TP.HCM đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số giáo dục
TP.HCM đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số giáo dục, Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời” nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Ngày 10/4, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại tại Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý”. Hội thảo nhằm thực hiện công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và đẩy mạnh thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030”.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chủ trì hội thảo. Sự kiện có sự tham dự của đại diện các Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện; hiệu trưởng các trường THPT công lập.
Đầu tư có lộ trình phù hợp định hướng, kinh phí
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý cho biết quá trình xây dựng và mua sắm trang thiết bị của nhà trường có lộ trình phù hợp với định hướng và kinh phí. Sau khi xác định nhu cầu thông qua rà soát, xem xét các nội dung, bài thực hành, các hoạt động giáo dục, chương trình nghiên cứu khoa học ở các câu lạc bộ, các lớp, các khối; nhu cầu sử dụng thiết bị của học sinh và giáo viên thì nhà trường mới thực hiện quy trình mua sắm. Khi mua sắm, trường cũng có kế hoạch theo từng năm học cụ thể. Việc khai thác, sử dụng hệ thống phòng thí nghiệm được tối ưu cho các tiết học, các bộ môn liên quan, đưa thí nghiệm vào tiết học không chỉ là tiết thực hành mà còn là công cụ cho học sinh tìm hiểu, nghiên cứu bài học, làm chủ quá trình tìm hiểu, vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang cũng cho biết: “Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục thông qua sử dụng Canvas - hệ thống quản lý học tập (Learning Management System – viết tắt là LMS) hỗ trợ đắc lực cho giáo viên quản lý quá trình học tập của học sinh và kết nối với phụ huynh; học sinh được mang thiết bị điện tử (laptop, máy tính bảng) cá nhân để tham gia học tập trong lớp; sử dụng phần mềm CRM để quản lý trang thiết bị, quản lý vận hành phòng thí nghiệm”.
Cần thay đổi nhận thức, phụ huynh đồng hành
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, chia sẻ để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thực hiện Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030”.
Cô Nguyễn Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục thì trước hết, cần phải thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Vì vậy, giáo viên cần thay đổi dần thói quen học tập của học sinh thông qua việc học tập qua hệ thống LMS nhằm xây dựng năng lực tự học cho người học. Đó cũng là một trong những mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Về vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi các trường đẩy mạnh giáo dục toàn diện để phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Hệ thống LMS giúp học sinh học tập, phát triển các năng lực cốt lõi. Vì vậy, việc trường giao nhiệm vụ trên hệ thống LMS nhằm thực hiện mục tiêu này, không đánh đồng với việc giao bài tập về nhà cho học sinh. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường xây dựng học liệu số, dạy học trực tuyến qua hệ thống LMS.
Chuyển đổi số cần có kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng
Tại hội thảo, ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận 7 cho biết, quận 7 đã thực hiện đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân. Tuy nhiên, hệ thống trường công có 1.200 phòng học mà phải “gánh” 52.000 học sinh từ mầm non đến phổ thông, trong khi đó hệ thống ngoài công lập thì 1.100 phòng học chỉ “gánh” có 18.500 học sinh. “Chúng tôi rất hạnh phúc khi được các nhà đầu tư đến để tổ chức hệ thống các trường quốc tế, tư thục từ mầm non đến THPT”, ông Thịnh chia sẻ.
Ông Thịnh cũng cho biết, quận 7 rất quan tâm đối với các trường công lập, quyết tâm xây dựng quận 7 là trung tâm y tế, giáo dục, thể dục thể thao ở khu vực phía nam của TP. “Trong lộ trình đó, lãnh đạo đã chỉ đạo cho Phòng GD&ĐT chúng tôi xây dựng đề án thành lập 1 trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại dùng chung cho hệ thống mầm non, tiểu học, THCS và THPT (40 đơn vị công lập trên địa bàn) trên diện tích khu đất 1.600 m2 nằm ngay ở khu vực Phú Mỹ Hưng với tổng số vốn đầu tư khoảng 265 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong đó, nguồn vốn xây dựng cơ bản là gần 100 tỉ đồng, số còn lại là sử dụng nguồn vốn vay kích cầu. Hiện, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh trình các dự án liên quan đến việc xây dựng trung tâm để xin ý kiến Sở GD&ĐT, từ đó hoàn thiện các bước pháp lý tiếp theo. Trung tâm sẽ giúp các em học sinh trong hệ thống trường công lập có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học”, ông Thịnh cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Bảo Quốc , Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, chuyển đổi số không phải một ngày, một hôm mà là lâu dài.
“Các trường cần triển khai gắn với điều kiện cụ thể và tầm nhìn, sứ mệnh rõ ràng, phát huy được giá trị mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chuyển đổi số mang tới. Phải suy nghĩ, xem xét lại chứ không phải là chờ TP, Sở có kế hoạch thì cứ thế thực hiện, chờ khi nào có tiền mới làm còn không có tiền thì thôi. Các trường công đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ để có định hướng, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh gắn với chuyển đổi số và giáo dục thông minh; có kế hoạch cụ thể qua từng năm và cần rà soát lại cơ sở vật chất và khai thác các trang thiết bị hiệu quả. Sở sẽ chỉ đạo tiếp để các trường thi đua chọn ra 50 trường học số và xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và đẩy mạnh thực hiện Đề án Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh.