Giáo dục kỹ năng số: Đánh thức bản lĩnh trong kỷ nguyên số
“Giáo dục kỹ năng số không chỉ là truyền đạt kiến thức – mà là đánh thức bản lĩnh số để sở hữu những kỹ năng số, tuân thủ đạo đức trong bối cảnh số ở mỗi người học” - GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.
Trong kỷ nguyên số, giáo dục kỹ năng số không đơn thuần là dạy học sinh sử dụng thiết bị công nghệ – mà là hành trình hình thành tư duy công dân số, biết sống đẹp, sống có trách nhiệm và chủ động trong thế giới số. GS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM – đã có những chia sẻ sâu sắc về vai trò, cách triển khai và những yếu tố cốt lõi trong giáo dục kỹ năng số, đặc biệt ở bậc tiểu học, góp phần kiến tạo những công dân bản lĩnh cho một thành phố thông minh trong tương lai.

Thưa Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh, giáo dục kỹ năng số cần được nhìn nhận với vai trò như thế nào?
GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Một thành phố thông minh không chỉ được xây dựng bằng hạ tầng kỹ thuật số, mà còn được kiến tạo từ con người – những cá nhân có năng lực, ý thức và giá trị sống phù hợp với kỷ nguyên số. Giáo dục kỹ năng số vì thế không đơn thuần là dạy học sinh sử dụng thiết bị hay phần mềm. Đó là quá trình hình thành công dân số có tư duy phản biện, biết hợp tác thông minh, ứng xử có trách nhiệm trong môi trường số.
Người có kỹ năng số là người biết “lướt sóng” thông tin một cách chủ động, bản lĩnh và nhân văn. Do đó, giáo dục kỹ năng số không chỉ nhằm trang bị hành trang cá nhân mà còn góp phần xây dựng nền tảng xã hội số bền vững – một điều kiện thiết yếu cho phát triển đô thị thông minh.
Hiện nay, việc giáo dục kỹ năng số trong trường học đang được triển khai ra sao, thưa Giáo sư?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có định hướng rõ ràng về khung năng lực số cho người học. Nhiều trường học hiện nay đã bước đầu tích hợp kỹ năng số vào chương trình chính khóa, bắt đầu từ bậc tiểu học. Nhóm chúng tôi cũng đang triển khai bộ sách Giáo dục kỹ năng số từ lớp 1 đến lớp 5, với tinh thần “học sinh là trung tâm – công nghệ là công cụ – giá trị là nền tảng”.
Tôi cho rằng rào cản lớn nhất chính là tâm lý sợ hãi. Trẻ em cần được dạy để hiểu và làm chủ, chứ không phải để sợ công nghệ. Giáo dục kỹ năng số cần tác động một cách có chủ đích, đồng thời tạo dựng hành trang giúp các em sống đẹp trong không gian số.
Theo Giáo sư, giáo dục kỹ năng số nên phát triển theo hướng nào để phù hợp với chiến lược thành phố thông minh?
Trước hết, giáo dục kỹ năng số cần gắn chặt với định hướng phát triển đô thị thông minh tại từng địa phương. Học sinh tại TP.HCM – một thành phố trẻ, năng động – nên được tiếp cận công nghệ như một công cụ để kiến tạo thành phố: từ bản đồ số đến quản lý năng lượng, truyền thông số hay sáng tạo nội dung xanh.
Thứ hai, phải đặt trọng tâm vào đạo đức số và an sinh số. Thành phố thông minh không thể thiếu những công dân có trách nhiệm trên không gian mạng, biết đồng cảm và sáng tạo tích cực. Việc trang bị kỹ năng số phải đi kèm với giáo dục cảm xúc và ý thức cộng đồng.
Thứ ba, giáo dục kỹ năng số không thể là trải nghiệm ngắn hạn. Đó phải là một hành trình học tập suốt đời, có sự đồng hành của giáo viên và phụ huynh – những người cũng cần được bồi dưỡng kỹ năng để lớn lên cùng con trẻ trong kỷ nguyên số.
Giáo dục kỹ năng số tại bậc tiểu học hiện đang được triển khai như thế nào, thưa Giáo sư?
Chúng tôi đã xây dựng ma trận giáo dục kỹ năng số từ lớp 1 đến lớp 5, dựa trên các cơ sở pháp lý và nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Quan điểm xuyên suốt là: trẻ em không chỉ cần biết dùng công nghệ, mà cần được hướng dẫn để làm chủ và sống đẹp trong công nghệ.
Việc triển khai hiện nay theo bốn hướng chính:
- Gắn với trải nghiệm thực tiễn: Trẻ được hướng dẫn thao tác công nghệ từ những điều gần gũi: bật máy tính bảng, tìm kiếm bằng giọng nói, vẽ tranh số… đồng thời học cách cư xử văn minh, giữ an toàn khi kết nối mạng.
- Tiệm cận truyền thông số và AI: Học sinh lớp 3 bắt đầu phân biệt tin thật – tin giả, lớp 5 có thể tương tác với AI như ChatGPT để hỗ trợ học tập.
- Chú trọng đạo đức và cảm xúc số: Trẻ học cách xử lý bắt nạt mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phát triển lòng tin khi tương tác trực tuyến.
- Học cùng thầy cô và người thân: Trẻ không học kỹ năng số một mình mà cùng người lớn – để kết nối lớp học với gia đình.
Theo Giáo sư, cần chuẩn bị những gì để triển khai hiệu quả giáo dục kỹ năng số cho học sinh tiểu học?
Không thể triển khai kỹ năng số theo kiểu “thêm một môn học”. Cần một hệ sinh thái hỗ trợ gồm 5 yếu tố:
- Chương trình – học liệu: Thiết kế phù hợp tâm lý lứa tuổi, tích hợp kỹ năng xã hội và giá trị sống. Học liệu thân thiện, sinh động: sách, video, trò chơi, phần mềm…
- Giáo viên – người đồng hành: Giáo viên cần được bồi dưỡng theo khung năng lực số, ứng dụng công nghệ linh hoạt, giữ được trái tim sư phạm để biến công nghệ thành chiếc cầu chứ không phải rào cản.
- Phụ huynh – người hỗ trợ: Phụ huynh nên cùng học, cùng trò chuyện với con thay vì kiểm soát. Biết kết nối với nhà trường để bảo vệ an toàn và hỗ trợ tâm lý cho trẻ.
- Thiết bị – hạ tầng: Đảm bảo thiết bị ổn định, hạ tầng tối thiểu ở trường. Tránh tình trạng “trẻ thành thị được học – trẻ nông thôn chỉ nhìn ngắm”.
- Tư duy chính sách: Cần đồng bộ từ quản lý đến trường học, có khung năng lực cụ thể, hướng dẫn triển khai hợp lý, đánh giá thực chất – không gây áp lực.
Xin cảm ơn Giáo sư Huỳnh Văn Sơn.