Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Gắn kết và phát huy từ tuyến cơ sở
Ngày 6/6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM - nhiệm vụ, giải pháp”.
Hội thảo đã nghe báo cáo về xây dựng không gian văn hóa tại các đơn vị sở, ngành, viện, trường, quận huyện cũng như những giải pháp xây dựng không gian văn hóa, phát huy vai trò văn hóa cơ sở gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Công trình tầm vóc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP
Theo bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ.
Đây cũng là chủ trương được Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, liên quan đến xây dựng văn hóa, con người, là lĩnh vực cần được quan tâm đầu tư tương xứng.
Thời gian qua, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác.
Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật như thơ ca, nhạc kịch, điện ảnh, kịch, cải lương… về Bác đi vào lòng người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nhiều năm qua đạt được những kết quả nhất định và có nhiều tấm gương điển hình sinh động.
Bàn về vấn đề xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác, GS TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, trước hết cần xác định chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa rộng lớn, sâu sắc. Chủ trương này cần có sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt thường xuyên của Thành ủy, sự đầu tư các nguồn lực vật chất và tinh thần đủ mạnh, từ nguồn đầu tư của chính quyền TP, sự hỗ trợ của Trung ương, cùng với huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội.
“Chủ trương này phải biến thành chương trình hành động cụ thể và sáng tạo, có các chính sách đồng bộ, toàn diện về kinh tế - xã hội, văn hóa và con người, đáp ứng các điều kiện thực hiện sao cho có hiệu quả về nhiều mặt, nhất là tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa xã hội trong mọi thế hệ”, GS TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Gắn kết vai trò văn hóa cơ sở gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM về chỉ đạo “Về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, nhiều cơ sở, đơn vị, quận huyện trên địa bàn TP đã đẩy mạnh việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, xem đây là nhiệm vụ, giải pháp chính trị cần được thực hiện đồng bộ, lâu dài, xuyên suốt, trọng tâm.
Trên địa bàn Quận 1, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nội dung được Ban thường vụ Quận ủy Quận 1 quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều hoạt động: chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương gắn với giáo dục chính trị tư tưởng bằng nhiều hình thức. Hiện nay, gần 120 fanpage của hệ thống chính trị Quận 1 đều xây dựng chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với nhiều hoạt động cụ thể, phong phú.
Tại Quận 3, Ban Tuyên giáo đã tham mưu Quận ủy chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm: thực hiện các khu vực trang trí, bày trí hiện vật, sách ảnh, không gian sách… về Bác Hồ trên địa bàn quận; tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ lưu giữ và lan tỏa văn hóa Hồ Chí Minh trong thế hệ trẻ v.v…
Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên, sâu rộng và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đều được hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP thực hiện nghiêm túc và có chiều sâu.
Từ đây có thể thấy, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Nghị quyết Đại hội đại biểu TP.HCM lần thứ XI đề ra là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kéo dài nhằm xây dựng, phát triển nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho người dân; làm cho văn hóa Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo thành dấu ấn đặc trưng của người dân TP
Cần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang bản sắc riêng, độc đáo
Để góp phần xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP mang bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, nhiều ý kiến đề xuất đã được các đại biểu nêu ra trong hội thảo.
Theo PGS TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa TP.HCM, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần phải gắn liền với những bối cảnh tự nhiên và văn hóa cụ thể của từng vùng, từng khu vực, mang sự độc đáo, đặc sắc riêng so với địa phương khác.
Ông ví dụ, như không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Củ Chi sẽ phải có những nét khác với TP Thủ Đức. Bên cạnh việc xã hội hóa các nguồn tài lực, cần huy động nguồn trí lực và tổ chức các hội thi ý tưởng sáng tạo trên nền tảng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào xây dựng và vận hành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
“TP chúng ta xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần lan tỏa đến các địa phương khác, tạo nên không gian đa sắc màu trong không gian Hồ Chí Minh tại TP”, PGS TS Lâm Nhân bày tỏ.
Đồng tình với nhận định trên, TS Lê Hoàng Việt Lâm, Đại học An ninh TP.HCM cho rằng, cần nhận rõ việc triển khai thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP có nhiều điểm riêng biệt. Chất liệu để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP liên quan trực tiếp với hai cơ sở văn hóa đặc biệt gắn với Bác là Bến Nhà Rồng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM) và Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm (phường 14, Quận 5).
Bàn về các giải pháp góp phần xây dựng văn hóa, con người TP và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, NSƯT. ThS. Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho rằng, hơn lúc nào hết, việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang được xem là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Yêu cầu về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nơi mà ở đó mỗi nguời dân đều có cho mình nền tảng kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử dân tộc và có sức “đề kháng”, có “bộ lọc” trước những trào lưu văn hóa lệch chuẩn.
"Để giải quyết vấn nạn “xâm lăng” văn hóa hiện nay, ý thức của mỗi người trẻ là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia. Theo đó, mỗi người sẽ là một đại sứ văn hóa trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh và giàu bản sắc riêng là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng văn hóa, con người TP và hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy đóng góp ý kiến.