TP.HCM: Quản lý nhà nước về đầu tư công còn nhiều hạn chế

Khởi Giao| 24/08/2022 10:26

KHPTO - Một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ. Một số chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm.

Sáng 24/8, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình về pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP.HCM. Tham dự có ông Phan Văn Mãi - Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các sở ngành của TP; chủ trì phiên giải trình là bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Chậm lập dự án, chậm giải phóng mặt bằng

Hàng loạt hạn chế đã được báo cáo. Trong đó, về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, phê duyệt điều chỉnh dự án, một số chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định.

Người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án nhưng không căn cứ vào kết quả giám sát, đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. Một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức quy định đã được phát hiện và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

TP.HCM xác định một số nguyên nhân chính chính ảnh hưởng đến dự án như sau: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan.

Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục; chưa đôn đốc các nhà thầu liên quan hoàn thành đúng thời gian theo quyết định phê duyệt dự án; công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu hoàn thành.

Một số chủ đầu tư chậm đôn đốc, không theo dõi, chỉ đạo xử lý các vấn đề đã phát hiện của UBND TP.HCM, của các cơ quan có thẩm quyền ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý dự án đầu tư công.

Nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng từ 21% - 52%

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỷ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của TP.HCM.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 21.895 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng 10%), vốn ngân sách TP.HCM là 150 ngàn tỷ đồng.

UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 cũng như 6 Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết này để phân bổ nguồn vốn trên.

Trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND, UBND TPCM đã giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016 - 2020 là 138.472 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của TPCM được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535 ngày 15/9/2021 là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỷ đồng).


Từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách Thành phố là 302.839,6 tỷ đồng gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 06 dự án nhóm A. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp của TP.HCM để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016 - 2020.

UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết số 99 ngày 19/10/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 142.557 tỷ đồng, bao gồm vốn từ nguồn bội chi ngân sách Thành phố: 14.873,1 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách Thành phố: 127.683,9 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 là 521 dự án được bố trí tổng số vốn là 24.742 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,5% tổng số vốn trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách Thành phố (150.000 tỷ đồng), trong đó 324 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1.278 dự án được bố trí tổng số vốn là 57.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,3% tổng số vốn trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách Thành phố (150.000 tỷ đồng), trong đó 456 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Giai đoạn 2021 – 2025, số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 là 1.191 dự án (không bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) được bố trí tổng số vốn là 67.853 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách Thành phố (142.557 tỷ đồng), trong đó đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A.

Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định. Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực.

TP.HCM đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều hạng mục công trình giao thông trọng điểm như: Cảng Cát Lái, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông An Sương, nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm...

Qua đó kết hợp với các nhóm giải pháp khác từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân TP.HCM; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được cải thiện qua từng năm, điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm qua từng năm.

TP.HCM đã tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối vùng như đường Vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Quốc lộ 50, nút giao An Phú, các dự án nạo vét đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa,..

Công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đã góp phần lớn việc giảm tải và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong giai đoạn đầu tư công 2016 – 2020, tổng số giường bệnh xây mới là 878 giường, thay thế 1.360 giường và đầu tư phát triển theo định hướng chuyên khoa sâu kỹ thuật cao cho các bệnh viện tuyến thành phố, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế TP.HCM.

Từ đó đạt chỉ tiêu 42 giường bệnh/10.000 dân số theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành Giáo dục đã tích cực triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp có tính đột phá để đổi mới toàn diện ngành giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu hội nhập.

Tổng số phòng học đã được đầu tư sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 7.478 phòng học xây mới. Đến cuối năm 2020 đã đạt 292 phòng học/10.000 dân so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã rất quan tâm đầu tư vào các thiết chế văn hóa thể thao với 71 dự án công trình văn hóa thể thao được bố trí vốn triển khai, trong đó đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình văn hóa thể thao trọng điểm như Dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, vũ kịch, Dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ,…

Việc đầu tư hoàn thành các dự án nêu trên đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ đa dạng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí cho nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân thêm phong phú, làm giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM.

Trong công tác đầu tư các tuyến đường ngập do mưa, đối với tuyến đường trục chính, đã giải quyết được 25/36 tuyến, đạt 69,44% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với các tuyến đường, hẻm do UBND quận - huyện quản lý, đã hoàn thành 179/179 tuyến đường, hẻm ngập đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 – 2020; ngoài ra, đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước các đường chính.

Công tác đầu tư các tuyến đường ngập do triều cường: Đối với tuyến đường bị ngập do triều cường, đến cuối năm 2020 giải quyết được 9/9 tuyến đường, đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng cộng lượng nước thải qua xử lý là 316.200/3.076.000 m3/ngày, đạt tỉ lệ 10,28%. Hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày); đang thi công các nhà máy Bình Hưng, giai đoạn 2 (nâng công suất nhà máy từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày), Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công suất 480.000 m3/ngày) và tuyến cống bao sẽ đáp ứng lượng nước thải qua xử lý là 1.381.900/3.076.000 m3/ngày, đạt tỉ lệ 45%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Quản lý nhà nước về đầu tư công còn nhiều hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO