Khoa học

“Tôi sinh ra trong ngày đất nước thống nhất” – Hành trình khoa học từ dấu ấn lịch sử

Công Chương (thực hiện) 29/04/2025 - 11:44

Từ cậu bé được sinh ra giữa dòng người sơ tán ở đảo Phú Quốc, ông trưởng thành, theo đuổi đam mê khoa học – kỹ thuật và trở thành Trưởng khoa Khoa Cơ khí Động lực tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Sinh đúng vào ngày 30/4/1975 – thời khắc đất nước thống nhất, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long Giang (Trưởng khoa Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) mang theo mình một sứ mệnh đặc biệt từ lúc chào đời.

Trong cuộc trò chuyện nhân dịp 50 năm ngày thống nhất đất nước, ông chia sẻ về dấu ấn lịch sử cá nhân, hành trình gắn bó với khoa học và niềm tin vào thế hệ trẻ – những người tiếp nối giấc mơ dựng xây tương lai Việt Nam.

nguyen-van-long-giang-4.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long Giang.

Dấu ấn cá nhân và lịch sử

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Văn Long Giang, ông sinh đúng vào ngày 30/4/1975 – một ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt với cả dân tộc. Gia đình ông có kể lại gì về hoàn cảnh ra đời của ông trong ngày đặc biệt đó không?

TS. Nguyễn Văn Long Giang: Vào ngày 30/4/1975, thời điểm đất nước thống nhất và chiến tranh kết thúc, tôi đã được sinh ra tại đảo Phú Quốc. Gia đình tôi đã theo dòng người sơ tán từ miền Trung ra đảo sau khi giao tranh xảy ra ở Đà Nẵng. Ba mẹ tôi kể lại rằng, trong những ngày tháng đầy biến động đó, tôi cất tiếng khóc chào đời tại một ngôi nhà nhỏ ven biển, giữa niềm vui chiến thắng và sự hồi sinh của dân tộc. Đối với ba tôi, đây là một dấu mốc quan trọng không thể nào quên và là lời nhắc nhở suốt đời về trách nhiệm sống xứng đáng với ngày mình được sinh ra.

Ông có cảm xúc như thế nào mỗi khi đến dịp kỷ niệm 30/4 hàng năm, đặc biệt là trong năm 2025 – dấu mốc tròn 50 năm?

Mỗi dịp 30/4, tôi luôn cảm thấy xúc động sâu sắc. Không chỉ bởi đó là ngày đất nước bước sang một trang sử mới, mà còn bởi tôi được sinh ra đúng vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Tôi luôn biết ơn thế hệ đi trước – những người đã hy sinh để tôi và thế hệ sau có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Năm 2025 này, tròn 50 năm đất nước thống nhất – và cũng là 50 năm cuộc đời tôi. Đó là một cột mốc thiêng liêng, khiến tôi càng trân trọng những gì đã qua và nghĩ nhiều hơn về điều mình sẽ làm cho thế hệ mai sau. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại quá khứ, mà còn là thời khắc thôi thúc mỗi người hướng tới tương lai với trách nhiệm và khát vọng cống hiến.

Việc mang ngày sinh trùng với ngày lịch sử có ảnh hưởng gì đến suy nghĩ, lựa chọn con đường sự nghiệp của ông không?

Tôi nghĩ, việc sinh ra đúng vào ngày 30/4 – ngày đất nước thống nhất – đã vô hình trung tạo nên một mối liên kết đặc biệt giữa cá nhân tôi và lịch sử dân tộc. Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn được nhắc về ý nghĩa của ngày này qua câu chuyện của gia đình, về hành trình sơ tán gian nan từ Đà Nẵng ra Phú Quốc và khoảnh khắc tôi chào đời giữa thời khắc lịch sử.

Điều đó khiến tôi lớn lên với một suy nghĩ rất rõ ràng: mình phải sống có trách nhiệm, phải đóng góp điều gì đó cho xã hội, dù nhỏ thôi. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi luôn hướng đến những lựa chọn mang tính cống hiến – trong học tập, trong nghề nghiệp và cả trong công tác Đảng, vì tôi tin rằng đó là cách mình tiếp nối và tri ân những giá trị lịch sử mà mình may mắn được gắn bó ngay từ lúc chào đời.

nguyen-van-long-giang-2a.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long Giang (bìa trái) nhận tuyên dương Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2024.

Khoa học – giáo dục gắn với thời cuộc

Cơ duyên nào khiến ông chọn học ngành Cơ khí động lực?

Cơ duyên đưa tôi đến với ngành Cơ khí động lực bắt đầu từ niềm đam mê với máy móc và kỹ thuật từ khi còn nhỏ. Tôi luôn tò mò về cách hoạt động của những chiếc xe, động cơ, và các thiết bị cơ khí xung quanh mình. Khi còn là học sinh, tôi thường tự mày mò tháo lắp xe đạp, xe máy cũ – đôi lúc làm hỏng nhiều hơn sửa, nhưng chính những trải nghiệm đó đã nuôi dưỡng trong tôi một khát khao được hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng ngành Cơ khí động lực không chỉ đơn thuần là sửa chữa hay vận hành máy móc, mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại, từ ô tô, hàng không cho đến năng lượng tái tạo. Việc chọn ngành này không chỉ thỏa mãn sở thích cá nhân, mà còn là một lựa chọn có tính thực tiễn cao, mở ra nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội và đất nước.

Khi tôi trưởng thành, nhận thức về tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cũng lớn dần theo thời gian. Tôi cảm nhận được rõ ràng rằng, nếu muốn đất nước mình phát triển nhanh và bền vững, không thể thiếu vai trò của ngành cơ khí nói chung và cơ khí động lực nói riêng. Đó là động lực lớn để tôi gắn bó lâu dài với lĩnh vực này.

Trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, theo ông, ngành Cơ khí động lực nói riêng và ngành giáo dục kỹ thuật nói chung ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể ra sao?

Trong 50 năm qua, ngành Cơ khí động lực tại Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là trong những thập kỷ gần đây. Ban đầu, ngành này chủ yếu phát triển với mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước, tập trung vào sản xuất và sửa chữa phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, và các thiết bị cơ khí cơ bản.

Từ những năm 1970–1980, ngành Cơ khí Động lực chủ yếu dựa vào công nghệ nhập khẩu và các mô hình sản xuất đơn giản. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, với sự mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành này đã bắt đầu tiếp cận các công nghệ mới, mở rộng quy mô sản xuất và gia tăng chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, trong 20 năm qua, ngành Cơ khí Động lực Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, và hợp tác với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu phát triển các dòng xe nội địa, từ ô tô, xe máy đến các phương tiện giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chúng ta còn chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều thế hệ kỹ sư trẻ tài năng, sáng tạo, không ngừng học hỏi để vươn ra thị trường quốc tế. Những đổi mới này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần nâng tầm vị thế ngành cơ khí Việt Nam trên bản đồ khu vực.

Từ góc nhìn của một người làm khoa học và giáo dục, ông có thể chia sẻ một số đổi mới nổi bật trong đào tạo ngành cơ khí – động lực của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong những năm gần đây?

Trong những năm gần đây, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) đã thực hiện nhiều đổi mới nổi bật trong công tác đào tạo ngành Cơ khí – Động lực, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành công nghiệp.

Một trong những điểm nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và quản lý học tập, như triển khai hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS), sử dụng phần mềm mô phỏng kỹ thuật tiên tiến, tổ chức các lớp học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Ngoài ra, trường còn khuyến khích sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng, tham gia cuộc thi chế tạo xe tiết kiệm nhiên liệu, hay các sân chơi sáng tạo khoa học – kỹ thuật do các đơn vị tổ chức.

Việc đổi mới không chỉ nằm ở phương pháp mà còn thể hiện ở tư duy đào tạo – đặt người học làm trung tâm, khuyến khích học chủ động, học suốt đời và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Qua đó, nhà trường không chỉ đào tạo ra những kỹ sư giỏi lý thuyết mà còn vững vàng kỹ năng thực hành, có khả năng thích nghi cao với môi trường làm việc thực tế.

nguyen-van-long-giang-5.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long Giang cùng vợ và 2 con.

Tự hào – trách nhiệm – định hướng tương lai

Là một người sinh ra đúng ngày thống nhất, ông có cảm thấy mình mang một “trách nhiệm lịch sử” nào đó trong công việc và cuộc sống không?

Là người sinh đúng ngày 30/4, tôi cảm nhận rõ niềm tự hào – nhưng đi kèm đó cũng là trách nhiệm. Trách nhiệm phải sống sao cho xứng đáng với ngày mình ra đời, và đóng góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước hôm nay. Dù chỉ là một người thầy, một nhà khoa học kỹ thuật, tôi luôn tự hỏi: hôm nay mình đã làm được gì để thế hệ sau có thêm hy vọng, để đất nước có thêm bước tiến về công nghệ?

Ông kỳ vọng gì vào thế hệ sinh viên ngày nay – những người sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn đổi mới và đang hội nhập quốc tế sâu rộng?

Tôi kỳ vọng vào thế hệ sinh viên ngày nay là họ sẽ sáng tạo, dám thử thách và ứng dụng công nghệ vào công việc. Đồng thời, sinh viên cần trang bị kiến thức và kỹ năng để hội nhập quốc tế, làm việc hiệu quả trong môi trường toàn cầu. Bên cạnh đó, họ cũng phải có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển đất nước, bảo vệ môi trường và xây dựng xã hội công bằng. Khả năng thích ứng nhanh chóng với thay đổi, linh hoạt và tự học cũng là yếu tố quan trọng. Cuối cùng, sự bền bỉ và kiên trì trong công việc là điều cần thiết để đạt được mục tiêu cá nhân và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, nếu được nhắn gửi một thông điệp đến sinh viên và thế hệ trẻ, ông sẽ nói gì?

Các bạn hãy tự tin bước vào tương lai với niềm đam mê và sự sáng tạo. Các bạn là những người đang nắm trong tay cơ hội lớn để thay đổi thế giới, không chỉ cho chính mình mà còn cho cộng đồng và đất nước. Hãy học hỏi không ngừng, đón nhận thử thách và luôn sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của thế giới. Hãy kiên trì, dám ước mơ và hành động vì những giá trị tốt đẹp, vì một xã hội công bằng và bền vững. Tương lai thuộc về những người không ngừng nỗ lực và biết cống hiến!

Xin cám ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tôi sinh ra trong ngày đất nước thống nhất” – Hành trình khoa học từ dấu ấn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO