Xu hướng chia sẻ nguồn lực tại các trường đại học
Theo các chuyên gia, chia sẻ nguồn học liệu, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất tại các trường đại học hiện đang là xu hướng, đem lại những lợi ích quan trọng như giảm chi phí cho tài liệu học tập và giảng dạy.
Tại hội thảo khoa học “Mô hình đại học chia sẻ - lợi ích từ sự hợp tác chia sẻ nguồn học liệu, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất tại các trường đại học” do Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM (Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM) ngày 11/7, hơn 30 tham luận từ các chuyên gia giáo dục trên cả nước được trình bày xoay quanh chủ đề.
Trong 3 phiên, các chuyên gia giáo dục đã trình bày thực trạng, đề xuất giải pháp về chia sẻ học liệu, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục đại học.

PGS.TS Vũ Đức Lung - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM cho biết trong thời đại kỹ thuật số, việc chia sẻ nguồn lực dùng chung trở thành một xu hướng không thể phủ nhận. Cuộc các mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng số hoá, xu hướng tự chủ đại học tại Việt Nam đã là điều kiện rất thuận lợi để hình thành đại học chia sẻ. Tuy nhiên, cần hiểu đại học chia sẻ là mô hình dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, không phải một trường đại học vật lý.
“Một trong những lợi ích quan trọng của mô hình đại học chia sẻ là giảm chi phí cho tài liệu học tập và giảng dạy. Thông qua việc tận dụng các học liệu dùng chung, đại học chia sẻ có thể cung cấp các học liệu giảng dạy chất lượng cao và ít gây gánh nặng tài chính cho sinh viên lẫn nhà trường” - PGS.TS Vũ Đức Lung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS TS. Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM cho rằng, một vấn đề đặt ra đối với đại học chia sẻ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các trường là cơ chế chia sẻ và nội dung chia sẻ trong hệ thống để các bên tham gia đều có lợi ích. Các lợi ích chính mà đề án có thể mang lại là Hiệu quả, kinh tế, chất lượng, công khai, hội nhập đối với các trường tham gia, đối với người học và đối với nhà nước, cơ quan quản lý.
Nội dung chia sẻ trong mô hình đại học chia sẻ là rất quan trọng và PGS TS. Lê Tuấn Lộc đề xuất 4 thành phần nội dung chia sẻ gồm: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, nguồn học liệu, nguồn nhân lực. Nền tảng của các hệ thống này chính là áp dụng các công nghệ trong kỷ nguyên CMCN 4.0 vào việc sản xuất, quản lý và phân phối các tài nguyên có thể dùng chung, có thể chia sẻ, giúp giảm thiểu chi phí, tận dụng thế mạnh của các trường đại học, so sánh đối chiếu để cải thiện chất lượng đào tạo.
Hiện nay, mô hình đại học chia sẻ giữa các trường đại học trong cùng hệ thống ĐHQG-HCM và ĐH QG Hà Nội và giữa các trường đại học ngoài hệ thống cũng đã được triển khai trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục chia sẻ tham luận tại sự kiện, hiệu quả của mô hình đại học chia sẻ vẫn còn khiếm tốn, chưa đạt được kỳ vọng.

Đánh giá hiện trạng và khả năng triển khai mô hình đại học chia sẻ tại Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG-HCM, TS. Huỳnh Khả Tú và ThS. Nguyễn Thanh Tâm, phòng Đào tạo Đại học của trường cho biết, tuy có nhiều mối quan hệ với các trường đối tác và có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường thành viên ĐHQG-HCM với nhau, hoạt động chia sẻ đại học tại trường Đại học Quốc tế còn ít và chưa khai thác được hết tiềm năng của các mối quan hệ cũng như chưa sử dụng hiệu quả các hoạt động này đề giải quyết các vấn đề thiếu cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của nhà trường. Hoạt động này cũng rời rạc theo từng lĩnh vực và chưa có một chính sách, chiến lược chung cũng như chưa có các quy định cụ thể cho việc triển khai.
Tại sự kiện, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để triển khai mô hình đại học chia sẻ có hiệu quả như: cần xây dựng hệ thống, ban hành các cơ chế và hướng dẫn pháp lý, công nhận kết quả học tập giữa các trường,… để tạo lập một mạng lưới hợp tác chia sẻ để cùng nhau phát triển nguồn học liệu số là những nhiệm vụ cần thực hiện ngay trước mắt nếu muốn ý tưởng này trở thành hiện thực. Đề án Đại học chia sẻ và việc triển khai thí điểm mô hình là rất cần thiết để tiến tới xây dựng một mô hình đại học chia sẻ hoàn chỉnh trong toàn ĐHQG-HCM.