Y học

Xây dựng thương hiệu bệnh viện là một hành trình dài và bền bỉ

Công Chương 02/10/2023 12:36

Theo TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh (Trường Đại học Mở TP.HCM), để xây dựng thương hiệu bệnh viện đầu tiên phải xác định được giá trị cốt lõi. Từ đó hoạch định ra các con đường để khẳng định giá trị cốt lõi đó. Tuy nhiên xây dựng và quản lý thương hiệu bệnh viện là một hành trình dài và bền bỉ cần có sự thống nhất từ cấp lãnh đạo cao nhất của tổ chức.

Ngày 30/9, Hội thảo “Xây dựng thương hiệu bệnh viện - củng cố nền tảng và đổi mới để phát triển” do Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO và Zero to All phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận.

Xây dựng thương hiệu để hệ thống bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh và bền vững

hoi-thao-thuong-hieu-bv-18.jpg
Ông Phạm Thế Đồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Thế Đồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO, cho biết, hội thảo cũng là một nhân duyên giữa Hệ thống Bệnh viện Sài Gòn ITO và Công ty Cổ phần ZTA cách đây gần 10 năm. Mục đích của Hội thảo là làm sao để xây dựng thương hiệu hệ thống bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển mạnh và bền vững, đồng thời truyền đạt kiến thức về xây dựng thương hiệu các bệnh viện và phòng khám tư của toàn hệ thống.

ThS.BS Phùng Thị Hồng Thắm - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ZTA bày tỏ: “Cá nhân cảm thấy rất vui bởi hội thảo thu hút sự quan tâm của anh chị em hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân đến từ 3 miền (Bắc, Trung, Nam) của đất nước.

hoi-thao-thuong-hieu-bv-15.jpg
ThS.BS Phùng Thị Hồng Thắm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ZTA, phát biểu tại sự kiện.

Đồng thời, ThS.BS Phùng Thị Hồng Thắm cho rằng, sự hài lòng, sự trải nghiệm dành cho bệnh nhân là hành trình tạo dựng thương hiệu tốt nhất. Nếu chúng ta lấy con người làm trung tâm thì hạnh phúc của bệnh nhân song hành với hạnh phúc của nhân viên và từng người trong tổ chức của mình. Khi chúng ta hiểu sâu sắc về thương hiệu và triển khai từ nền tảng tư duy này thì tổ chức của chúng ta mới phát triển bền vững. Đồng thời, những người người trong chính tổ chức chăm sóc sức khỏe cũng chính là đại sứ thương hiệu cho tổ chức của mình. Do đó, cần đầu tư xứng đáng cho các đại sứ này.

“Hy vọng chúng ta - những người làm trong lĩnh vực sức khỏe, có thể đi cùng nhau, làm sao nhận được tình yêu thương của cộng đồng, có như vậy thì sự phát triển của chúng ta mới trường tồn” - ThS.BS Phùng Thị Hồng Thắm chia sẻ.

Lời hứa cũng là thương hiệu

Hội thảo đã lắng nghe 3 tham luận của TS. Phùng Minh Tuấn (Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Tôn Đức Thắng), TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh (Phó trưởng bộ môn Marketing Trường Đại học Mở TP.HCM), ThS Vũ Thanh Hà (giảng viên ngành Truyền thông và quan hệ công chúng Trường ĐH Văn Lang).

Tại Hội thảo, TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh (Phó trưởng bộ môn Marketing Trường Đại học Mở TP.HCM) trình bày chủ đề “Những kiến thức nền tảng về thương hiệu bệnh viện”.

hoi-thao-thuong-hieu-bv-14.jpg
TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh (Phó trưởng bộ môn Marketing Trường Đại học Mở TP.HCM) phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh, thương hiệu là một vấn đề rất lớn và có rất nhiều định nghĩa về thương hiệu. Thương hiệu không chỉ là một logo hoặc tên gọi. Thương hiệu là đại diện cho danh tiếng, bản sắc và giá trị. Thương hiệu dịch vụ về cơ bản là một lời hứa về bản chất của trải nghiệm trong tương lai với một tổ chức hoặc nhà cung cấp cấp dịch vụ cá nhân.

hoi-thao-thuong-hieu-bv-12.jpg
Hành trình Xây dựng thương hiệu trong y tế do TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh đưa ra.

“Xây dựng thương hiệu là quá trình tạo và quản lý danh tính duy nhất cho một tổ chức chăm sóc sức khỏe, giúp tổ chức đó khác biệt với các dối thủ cạnh tranh; và truyền đạt các giá trị, sứ mệnh, cũng như lời hứa của tổ chức đó tới bệnh nhân, nhân viên và cộng đồng rộng lớn hơn...” - TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh nhận định.

Theo TS. Bùi Ngọc Tuấn Anh, để xây dựng thương hiệu bệnh viện đầu tiên phải xác định được giá trị cốt lõi. Từ đó hoạch định ra các con đường để khẳng định giá trị cốt lõi và tạo ra giá trị khác biệt của thương hiệu.

Ở bài trình bày với chủ đề “Xây dựng thương hiệu ngành sức khỏe tiếp cận từ nền tảng đến đổi mới để phát triển”, TS. Phùng Minh Tuấn (Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Tôn Đức Thắng) đưa ra 3 lưu ý về xây dựng thương hiệu lĩnh vực ngành sức khỏe, gồm: Nhận thức giá trị của khách hàng tương xứng với giá bán; định vị thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất; và các yếu tố cấu thành giá trị thương hiệu.

hoi-thao-thuong-hieu-bv-2a.jpg
TS.Phùng Minh Tuấn (Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Tôn Đức Thắng) phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS. Phùng Minh Tuấn, việc xây dựng, định vị thương hiệu là một hành trình dài, bền bỉ. Khi chúng ta xây dựng thương hiệu đủ mạnh rồi, thì đó là thành trì bền vững nhất để giữ chân khách hàng. Công ty có khả năng nhận được nhiều tiền xứng đáng với giá trị bạn mang lại cho khách hàng...

“Thương hiệu là tài sản của công ty nhưng nó lại định vị nằm trong đầu của khách hàng. Do đó, chúng ta phải thường xuyên bồi đắp, update liên tục các giá trị cho thương hiệu để nó trở thành tài sản bền vững.

Sự bảo chứng xã hội là phương tiện tiếp thị hiệu quả để giúp hồi sinh một thương hiệu khỏi sự tụt dốc hoặc bê bối của nó. Mục tiêu này giúp giải quyết được vấn đề cốt lõi của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu toàn thời gian (thương hiệu bền vững)” - TS. Phùng Minh Tuấn chia sẻ.

“Chưa quan tâm nhiều đến quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng truyền thông”

Tại chương trình, ThS. Vũ Thanh Hà (chuyên gia về xử lý khủng hoảng truyền thông, giảng viên ngành Truyền thông và quan hệ công chúng Trường ĐH Văn Lang) trình bày về chủ đề “Dự phòng và xử lý khủng hoảng truyền thông thông thương hiệu bệnh viện trong kỷ nguyên số”.

hoi-thao-thuong-hieu-bv-8.jpg
ThS. Vũ Thanh Hà phát biểu tại Hội thảo.

Theo ThS. Vũ Thanh Hà, khủng hoảng truyền thông là tình huống tên tuổi của mình (cá nhân/ tổ chức) bị nhắc đến nhiều lần trên nhiều phương tiện truyền thông, gây tác động tiêu cực đến hình ảnh của mình trong mắt công chúng và các bên liên quan, và (hoặc) gây tổn hại đến danh tiếng và tài chính.

Bên cạnh đó, ThS. Vũ Thanh Hà khuyến cáo nên tiếp cận khủng hoảng truyền thông ở góc độ “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đề làm tốt điều này, các đơn vị cần có quy định, quy trình quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều tổ chức, đơn vị chưa quan tâm hoặc ngại tốn kém nên chưa có quy trình quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng truyền thông của đơn vị mình.

Trong đó, quản trị rủi ro bao gồm các bước như: quy trình vận hành; văn hóa rủi ro; kế hoạch kinh doanh liên tục BCP; kế hoạch phục hồi sau thảm họa RDP; huấn luyện, chạy thử; thực thi, lưu trữ vào bộ nhớ tổ chức... Quản trị khủng hoảng bao gồm các bước như: quy định truyền thông; theo dõi, phân tích truyền thông; kịch bản ứng phó khủng hoảng truyền thông; quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan; huấn luyện, chạy thử; thực thi, lưu trữ vào nộ nhớ tổ chức...

“Đơn vị cần xây dựng, thiết lập, duy trì quan hệ với các nhóm công chúng trọng yếu: Các cơ quan ban ngành, đơn vị quản lý nhà nước; Cơ quan báo chí chính thống và đại diện quản lý của các nền tảng mạng xã hội quốc tế (Facebook, Google, Youtube, Tiktok…); Các bên thứ 3 uy tín: nhóm chuyên gia, các tổ chức có ảnh hưởng lớn trong ngành (NGOs, UN…); Các nhóm người ảnh hưởng, người nổi tiếng trong các lĩnh vực có liên quan đến tổ chức; Agency, tư vấn lĩnh vực PR, Digital, Luật...

Đặc biệt, kinh doanh bền vững, làm tốt việc của bệnh viện và làm đúng quy định là cách bảo vệ thương hiệu tốt nhất để tránh khủng hoảng...” - ThS. Vũ Thanh Hà lưu ý.

hoi-thao-thuong-hieu-bv-19.jpg
ThS. Trương Khánh Mỹ Hằng - Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Mắt Quốc Tế Sunshine phát biểu tại sự kiện.

Tại hội thảo đại diện nhiều tổ chức, đơn vị cũng chia sẻ về quá trình vận hành tổ chức, đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi từ thực tiễn hoạt động với các chuyên gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu bệnh viện là một hành trình dài và bền bỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO