TP.HCM: Họp mặt truyền thống Trường Sư phạm Tây Nam bộ
Đã hơn 60 năm kể từ khi ngôi trường sư phạm duy nhất ở Tây Nam Bộ hoạt động nhưng ký ức trong khoảng thời gian gắn bó với ngôi trường luôn thường trực, sống mãi trong tâm khảm của thầy và trò. Và mỗi khi nhắc lại, trong lòng mỗi người lại dâng trào những cảm xúc khó diễn tả bằng lời.
Ngày 7/3, Ban Liên lạc Trường Sư phạm Tây Nam bộ tổ chức họp mặt truyền thống Trường Sư phạm Tây Nam bộ (T3) thời kỳ chống Mỹ cứu nước lần thứ 8, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Đào tạo nguồn nhân lực quan trọng
Trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài việc và xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng phát triển sự nghiệp giáo dục, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Với ý nghĩa đó, Trường Sư phạm Tây Nam bộ đã ra đời.
Miền Nam gian nan mà anh dũng, một thời ghi dấu sự nghiệp dạy và học trong khói lửa đạn bom. Dưới mái trường sư phạm kháng chiến, những thế hệ nhà giáo đã trưởng thành, những người thầy vẫn cầm súng chống giặt ngoại xâm, hoa chữ luôn nở cho sự nghiệp trồng người cao cả, dựng xây lực lượng kế thừa chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
Công tác giáo dục luôn song hành cùng nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, khói lửa đạn bom không vùi dập được tinh thần hiếu học và khát vọng tri thức của những thế hệ sống trong chiến tranh.

Tại buổi gặp mặt, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban liên lạc Trường Sư phạm Tây Nam bộ cho biết: Trải qua 14 năm đào ở chiến khu, từ 1961 đến 1975, tạo, khi nhìn lại, các lứa học trò có quyền tự hào là thầy cô là những người trải qua thử thách từ lửa đạn chiến trường đến vượt Trường Sơn từ miền Bắc vào tận mũi Cà Mau, với không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ. Sau ngày Giải phóng miền Nam, nhiều cán bộ giảng dạy và học viên đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
“50 năm qua, lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tinh thần dân tộc, tính cách mạng vẫn tràn đầy trong lòng thầy trò. Những nhà giáo kháng chiến với “Tiếng hát làm át tiếng bom” cùng những bài ca đi cùng năm tháng bấy giờ đã tạo nên sự thành công cho ngôi trường đào tạo giáo viên ở rừng Tràm và rừng Đước… Cũng chính vì thế mà 50 năm qua, một lực lượng giáo viên kháng chiến làm nòng cốt trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của ngành” - Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Cuộc họp mặt truyền thống được xem như là nơi chia sẻ về các mặt từ đời sống chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cùng quá trình phấn đấu rèn luyện của những "người thầy cầm súng" năm xưa.

Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM thay mặt lãnh đạo thành phố, bày tỏ sự vui mừng và trân trọng chào mừng các đại biểu của Ban Liên lạc chọn TP.HCM làm nơi tổ chức họp mặt truyền thống. Đồng thời, gửi lời tri ân đến quý thầy cô, học viên... đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục và kháng chiến của dân tộc.
Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, trong suốt 14 năm tồn tại, vượt qua muôn vàn khó khăn, bằng sự kiên cường và hy sinh của các thầy cô, trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Dù trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, trong vô vàn hiểm nguy của bom đạn, biệt kích, sự càn quét ngày đêm của kẻ thù, nhưng nền giáo dục cách mạng vẫn phát triển, ươm mầm cho biết bao thế hệ.
Theo vị này, buổi họp mặt còn là dịp để lan tỏa tinh thần cách mạng đến với thế hệ nhà giáo hiện nay, đến sinh viên sư phạm TP.HCM - lực lượng nhà giáo trong tương lai. Qua đó, tiếp tục bồi đắp lòng yêu nước, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí kiên cường của thế hệ trẻ trong lao động, học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp “trồng người” cao cả, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Không có khó khăn nào có thể ngăn trở
Gặp lại những người bạn cũ, bà Huỳnh Thị Mỹ Huê - người từng tham gia vào quá trình đào tạo tại Trường Sư phạm Tây Nam bộ không khỏi xúc động: "Thuở ấy, chúng tôi là những giáo sinh rất trẻ khi tốt nghiệp sư phạm, chỉ vừa 15, 16 tuổi. Có ai ngờ những cô bé, cậu bé ấy làm được công tác sư phạm giữa thời khắc cam go, ác liệt nhất của cuộc chiến. Chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành và cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người cao cả… Hầu hết đã gác bút, rời bảng đen phấn trắng trở về với cuộc đời bình dị và thầm lặng bên người thân”.
“Nhìn lại người trẻ nhất năm xưa giờ đây cũng quá “thất thập”, đã lên ông lên bà. Thế hệ thầy cô, học viên Trường Sư phạm Tây Nam bộ hầu hết đã “gác bút”, rời bảng đen phấn trắng trở về với cuộc sống bình dị bên người thân. Tuy nhiên, ý chí và ngọn lửa cách mạng của những người chiến sĩ năm xưa chưa bao giờ lụi tàn trong lớp bụi thời gian. Mọi người vẫn nguyện làm cây cao bóng cả, cống hiến sức lực còn lại của cuộc đời, góp một phần nhỏ nhoi của mình vào sự nghiệp lớn “trồng người” - bà Huê tâm tình.

Chia sẻ về cuộc sống của thầy trò Trường Sư phạm Tây Nam Bộ lúc bấy giờ, ông Ngô Minh Đức - nguyên Phó ban Kinh tế Tỉnh ủy An Giang nhớ lại: Với tinh thần “tự lực cánh sinh, tồn tại phát triển”, thầy trò nhà trường trước khi học đã trở thành những công nhân, thợ xây dựng và không có khó khăn nào có thể ngăn trở được các thầy trò trong những năm tháng gian truân ấy.
“Chúng tôi luôn tâm niệm tự lực cánh sinh để tồn tại và phát triển, không có khó khăn nào có thể ngăn cản. Dù nhà ở trong rừng hay trong dân thì đều phải cùng quen với nếp sống ‘tam cùng’ (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), phải tự lực sống, tự lực xây cất trường, tự lực liên hệ, gần gũi với nhân dân” - ông Ngô Minh Đức nói.
Truyền lửa cho thế hệ tiếp nối
Nhìn lại chặng đường 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài học kinh nghiệm về xây dựng “con người” trong cuộc đấu tranh trên mặt trận giáo dục, văn hóa trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là nền móng cơ sở để cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng kế thừa, tiếp nối, phát huy trong thực tiễn sự nghiệp “trồng người” hôm nay.
“Trong 50 năm qua, cả hệ thống chính trị TP.HCM đã phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng anh hùng, chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi đầu đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thành phố tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Mỗi thế hệ nhà giáo đều đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy của sự nghiệp giáo dục. Các thầy cô trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, luôn thể hiện tính kiên trì dũng cảm, yêu nghề, yêu giáo dục. Ngày nay, các thế hệ trẻ cần tiếp tục nối bước, phát huy truyền thống tốt đẹp. Tinh thần của Trường Sư phạm T3 không chỉ sống mãi trong ký ức mà còn được, nhân rộng phát huy qua nhiều thế hệ tiếp nối mai sau.
Tại buổi họp mặt, TS Hồ Thiệu Hùng – nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng gửi gắm đến thế hệ trẻ về quyết tâm đem hết sức lực, trí tuệ, dũng cảm, dám vươn mình để xây dựng TP.HCM, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh và phát triển.
“Giờ đây, ngồi nhớ lại thuở hào hùng cách đây hơn nửa thế kỷ, tim chúng tôi vẫn rộn ràng nhịp đập thanh xuân. Thế hệ chúng tôi đã trải qua chiến tranh kéo dài, đã đổ máu xương và góp công sức vào sự nghiệp thống nhất nước nhà, giành lại hòa bình độc lập. Với những người trẻ hôm nay hãy tiếp bước, đem sức lực, trí tuệ của mình đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - TS Hồ Thiệu Hùng bộc bạch.

Thay mặt ngành giáo dục TP.HCM, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đã gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô Trường Sư phạm Tây Nam Bộ.
"Tinh thần kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của thầy cô sẽ truyền cảm hứng cho các nhà giáo trẻ có thêm niềm tin để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Trường Sư phạm Tây Nam Bộ được thành lập và tổ chức hoạt động vào năm 1961 tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với 50 học viên đến từ 6 tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Nhiệm vụ chính của trường thời là đào tạo giáo viên để phát triển mạng lưới nhà trường trong chiến khu. Trường Sư phạm Khu Tây Nam Bộ đã xây dựng được lực lượng giáo viên nòng cốt phục vụ sự nghiệp giáo dục các tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Trong 14 năm tồn tại và hoạt động (từ năm 1961 đến 1975), Trường Sư phạm Tây Nam bộ mở 14 lớp, trong đó có 7 lớp đào tạo cán bộ giáo dục và 7 lớp đào tạo giáo viên với khoảng 600 học viên thuộc khóa cán bộ giáo dục và hàng trăm giáo viên cấp 1 và 2.