Khoa học

TP.HCM chú trọng giải pháp chuyển đổi số trong báo chí

Tuyết Mai 26/06/2024 - 19:11

Nằm trong chuỗi sự kiện Inno-coffee năm 2024 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công, thiết thực chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, vừa qua, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tổ chức hoạt động kết nối sáng tạo tháng 6/2024 với chủ đề: “Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí”.

TS. Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM – cho biết, thông qua hoạt động kết nối sáng tạo, Sở mong muốn các giải pháp có giá trị cao được báo cáo tại sự kiện lần này sẽ là cơ sở để lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện chiến lược, chọn lựa được nhiều giải pháp hiệu quả phục vụ công tác chuyển đổi số thời gian tới, thực hiện theo Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do UBND TP ban hành.

Báo chí TP với nỗ lực chuyển đổi số trong tình hình mới

Trình bày tham luận tại sự kiện, ThS. Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số (CĐS) báo chí là xu hướng tất yếu của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, báo chí TP. Hồ Chí Minh nói riêng và báo chí cả nước nói chung đã từng bước CĐS, tạo nên nét sáng tạo và dần thích nghi với bối cảnh mới. Các cơ quan báo chí Thành phố đã thực hiện CĐS từ các khâu như: sản xuất nội dung (cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung); dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, sự quan tâm của người dùng để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc/xem/nghe; đa dạng hóa các hình thức sáng tạo nội dung. Bên cạnh đó, CĐS còn thể hiện trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng, mô hình kinh doanh báo chí, mô hình tòa soạn v.v…

Cũng theo ThS. Nguyễn Minh Hải, các loại hình báo chí khác nhau đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận CĐS tương ứng. Quy chế, quy trình sáng tạo nội dung xuyên nền tảng cũng có sự khác biệt nhất định. Trong giai đoạn TP.HCM chịu tác động nặng nề và trực tiếp bởi dịch COVID-19, các cơ quan báo chí Thành phố đã chủ động và tích cực thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng khoa học - công nghệ để đáp ứng kịp thời hoạt động thông tin, tuyên truyền trong điều kiện giãn cách xã hội. Theo đó, nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức các tòa soạn trực tuyến để xử lý tin/bài từ xa, hội ý hoặc họp trực tuyến thông qua nhiều ứng dụng, nhiều nền tảng. Bên cạnh đó, do xu hướng sụt giảm của báo in, gắn với việc hạn chế trong công tác phát hành do dịch bệnh, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh xuất bản các sản phẩm báo chí trên các nền tảng trực tuyến, nhất là mạng xã hội. Và ông Hải cũng đồng thời đánh giá cao nhiều cơ quan báo chí Thành phố với việc từng bước thực hiện CĐS theo điều kiện của mình đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

ong-minh-hai_btg.jpg
ThS. Nguyễn Minh Hải nêu các giải pháp đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực báo chí ở TP.HCM.

“Việc CĐS của các cơ quan báo chí là xu thế tất yếu hiện nay, dù khó nhưng vẫn phải làm” là lời khẳng định của ThS. Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố, khi bàn về thực trạng và một số giải pháp CĐS phục vụ ngành báo chí tại TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Khanh, đối với báo chí Thành phố, CĐS trong lĩnh vực báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh ... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí và tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu, các giá trị mới. Trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng, thì các cơ quan báo chí bắt buộc phải nhanh chóng đón đầu công cuộc CĐS.

Nắm bắt nhanh chóng xu thế CĐS, từ nhiều năm qua, các cơ quan báo chí ở TP.HCM tùy theo khả năng của từng đơn vị đã quan tâm đầu tư phát triển ấn bản điện tử có số lượng lớn bạn đọc truy cập. Cho đến nay, một số cơ quan báo chí đã tiên phong về CĐS với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), lưu trữ đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data) …

Cũng theo ông Khanh, những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí công dân, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo. Nhiều cơ quan báo chí đã bước đầu CĐS khá thành công, từng bước tiến lên tòa soạn hiện đại. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện với môi trường làm việc ngày càng hiện đại hơn.

Các nỗ lực CĐS nêu trên đã góp phần giúp các cơ quan báo chí TP.HCM dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo việc đưa thông tin đến với độc giả nhanh và trung thực, khách quan, không bị gián đoạn. Quá trình CĐS cũng đòi hỏi các tòa soạn báo chí Thành phố phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, tái kết cấu phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận.

ong-khanh_ttbc.jpg
ThS. Nguyễn Văn Khanh nêu thực trạng và một số giải pháp CĐS phục vụ ngành báo chí TP.HCM tại sự kiện.

Thực trạng CĐS trong báo chí – những khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, ông Minh Hải cũng nhìn nhận, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các cơ quan báo chí Thành phố vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện CĐS, như về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu … Trong giai đoạn hiện nay, báo chí Thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tác động, đó là việc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng đa dạng, phong phú, nhanh chóng. Xu hướng sụt giảm của báo in và thay đổi cách đọc truyền thống gần như không thể thay đổi được và có chiều hướng ngày càng bị ảnh hưởng sâu rộng. Các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với hoạt động báo chí đến nay vẫn còn rõ nét ở nhiều mặt, trong đó có một số mặt báo chí bị ảnh hưởng gián tiếp do tình hình kinh tế - xã hội nói chung.

Mặt khác, báo chí Thành phố còn thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Điều này làm yếu tố bảo mật và năng lực thương mại của các cơ quan báo chí đối với các sản phẩm của mình bị ảnh hưởng không nhỏ. Xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao khiến cho việc tiếp cận thông tin báo chí của cá nhân trở nên ít đi, dòng thông tin báo chí và các sản phẩm của văn bản có thể bị chèn lấp bởi các thông tin khác. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, sai lệch, thiếu kiểm chứng trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các xu hướng trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp. Vấn đề bản quyền nội dung của báo chí đến nay vẫn chưa có giải pháp nào ngăn chặn có hiệu quả. Ngoài ra, các sản phẩm của báo chí còn bị cắt xén lợi ích bởi một số nền tảng xuyên biên giới.

hinh-toan-canh.jpg
Các đại biểu tại sự kiện.

Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Khanh cho rằng, thách thức đầu tiên chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Hiện phần lớn trong nhóm cơ quan báo chí đang sử dụng nền tảng kỹ thuật gồm máy chủ, CMS của các doanh nghiệp cung cấp; hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS và hệ thống lưu trữ đám mây (Cloud). Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít và cũng rất ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì tốn kém về tiền bạc, cũng như cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành. Hiện nay, phần lớn các hệ thống thông tin do cơ quan báo chí đang vận hành khai thác chưa được xác định cấp độ an toàn thông tin, song song với đó, các cơ quan báo chí bố trí, dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo đảm an toàn thông tin cũng chưa đáp ứng. Điều này cũng khiến các cơ quan báo chí lệ thuộc và có thể bị chi phối về nội dung và lợi ích bởi các công ty công nghệ.

Các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, tin thiếu kiểm chứng. Kế đến, các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Ông Khanh dẫn chứng, nhiều tác phẩm báo chí được biên soạn công phu, tòa soạn phải đầu tư lớn nhân lực, tài lực, thời gian, thậm chí phải đánh đổi bằng sức khỏe và sinh mạng của người làm báo thì mới có được để phục vụ độc giả và phát triển thương hiệu. Nhưng chỉ vài phút sau khi đăng/phát thì đã bị nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên Facebook và YouTube copy về, đăng trọn vẹn mà không hề xin phép, cũng không dẫn nguồn; hoặc “xào nấu” lại để đăng/phát theo ý đồ riêng, làm sai lệch nội dung, cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, gây hậu quả không nhỏ đối với cộng đồng, xã hội.

Các nền tảng nội dung xuyên biên giới (Facebook, Google, Youtube...) hiện nay đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin. Việc mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút, không bám sát tôn chỉ, mục đích ... Các nền tảng này nắm toàn quyền chi phối và thao túng thuật toán hiển thị nội dung và quảng cáo, khiến ai sử dụng nền tảng của họ sẽ phải theo “luật chơi” của họ, đương nhiên chỉ có lợi cho họ (cả về doanh thu, dữ liệu) mà không phục vụ lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Từ đây, một số giải pháp đã được đề xuất tại sự kiện nhằm đẩy mạnh thực hiện CĐS của các cơ quan báo chí trong điều kiện thực tiễn xã hội hiện nay của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung, đó là: nâng cao nhận thức và sự am hiểu về công nghệ số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai CĐS báo chí đồng bộ với chương trình CĐS quốc gia; các cơ quan báo chí phải tiếp tục chủ động phát triển các sản phẩm số theo xu hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tiễn; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh việc phối hợp với lộ trình CĐS báo chí quốc gia của Trung ương cần thiết phải nhanh chóng cụ thể hóa việc hỗ trợ về chính sách, tài chính với cơ quan báo chí Thành phố; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí Thành phố được đưa cơ sở dữ liệu về đặt tại máy chủ chung; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí; tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trong nước và quốc tế có nền báo chí số phát triển mạnh; trong điều kiện cụ thể của TP. Hồ Chí Minh, cần thiết phải có chủ trương và kế hoạch cụ thể của cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí – truyền thông Thành phố cùng sự hỗ trợ về mặt tài chính v.v…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM chú trọng giải pháp chuyển đổi số trong báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO