khoa học Việt Nam có thể thực hiện được các nghiên cứu có phẩm chất khoa học tốt, được thế giới đánh giá cao.

Ươm mầm hạnh phúc

* Được biết, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, BS Hồ Mạnh Tường, chị và nhiều đồng nghiệp đã sáng lập chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” với mong muốn hỗ trợ những gia đình hiếm muộn tìm con không tắt hy vọng. Điều gì thôi thúc chị thực hiện chương trình này? Từ khi bắt đầu đến nay, chương trình đã hỗ trợ được bao nhiêu gia đình?

Khi tôi mới bắt đầu thực hiện IVF ở Việt Nam vào năm 1997, tôi chứng kiến những bệnh nhân cần thực hiện IVF để có con nhưng họ không có điều kiện kinh tế để thực hiện. Có những cặp vợ chồng phải đi vay mượn, bán nhà để điều trị, mà không phải trường hợp nào cũng thành công. Có những chị lúc còn trẻ không đủ điều kiện kinh tế, cố gắng đi làm, tích cóp đến khi có đủ kinh phí để thực hiện IVF thì tuổi đã lớn, dự trữ buồng trứng kém, cơ hội điều trị thành công là quá thấp.

PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (giữa) ôn lại kỷ niệm “hai con thụ tinh trong ống nghiệm" là Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo sau hành trình 25 năm kỷ niệm chuyên ngành hỗ trợ sinh sản. Lễ kỷ niệm do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức. Ảnh: T.T.D

Từ lúc đó, cùng với mẹ và chồng, chúng tôi đã có một ước mơ là khi nào mình có điều kiện hơn về kinh tế, chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện điều trị miễn phí cho bệnh nhân tùy theo khả năng của mình. Chia sẻ thêm, ở thời điểm 1997, khi tôi toàn tâm toàn ý học tập, nghiên cứu và điều trị IVF cho bệnh nhân, bản thân tôi cũng phải “ăn cơm ké” của mẹ.

Mọi người đã ưu ái gọi PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan là “bà mẹ của nghìn con”. Trong suốt 25 năm, chị cùng các đồng nghiệp đã hỗ trợ sinh sản và hơn 10.000 đứa trẻ được ra đời trong niềm hạnh phúc tột cùng của cha mẹ. PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan luôn cảm thấy vinh dự và biết ơn khi sự cống hiến của chị được mọi người ghi nhận. Điều này cũng nhắc nhở chị phải luôn cố gắng hằng ngày, làm tốt hơn nữa công việc của mình. Bởi đó là tình yêu thương mà bệnh nhân trao tặng - đây cũng chính là bài học đầu tiên mà chị học được từ người mẹ của mình, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) Phó Chủ tịch Hội Sản phụ khoa Việt Nam, bài học về giá trị của tình yêu thương.

Từ năm 2014, chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” hỗ trợ cho 30 cặp vợ chồng hiếm muộn trong năm đầu tiên, số lượng tăng dần qua từng năm, đến nay, tổng cộng đã có hơn 300 cặp vợ chồng được hỗ trợ từ chương trình này. 

* Mẹ và các con tác động thế nào đến sự nghiệp của chị?

Mẹ tôi là người thầy lớn trong sự nghiệp của tôi. Tôi được truyền cảm hứng từ mẹ để theo nghề mẹ, chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ. Ở nhà, đối với tôi, mẹ tôi vừa là ba vừa là mẹ vì tôi không sống cùng ba từ rất nhỏ. Tôi học ở mẹ tình yêu thương, sự mạnh mẽ và nghị lực vượt khó.

Gia đình nhỏ của PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan.

Tôi có 2 con gái, có lẽ các cháu cũng thừa hưởng chút gì đó của các thế hệ trước. Cháu gái lớn năm nay là sinh viên y khoa năm thứ 5, cháu gái nhỏ đang học cấp II. Tôi mong các cháu là những người tốt, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và những người xung quanh mình.  

* Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu gì trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm và hỗ trợ sinh sản?

Chúng tôi đang nghiên cứu thực hiện trưởng thành trứng non, đây là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm không cần kích thích buồng trứng để tránh biến chứng do kích thích buồng trứng gây ra và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu thực hiện chẩn đoán và loại trừ bệnh lý do gene hiếm gặp bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp với chẩn đoán di truyền tiền làm tổ. Kỹ thuật này giúp các cặp vợ chồng có con bị các bệnh lý đơn gene hiếm gặp, thai chết lưu, thai hoặc trẻ bị một số loại dị tật bẩm sinh do di truyền,… có con bình thường khỏe mạnh.

* Xin cảm ơn PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bà mẹ của nghìn con”: Nhiều kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam dẫn đầu thế giới!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO