Công nghệ

TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN

Nhật Hòa 31/05/2024 13:39

Về phát triển AI, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “Chúng tôi xác định TP.HCM sẽ trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN”.

Chiều ngày 30/5/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về chương trình chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số (KTS) và trí tuệ nhân tạo (AI) của TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Thứ trưởng Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thuý và lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT&TT, UBND TP.HCM và một số doanh nghiệp (DN) công nghệ số.

Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng TP. HCM trong chuyển đổi số, kinh tế số và AI- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc.

TP.HCM muốn trở thành trung tâm AI của khu vực

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ TT&TT đối với TP.HCM thời gian qua và cho biết TP.HCM rất quan tâm đến CĐS, nhưng chưa đạt được như mong muốn. Trong 3 trụ cột về CĐS, TP.HCM tập trung vào xây dựng chính quyền số, phát triển KTS. Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền số làm sao cho khoa học, hiệu quả, phục vụ người dân tốt nhất thì vẫn còn hạn chế..

Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng TP. HCM trong chuyển đổi số, kinh tế số và AI- Ảnh 2.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP. HCM xác định trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN.

Về phát triển KTS, tỷ trọng KTS trong GRDP qua đo lường của TP.HCM chưa cao. “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2025 là 25%, năm 2030 là 40%. Đây là bài toán đặt ra”. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

TP.HCM đặt mục tiêu lớn đối với CĐS, phát triển AI và mong muốn các đơn vị của Bộ TT&TT hỗ trợ. Nếu được, có thể thành lập tổ công tác chung giữa Bộ và UBND TP.HCM để trao đổi bàn bạc, xác định việc cụ thể để làm, hằng tháng có báo cáo. Về phát triển AI, “Chúng tôi xác định TP.HCM sẽ trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN”. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.

TP.HCM triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy CĐS

Báo cáo về tình hình CĐS của TP.HCM, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết thực hiện chương trình CĐS, TP. CM đã có nhiều giải pháp về nhận thức số, để lan tỏa đến người dân, các tổ chức, DN… TP.HCM đã xây dựng cổng CĐS, đăng tải các văn bản, chính sách, đồng thời truyền thông trên báo đài, Internet, tổ chức các buổi tập huấn...

Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng TP. HCM trong chuyển đổi số, kinh tế số và AI- Ảnh 3.

Ông Lâm Đình Thắng: TP.HCM đã ban hành Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020- 2030”.

Về thể chế, Thành uỷ TP.HCM đã ban hành chỉ thị riêng về CĐS, chiến lược dữ liệu, 3 chương trình lớn về nghiên cứu - phát triển AI, đề án hạ tầng số, hỗ trợ DN nhỏ và vừa (SME).

TP.HCM đã thành lập hơn 2.600 tổ công nghệ số cộng đồng, xây dựng 3 giải thưởng lớn về AI, CNTT-TT, sáng tạo để tạo động lực thúc đẩy cá nhân và tập thể sáng tạo lĩnh vực này, phát động giải thưởng báo chí viết về CĐS, thiết kế vi mạch.

TP.HCM cũng đã triển khai đánh giá xếp hạng CĐS các sở, ban, ngành và hàng tháng đánh giá mức độ CĐS của đơn vị.

TP.HCM cũng tăng chi ngân sách cho CĐS từ 1% lên 1,22%, có chính sách miễn giảm phí dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), ban hành chính sách khuyến khích người làm khoa học, thành lập trung tâm chính quyền điện tử. TP.HCM không có vùng lõm sóng và muốn 10.000 camera giao thông kết nối đồng bộ cho hiệu quả. TP.HCM đang vận hành kho dữ liệu dùng chung hiệu quả, dự kiến Quý 3 mở 145 tập dữ liệu trên 13 lĩnh vực.

Cổng DVCTT đã phê duyệt hơn 1.600 thủ tục hành chính, giảm 3.500 giờ làm việc.... Với quận, huyện, tỷ lệ người dân nộp DVCTT là 46%; sở, ngành là 59%.

Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, TP.HCM đã ban hành Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” (Chương trình AI) với tầm nhìn đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển KTS nhanh, bền vững.

“Xác định KTS là mũi nhọn của TP.HCM trong thời gian tới, TP.HCM đề xuất Bộ TT&TT chọn TP.HCM là nơi thí điểm mô hình phát triển KTS và hỗ trợ đánh giá KTS 6 tháng, 1 năm theo định kỳ”, ông Lâm Đình Thắng cho biết.

Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng TP.HCM phát triển KTS, AI

Về các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã trao đổi các nội dung cụ thể. Theo Thứ trưởng, TP.HCM rất quyết liệt CĐS và đã đạt được kết quả tuy còn một số vấn đề.

Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng TP. HCM trong chuyển đổi số, kinh tế số và AI- Ảnh 4.

Thứ trưởng Phạm Đức Long: Phát triển AI, TP.HCM cần quan tâm phát triển công nghiệp điện tử bởi công nghiệp điện tử giờ có cả AI.

Về các đề xuất chọn TP.HCM là địa phương thí điểm về phát triển KTS, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp. Bộ TT&TT nhất trí về phát triển thiết kế chip loại lớn, phục vụ ngành công nghiệp điện tử, song song với phát triển trung tâm dữ liệu (DC). Phát triển AI, TP.HCM cần quan tâm phát triển công nghiệp điện tử bởi công nghiệp điện tử giờ có cả AI.

Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng TP.HCM về phát triển hạ tầng năng lực tính toán, TTDL. Liên quan đến triển khai ứng dụng AI và trở thành trung tâm AI khu vực thì phải có “sandbox”. "Khác biệt là ở đó. TP.HCM chủ động xây dựng nghị quyết để triển khai thí điểm trong một khu vực, một vùng. Chỉ thí điểm mới làm được”.

Về triển khai trợ lý ảo, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đang thúc đẩy triển khai trợ lý ảo cho từng đơn vị thuộc Bộ. TP.HCM có thể nghiên cứu để triển khai trợ lý ảo cho các ban, ngành của TP.HCM để hỗ trợ cán bộ, công chức giảm tải công việc.

Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng TP. HCM trong chuyển đổi số, kinh tế số và AI- Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: TP.HCM cần quan tâm đến những mục tiêu CĐS mang tính đột phá.

Trao đổi với lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị TP.HCM cần quan tâm đến những mục tiêu CĐS mang tính đột phá. “Các công việc có thể phối hợp với các DN công nghệ số, nhà mạng cùng làm như việc 100% người dân phải có smartphone, hay tháng 9/2024 tắt sóng 2G, việc triển khai 100% dân số của TP.HCM có 4G, 5G tốc độ 100Mb. TP.HCM hãy cùng DN làm”.

Bộ trưởng cho rằng phát triển KTS cần quan tâm đến phủ rộng PC bởi PC mới là công cụ làm việc. Theo đó, cần 100% hộ gia đình có đường cáp quang, trên đó kéo theo PC hoặc laptop. “Đây mới là cái sáng tạo ra KTS. Việc này TP.HCM làm là dễ”.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ: Đã là KTS thì người dân phải có thanh toán số. 100% người dân phải có thanh toán điện tử. 100% người dân phải có chữ ký số. Hay 100% các hộ dân phải có địa chỉ số để trường hợp xảy ra hoả hoạn chỉ cần nói số nhà là phòng cháy chữa cháy có thể đến tận nhà, cũng như chuyển hàng hoá nhanh chóng. Hay đặt chỉ tiêu 100% người dân có tài khoản DVCTT.

Doanh nghiệp công nghệ số cam kết đồng hành với TP.HCM

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp công nghệ số tham dự đều cam kết sẽ đồng hành với công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và ứng dụng AI của TP.HCM. Theo đó, Viettel, VNPT, Zalo, CMC và FPT khẳng định sẽ phối hợp cùng thành phố với tinh thần cống hiến cao nhất.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Viettel đang làm việc với TP.HCM về nhiều khía cạnh của chuyển đổi số như quản lý đất đai, trung tâm điều hành thông minh - IOC.

Chúng tôi xác định không cạnh tranh mà làm việc với tinh thần cống hiến. Mong lãnh đạo TP.HCM nghiên cứu giao việc sớm”, ông Thắng nói.

Cảm ơn việc TP.HCM đã tạo nhiều điều kiện hỗ trợ, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đủ năng lực về sản phẩm, kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề của TP.HCM cũng như của đất nước. Chuyển đổi số thường đi với dữ liệu, nếu sử dụng dịch vụ của người Việt Nam, người dùng và cơ quan, tổ chức đều sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

“Doanh nghiệp phục vụ công cuộc chuyển đổi số của đất nước sẽ được nhiều thứ. TP.HCM phát triển thì người dân có thu nhập tốt hơn, ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) tự khắc sẽ tăng, doanh thu của chúng tôi đôi khi đến từ đó chứ không phải việc làm chuyển đổi số”, ông Tô Dũng Thái nêu quan điểm.

Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đưa dịch vụ công đặt xe buýt lên Zalo. Chỉ trong 1 tháng, dịch vụ này đã có 250.000 người sử dụng, cao hơn cả 4 năm trước đó cộng lại. Với thế mạnh nhờ sở hữu lượng người sử dụng lớn, Chủ tịch Zalo Vương Quang Khải đề xuất hỗ trợ TP.HCM tăng tỷ lệ người dân dùng dịch vụ công trực tuyến bằng việc tích hợp trên ứng dụng Zalo.

Một doanh nghiệp khác là CMC cũng cho biết, đơn vị này sẵn sàng cung cấp giải pháp trợ lý ảo pháp lý, đồng thời hỗ trợ TP.HCM trong việc xây dựng hạ tầng tính toán hiệu suất cao.

Trước chia sẻ của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và thiện chí đóng góp vào sự phát triển chung của TP.HCM . Theo ông Mãi, nhu cầu và khối lượng công việc chuyển đổi số của TP.HCM hiện rất lớn, cần sự chung tay giải quyết của tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển và ứng dụng AI trong khu vực, top 5 ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO