Triển lãm quốc tế công nghệ đóng gói, đồ uống, ngành nhựa và cao su
Chuỗi triển lãm quốc tế quy mô lớn về công nghệ đóng gói, đồ uống, ngành nhựa và cao su với sự tham dự của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ vừa khai mạc sáng 18/3 tại TP.HCM.
Chuỗi triển lãm quốc tế: ProPak Vietnam 2025 – Triển lãm lần thứ 18 về công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì; Plastics & Rubber Vietnam 2025 - Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về nguyên phụ liệu, thiết bị, máy móc ngành nhựa và cao su; DrinkTech Vietnam 2025 - Triển lãm quốc tế lần thứ 2 về công nghệ kỹ thuật đồ uống được diễn ra trong 3 ngày, đến hết 20/3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP.HCM).

Ngành bao bì, nhựa và cao su đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ
Ông Ben Wong, Tổng giám đốc Informa Market Vietnam - đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, ProPak Vietnam 2025 mang đến cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến, trải nghiệm trực tiếp các vật liệu bao bì hiện đại và khám phá giải pháp bền vững, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và đón đầu xu hướng phát triển xanh. ProPak Vietnam 2025 có quy mô 12.000m², triển lãm quy tụ hơn 360 đơn vị trưng bày đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm chủ nhà Việt Nam, Anh, Áo, Ấn Độ, Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan, Indonesia, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Phần Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Trong 3 ngày diễn ra, ProPak Vietnam 2025 sẽ trưng bày những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực bao bì, chế biến thực phẩm, công nghệ đồ uống, nguyên vật liệu, dược phẩm, logistics và chuỗi cung ứng lạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cập nhật xu hướng, mở rộng quan hệ hợp tác và tìm kiếm giải pháp tối ưu nâng cao hiệu suất sản xuất.
Đại diện đơn vị đồng tổ chức, bà Lê Thị Như Hạnh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bao bì Việt Nam, cho rằng sự kiện không chỉ là nơi trưng bày các công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất mà còn là một cầu nối quan trọng, quy tụ hơn 400 thương hiệu cùng các chuyên gia hàng đầu trong ngành. Đây chính là cơ hội quý giá để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, cập nhật xu hướng mới và tìm kiếm các đối tác chiến lược. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, ngành bao bì, nhựa và cao su đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tự động hóa, tối ưu hóa sản xuất và phát triển bền vững. Những yêu cầu về chất lượng, thân thiện môi trường và tiết kiệm chi phí đang đặt ra thách thức, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hướng tới ngành công nghiệp xanh, tuần hoàn và có trách nhiệm hơn
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam cho biết, triển lãm Plastics & Rubber 2025 không chỉ là nơi để các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm và kết nối kinh doanh, mà còn là dịp để cùng thảo luận về tương lai bền vững của ngành.
Trong những năm qua, ngành cao su và nhựa Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Theo thống kê, ngành nhựa Việt Nam đạt doanh thu khoảng 25 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10-12%. Ngành cao su cũng không kém phần quan trọng khi xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD/năm, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới. Triển lãm Plastics & Rubber Vietnam 2025 chính là Điểm hẹn kết nối ngành nhựa, cao su Việt Nam, mở ra cơ hội giao thương, trao đổi và học hỏi với hơn 440 gian hàng đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, ngành cao su – nhựa cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường. Việc tiêu thụ nhựa ngày càng gia tăng kéo theo vấn đề về rác thải nhựa và nhu cầu tái chế bền vững. Đây chính là lúc chúng ta cần sự chung tay của tất cả các bên để hướng tới một ngành công nghiệp xanh, tuần hoàn và có trách nhiệm hơn”, ông Trần Việt Anh chia sẻ.

Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị tái chế và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy việc thu gom và tái chế chất thải nhựa, cao su; thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành.
“Một trong những vấn đề quan trọng mà Hiệp hội đang theo sát là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là cơ chế buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với vòng đời sản phẩm của mình, từ sản xuất đến thu hồi và tái chế. Việc thực hiện tốt EPR sẽ giúp ngành cao su – nhựa giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực tái chế phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Đồng hành cùng hai triển lãm quốc tế, triển lãm DrinkTech Vietnam 2025 là nơi hội tụ những công nghệ, thiết bị và giải pháp tiên tiến dành riêng cho ngành đồ uống, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam. Nằm trong triển lãm còn có hội thảo chuyên ngành, giúp các nhà sản xuất và kinh doanh trong ngành cập nhật xu hướng thị trường, công nghệ tiên tiến và những giải pháp bền vững đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu.