Ứng dụng AI giúp cán bộ, công chức hoạt động hiệu quả trong kỷ nguyên số
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh tinh gọn bộ máy sẽ giúp cán bộ, công chức giảm thiểu công việc thủ công, từ đó tập trung vào công tác chuyên môn, tăng cường đi cơ sở và gần gũi với người dân hơn.
Ngày 22/3, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức chương trình thử nghiệm bồi dưỡng nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn Thành phố, năm 2025.

Chương trình được tổ chức trong bối cảnh triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, tập trung vào định hướng tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và thực hiện chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước.
TP.HCM tăng cường trang bị thêm kiến thức AI cho cán bộ, công chức
Tại buổi lễ, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết AI đang và sẽ trở thành công nghệ quan trọng trong thế kỷ 21. Bên cạnh đó, AI cũng kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề của các quốc gia trên thế giới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Cũng theo ông Thắng, các mô hình của AI đang ngày càng trở nên linh hoạt hơn, từ việc tổng hợp hợp thông tin, xử lý dữ liệu đến sáng tạo nội dung.

Tại Việt Nam, AI đã trở thành một xu hướng và ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Những khái niệm trước đây tưởng chừng như trừu tượng, nay đã trở thành hiện thực. Ông Thắng dẫn chứng, hiện nay tại Việt Nam, một số nhà máy đã hoạt động mà không cần ánh sáng, ứng dụng AI và vận hành hoàn toàn bằng robot.
Ông Thắng cho rằng, AI không chỉ ứng dụng trong sản xuất mà còn trong công tác quản lý hành chính, phổ biến như chat bot. Hiện nay, các cơ quan hành chính tại TP.HCM đã ứng dụng AI nhiều. Trong đó, nhiều lãnh đạo của Thành phố đang ứng dụng ChatGPT để tư vấn, tổng hợp thông tin. Nhiều cán bộ lãnh đạo dùng AI, trợ lý ảo để viết bài phát biểu. Nhiều cán bộ cơ sở dùng AI tạo sinh giúp tổng hợp thông tin, học kiến thức mới.
Trong thời gian qua, Thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ. Khi Nghị quyết 57 được ban hành, Thành phố càng đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ, công chức, đặc biệt là trang bị kiến thức và kỹ năng trong thời đại chuyển đổi số. Mục tiêu là nâng cao chất lượng công việc, cải thiện năng suất lao động và tiết kiệm thời gian.
AI - trợ thủ của cán bộ, công chức khi tinh gọn bộ máy
Theo ông Thắng, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các phường, xã, thị trấn, quận, huyện và tỉnh thành, khối lượng công việc của cán bộ, công chức, đặc biệt là ở cấp tỉnh và cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Diện tích, quy mô công việc, mật độ dân số và số lượng người cần phục vụ sẽ gấp nhiều lần so với hiện tại.
Trong điều kiện đó, ông Thắng cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đặc biệt là AI trong giải quyết công việc sẽ ngày càng quan trọng. Do vậy, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức lớp đào tạo đầu tiên, với mục tiêu thử nghiệm nhưng đi thẳng vào vấn đề sử dụng AI để giúp con người làm việc hiệu quả hơn, nâng cao năng suất lao động.
Lớp đào tạo đầu tiên sẽ tập trung vào các xu hướng phát triển của AI, đặc biệt là những ứng dụng của AI trong công việc hàng ngày, như tổng hợp dữ liệu, xử lý văn bản, tự động trả lời thông tin và tự động hóa các quy trình thủ công.
Việc ứng dụng AI sẽ giúp cán bộ, công chức giảm thiểu công việc thủ công, từ đó có thể tập trung vào các công tác chuyên môn, tăng cường đi cơ sở, gần gũi với người dân hơn và đặc biệt là dành thời gian cho những hoạt động sáng tạo và có giá trị cao hơn.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM

Tại chương trình, ông Nguyễn Bắc Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết hiện nay công việc của cán bộ, công chức đang gặp nhiều áp lực. Sắp tới, việc sắp xếp lại các phường, xã, thị trấn và không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện sẽ khiến áp lực công việc tăng thêm. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Nội vụ TP.HCM đã tham mưu chương trình đào tạo để thực hiện Nghị quyết 57, nhằm ứng dụng công nghệ đúng nghĩa và thực chất.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết khi sử dụng công nghệ AI để vẽ bản đồ tinh gọn bộ máy quận, huyện, việc này được AI thực hiện nhanh chóng.
"Nếu làm thủ công, có thể mất vài tháng vẫn chưa hoàn thành. Vì vậy, chúng ta cần ứng dụng công nghệ để giải quyết công việc nhanh chóng và tiết kiệm thời gian tối đa", ông Nam nhấn mạnh.
Tham gia lớp tập huấn, chị Nguyễn Thị Bích Thủy - hiện là công chức văn hóa xã hội tại UBND Phường 4 (Quận 3, TP.HCM) - cho biết công việc hàng ngày của chị chủ yếu liên quan đến xử lý thủ tục hành chính và hỗ trợ các chính sách cho người dân. Việc hướng dẫn người dân sử dụng thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến cũng gặp nhiều trở ngại. Qua lớp học này, chị kỳ vọng có thể giảm thiểu công việc hành chính giấy tờ và hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục trực tuyến, sử dụng công nghệ AI.
"Tôi mong muốn rằng không chỉ công việc của bản thân sẽ được cải thiện, mà còn giúp người dân tiếp cận các ứng dụng mới. AI sẽ hỗ trợ trong các công việc như: báo cáo, xử lý văn bản, lập danh sách, thống kê và tạo biểu mẫu, từ đó giúp công việc trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn", chị Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ.
Ứng dụng AI ngay sau buổi học
TS. Nguyễn Hồng Bửu Long - Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM - cho biết các buổi học sẽ đi vào chuyên sâu hơn, từng bước và cụ thể để mọi người đều có thể ứng dụng được AI.
Hiện nay, các sở, ban, ngành đã ứng dụng AI ở mức tổng quát và mục tiêu tiếp theo là đưa vào ứng dụng chi tiết hơn, giúp cán bộ, công chức có thể sử dụng AI như một trợ lý riêng, từ đó tiết kiệm thời gian.
"AI đang trở nên phổ biến và các chuyên đề sẽ hướng đến việc áp dụng ngay lập tức vào công việc, sau đó sẽ mở rộng sang các công cụ chuyên sâu hơn để hỗ trợ tốt hơn. Với buổi học hôm nay, các học viên có thể áp dụng ngay kiến thức vào công việc của mình", TS. Nguyễn Hồng Bửu Long chia sẻ.