Tài chính

Việt Nam có số vụ lừa đảo về tài chính nhiều nhất Đông Nam Á

Bình Minh 07/11/2023 - 11:22

Việt Nam là một trong những quốc gia bị xâm phạm dữ liệu, dẫn tới việc xảy ra các vụ lừa đảo tài chính nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Hội thảo khoa học về chủ đề “Dữ liệu cá nhân trong dòng chảy kinh tế số Việt Nam” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Tại sự kiện, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết thông tin trong báo cáo Data Breach Report năm 2022 chỉ ra rằng, Việt Nam có hơn 400 triệu vụ xâm phạm dữ liệu.

Trong khi đó, thống kê của Kaspersky cũng cho thấy, trong năm 2022, hãng bảo mật này đã chặn hơn 43 triệu vụ lừa đảo tài chính ở khu vực Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 17.847.857, cứ 8 người thì có 1 người bị xâm phạm dữ liệu.

ngotanvukhanh-7.jpg
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh trình bày tại hội thảo. Ảnh: Lê Mỹ/Vietnamnet

Ông Khanh chia sẻ 4 nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bị xâm phạm dữ liệu, đó là việc rò rỉ dữ liệu đến từ: Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến Internet (SNS, Ecom…); Doanh nghiệp của chính cá nhân đang làm việc; Các kết nối với thiết bị và hệ thống (IoT, camera, cảm biến); Dữ liệu cá nhân sở hữu (offline và online).

Đáng chú ý, hiện nay việc bị rò rỉ từ các kết nối thiết bị và hệ thống IoT, camera và các cảm biến là hoàn toàn không thể né tránh cũng như không kiểm soát được.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh đưa ra lời khuyên, để bảo vệ dữ liệu của mình, điều đầu tiên mọi người cần làm là tìm đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có danh tiếng, đầy đủ các chính sách về bảo mật; Có khả năng xác thực, tuỳ biến cấu hình bảo mật cá nhân hoá; Mã hoá dữ liệu đầu cuối. Đối với doanh nghiệp, các cá nhân đang làm việc cần tuân thủ các quy định về quản trị dữ liệu; chuẩn hoá các quy trình, ISO…

Đối với dữ liệu cá nhân sở hữu, người dùng cần ý thức khi chia sẻ với mọi người, cũng như mức độ tin tưởng họ đến đâu; Suy nghĩ trước khi đăng bài, chịu trách nhiệm về những gì mình chia sẻ; Đặc biệt, cần đảm bảo rằng không gắn thẻ ảnh ở các địa điểm cụ thể thường xuyên ghé thăm, không hiển thị dữ liệu cá nhân trên ảnh chia sẻ; Hiểu ứng dụng nhắn tin an toàn và ứng dụng nào có mã hoá đầu cuối; Đầu tư khôn ngoan vào các thiết bị thông minh, không ham các thiết bị giá rẻ và mua sắm trực tuyến tại các nơi tin cậy. Khi duyệt web, người dùng cũng cần sử dụng các trình duyệt ẩn danh, sử dụng mạng riêng ảo VPN, thay đổi vùng địa phương trên điện thoại.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, cho biết hiện không ít đối tượng sử dụng dữ liệu số cá nhân để kinh doanh và trục lợi phi pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi chính đáng của người dân.

Chính vì vậy, việc xây dựng cơ chế chính sách đạt được sự cân bằng quyền lợi các bên, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế số và quản trị bảo mật dữ liệu cá nhân đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Bảo mật dữ liệu cá nhân là vấn đề mang tính toàn cầu, trên không gian số xuyên biên giới, nên không chỉ tập trung vào lĩnh vực luật hay kinh tế mà cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có số vụ lừa đảo về tài chính nhiều nhất Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO