Xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) chú trọng công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới

PHI ĐIỆP| 17/12/2021 20:28

KHPTO - Xã Xuân Thới Thượng có tổng diện tích tự nhiên là 1857.17 ha, nằm về phía Tây – Tây Nam, thuộc huyện Hóc Môn, phía Bắc giáp xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Đông, phía Đông giáp xã Bà Điểm, phía Nam giáp xã Vĩnh Lộc A, phía Tây giáp xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Các trục lộ giao thông chính gồm đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa, Phạm Văn Sáng, Dương Công Khi, Trần Văn Mười phục vụ giao thông liên vùng với mật độ lưu thông cao, đặc biệt là tuyến đường Phan Văn Hớn. Xã phân chia làm 7 ấp, với 148 tổ nhân dân, tổng dân số toàn xã hiện nay là 52.213 nhân khẩu với 12.056 hộ dân (trong đó, số nhân khẩu thường trú là 28.342; số nhân khẩu tạm trú là: 23.871).

Thực hiện Chương trình hành động số 10 – CtrHĐ/HU ngày 22/2/2016 của Huyện ủy về duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các cấp ủy và các tổ chức chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị tập trung công tác tuyên truyền, vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện nâng chất 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã thông qua sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, tổ nhân dân hàng quý; tổng cộng có 252 cuộc tuyên truyền với 21.316 lượt người tham dự.

Ngoài ra, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gắn với việc thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, có 142 đoàn viên, hội viên tham gia.

Thực hiện tuyên truyền trên 3 cụm pano, 30 băng rôn, 1 bảng điện tử, 8 bảng tuyên truyền Quyết định số 6182/QĐ-UBND, Quyết định 5039/QĐ-UBND tại trụ sở UBND xã và Ban nhân dân 7 ấp; 7 bảng tuyên truyền về tiêu chuẩn xã, ấp, hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa tại 7 ấp.

Sau khi Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã giai đoạn 2016 - 2020 được thành phố phê duyệt (tháng 4/2018), Ban quản lý xã đã phân công từng thành viên Tiểu ban tuyên truyền thực hiện 53 cuộc triển khai, phổ biến nội dung trọng tâm của Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1682/QĐ-UBND của UBND TP.HCM; Quyết định số 6182/QĐ-UBND; Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND với 4.496 người tham dự gồm ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, cấp ủy chi bộ, ban nhân dân dân ấp, tổ nhân dân và hộ dân cư trú trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, xã còn cho phát thanh tuyên truyền tóm tắt nội dung “Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã giai đoạn 2016 - 2020”, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10 phút. Thực hiện in ấn 10.000 tờ bướm tuyên truyền tóm tắt nội dung chính của Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã giai đoạn 2016 - 2020; in ấn 10.000 tờ bướm tuyên truyền về thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động gắn với thực hiện tiêu chí 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm; in ấn 15.000 Sổ tay hướng dẫn phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội năm 2019 gắn với thực hiện tiêu chí 19 - Quốc phòng và an ninh và đã phát đến tất cả hộ dân trên địa bàn xã được biết và thực hiện.

Tiếp nhận và phát hành đến từng hộ dân trên địa bàn xã 8.000 tờ tài liệu tuyên truyền Bộ tiêu chí về Hộ gia đình - ấp - xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn vùng nông thôn thành phố giai đoạn 2016 - 2020; 8.500 tờ tài liệu tuyên truyền Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 9/11/2018 của UBND TP.HCM về điều chỉnh bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn theo đặc thù vùng nông thôn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 5134/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 của UBND TP.HCM về Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn nông thôn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020.

Qua triển khai tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như trên, mọi người dân trên địa bàn xã đều hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới là làm cho chính mình từ đó người dân có trách nhiệm tham gia chung sức cùng chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy rằng, khi bắt đầu triển khai đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới xã (giai đoạn 2016 - 2020) với thực trạng xã đạt 7/19 tiêu chí được đánh giá theo Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.HCM ban hành theo Quyết định số 6182/QĐ-UBND. Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay xã Xuân Thới Thượng đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và hiện đang thực hiện quy trình thẩm định, đề xuất công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.HCM (Quyết định số 5039/QĐ-UBND của UBND TP.HCM).

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới để tiếp tục nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, xã Xuân Thới Thượng cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân, các hộ nghèo thoát nghèo bền vững:

1. Xã cần tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương là rau an toàn. Tập trung phát triển theo hướng hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát triển vùng trồng rau an toàn, tập trung, chuyên canh với việc chú trọng áp dụng các biện pháp canh tác an toàn theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP. Trao đổi, chuyển giao kỹ thuật canh tác hữu cơ, áp dụng khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất để mang lại giá trị kinh tế cao trên một đơn vị sản phẩm. Liên kết với các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có thể tham gia vào Chương trình OCOP.

2. Xác định và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông cho người dân, cộng đồng, các chủ thể sản xuất trên địa bàn xã hiểu về Chương trình OCOP, mục đích và ý nghĩa của Chương trình, thủ tục trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

3. Triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương và TP.HCM nhằm hỗ trợ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp như: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của HĐND TP.HCM về kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017của HĐND TP.HCM về ban hành quy định về khuyến khích chuyền dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông.

4. Khuyến khích người dân thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nhằm liên kết phát triển sản xuất. Củng cố, hỗ trợ các Hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động ổn định, xây dựng thành công mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

5. Tăng cường hướng dẫn, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, cho năng suất cao phù hợp với phát triển đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) chú trọng công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO