Tài chính

TP.HCM: Tín hiệu khởi sắc từ sản xuất - kinh doanh đến hoạt động bán lẻ

Diệu Thảo 15/03/2025 - 07:10

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tháo gỡ các điểm nghẽn được xem là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế TP.HCM.

du-no-tin-dung.jpg
Tín dụng tại TP.HCM vẫn tích cực

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025 với chủ đề "Giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%" diễn ra ngày 13/3/2025, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh khu vực 2 cho biết, hai tháng đầu năm 2025, tín dụng tại TP.HCM vẫn có tín hiệu tích cực.

75% vốn tín dụng đã được giải ngân vào sản xuất - kinh doanh

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, khoảng 75% vốn tín dụng này đã được giải ngân vào sản xuất - kinh doanh. Các tổ chức tín dụng cũng đang triển khai hiệu quả gói vay 30.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Đặc biệt, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2025 sẽ có đổi mới. Thay vì các cấp quận, huyện chủ trì như ba năm trước, các tổ chức tín dụng sẽ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng.

Tại TP.HCM, NHNN chi nhánh khu vực 2 hiện đang phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đồng thời đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thông qua các gói tín dụng ưu đãi. Các lĩnh vực trọng điểm như nông - lâm - thủy sản, nhà ở xã hội, chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao hay cà phê đều được ưu tiên hỗ trợ.

ts-tran-du-lich.jpg
TS.Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế chia sẻ tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025

Đánh giá thêm về vai trò của dòng vốn tín dụng, TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2025 phụ thuộc lớn vào dòng vốn tín dụng. NHNN dự kiến tăng 16% tổng dư nợ tín dụng, tương đương khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Lượng vốn khổng lồ này nếu được bơm vào nền kinh tế sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho tổng cầu. Ngược lại, ông Trần Du Lịch cảnh báo "Nếu dòng vốn không chảy vào sản xuất - kinh doanh mà đổ vào chứng khoán hay bất động sản, nguy cơ tăng trưởng ảo và bong bóng tài chính, như giai đoạn 2016 là rất cao."

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn

TS. Trần Du Lịch đề xuất, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam cần dựa vào các động lực khác, đặc biệt là tổng đầu tư toàn xã hội từ những năm trước. Riêng với TP.HCM, cần ưu tiên tháo gỡ các điểm nghẽn của các dự án tồn đọng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) xác nhận, một trong những điểm nghẽn quan trọng mà doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ là vấn đề thủ tục hành chính. Bởi như hiện tại, khi có một vấn đề cần giải quyết, doanh nghiệp phải lấy ý kiến của nhiều sở, ngành, có khi lên đến hơn 10 đơn vị và phải chờ đợi phản hồi. Mỗi khâu xử lý mất khoảng một tuần, thậm chí từ 10 -15 ngày, khiến quy trình trở nên rườm rà và kéo dài. Do đó, cần nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan.“Điều quan trọng là phải quy định rõ ràng về thời gian xử lý cho tất cả các bên liên quan, qua đó nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hòa nhấn mạnh.

Khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) công bố cuối tháng 2.2025 cho thấy, có đến 37% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang rơi vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh. Khoảng 59% số doanh nghiệp tham gia khảo sát mong muốn được hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất. Đây cũng là nội dung mà doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị nhiều nhất.

Công suất mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM vẫn ở mức cao

mat-bang-ban-le.jpg

Báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam cho biết, công suất mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM vẫn ở mức cao, đạt 93.5%. Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Việt Nam, nguyên nhân là người Việt Nam có văn hóa bán lẻ truyền thống đặc trưng, trong đó các cửa hàng tạp hóa hay không gian bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của người dân. Chưa kể, không gian bán lẻ không chỉ là nơi giao dịch hàng hóa mà còn là điểm kết nối và xây dựng cộng đồng. Do đó, bất chấp thương mại điện tử (TMĐT) gia tăng, các cửa hàng bán lẻ vẫn sẽ giữ vị trí nhất định trong thị trường.

Thực tế, với nhiều tiện ích như mua sắm nhanh chóng, đa dạng sản phẩm, dễ dàng so sánh giá cả..., thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. Nghiên cứu của YouNet ECI và YouNet Media dự báo, tổng giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam có thể đạt mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028. Tuy nhiên, TMĐT vẫn tồn tại những hạn chế về trải nghiệm khách hàng như chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng.Vì thế, bán lẻ truyền thống với hệ thống cửa hàng vật lý vẫn giữ vai trò quan trọng nhờ mang đến trải nghiệm trực quan, dịch vụ tư vấn trực tiếp và tạo dựng niềm tin cho khách hàng.

Xu thế mới trên thị trường bán lẻ hiện nay là bán lẻ trực tuyến kết hợp với bán lẻ truyền thống. Ông Matthew Powell nhận thấy “Việc kết hợp hai hình thức bán lẻ này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi thế của cả hai, vừa tận dụng được công nghệ số để mở rộng quy mô, vừa đảm bảo trải nghiệm toàn diện cho người tiêu dùng”.

Hiện tại, các thương hiệu bán lẻ như Thế giới Di Động, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op (với chuỗi siêu thị Co.opmart), Central Group (chuỗi siêu thị GO/BigC), Winmart, Lotte, Aeon.... đều đang đầu tư mạnh vào mô hình tích hợp này. Tuy nhiên, theo Savills, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng nguồn cung mặt bằng bán lẻ, đặc biệt các trung tâm thương mại chất lượng tại Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về công năng của mặt bằng từ các thương hiệu. So với các nước như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, mặt bằng bán lẻ của Việt Nam còn khiêm tốn về quy mô, chất lượng và trải nghiệm. Tình hình có thể cải thiện khi trong tương lai, như tại TP.HCM, ước tính sẽ có 12 dự án dự kiến gia nhập thị trường với tổng 165.429 m2, tăng 3% mỗi năm (giai đoạn 2025-2027).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Tín hiệu khởi sắc từ sản xuất - kinh doanh đến hoạt động bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO