Khoa học

Tiến sĩ trẻ tâm huyết với hành trình tiếp nối ứng dụng Tâm lý học theo hướng hiện đại

Hoàng Tả Pháp (thực hiện) 08/04/2024 - 11:40

Là một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh tiếp nối việc khai thác, sử dụng phòng Lab Tâm lý học tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, TS Giang Thiên Vũ, giảng viên Khoa Tâm lý học đã tiếp nối các tâm huyết của trưởng nhóm GS.TS Huỳnh Văn Sơn với các kế hoạch, định hướng rõ ràng. Điều này cũng mở ra thêm khuynh hướng về ứng dụng Tâm lý học trong chuyển đổi số.

Đồng hành cùng với TS Giang Thiên Vũ là NCS.ThS Trần Chí Vĩnh Long, NCS.ThS Sầm Vĩnh Lộc, cũng là những thành viên chủ chốt đã xây dựng đề án phát triển Phòng Lab Tâm lý học và đã bắt đầu có những thành tựu đáng quan tâm…

TS Giang Thiên Vũ đã có những chia sẻ với Tạp chí Khoa học phổ thông về hành trình tham gia xây dựng, khai thác, sử dụng phòng Lab Tâm lý học đầy tâm huyết này.

ts-giang-then-vu-1.jpg
TS Giang Thiên Vũ - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Phòng Lab tâm lý sử dụng công nghệ cao

Xin chào TS Giang Thiên Vũ. Từ lúc thành lập đến khi công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên, ông có những cảm xúc và trải nghiệm như thế nào đối với một hướng đi được xem là rất mới trong bối cảnh hiện nay của ngành Tâm lý học Việt Nam?

TS Giang Thiên Vũ: Tôi đã luôn dõi theo sự hình thành và phát triển của phòng Lab từ những ngày đầu tiên, khi tôi còn là một sinh viên năm 4 chuyên ngành Tâm lý học. Ở thời điểm này, cảm xúc trong tôi là sự thích thú mong chờ vì đây là sự phát triển vượt bậc của ngành đào tạo của tôi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, tôi thi đậu đầu vào chương trình tiến sĩ Tâm lý học tại trường và may mắn được chọn là 1 trong 3 sinh viên đầu tiên của khoa Tâm lý học được trao đổi quốc tế với Trường Đại học Quốc gia Thanh Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) để làm việc, học hỏi công nghệ tại phòng Lab Tâm lý học thần kinh nơi đây với Giáo sư Wang Tzu-Hua. Cảm xúc của tôi lúc bấy giờ là sự tự hào và sự kỳ vọng rằng mình sẽ cố gắng học tập để kế thừa công nghệ để khi về nước phát triển các chiến lược vận hành và nghiên cứu khoa học tại phòng Lab.

Khi về nước sau chương trình trao đổi, tôi tiếp tục tham gia các nghiên cứu cùng các giáo sư nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục để tăng cường các công bố quốc tế và thúc đẩy quá trình thành lập quy trình vận hành phòng Lab Tâm lý học. Khi tôi tốt nghiệp tiến sĩ và được giao nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp trường về xây dựng và vận hành quy trình phòng Lab Tâm lý học theo tiêu chuẩn của nhóm nghiên cứu mạnh, tôi cảm thấy rất tự hào và đầy nhiệt huyết trong quá trình xây dựng hình ảnh và mang hình ảnh của phòng Lab đến gần hơn với người học và các nhà nghiên cứu. Đây là phòng thí nghiệm và thực hành Tâm lý học có sử dụng công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại!

ts-giang-thien-vu-thu-2-tu-trai-qua-va-sinh-vien.jpg
TS Giang Thiên Vũ (thứ 2 từ trái qua) cùng các sinh viên.

Tâm lý học phát triển năng lực tư duy sáng tạo

Ông có thể chia sẻ một số định hướng nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu từ phòng Lab Tâm lý học đến xã hội?

Trên cơ sở vận hành phòng Lab Tâm lý học (TLH), có nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng kết quả có thể đề cập là:

(a) Nghiên cứu và ứng dụng TLH xã hội và TLH xuyên văn hóa: Định hướng này tập trung vào phạm vi và những hạn chế trong việc áp dụng các lý thuyết tâm lý giữa các nhóm đa dạng về văn hóa trong các xã hội đa nguyên hiện đại. Ngoài ra, nó nhằm mục đích khám phá những điểm tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa trong các lĩnh vực tâm lý học khác nhau và các ứng dụng của nó đối với các cá nhân và nhóm trong bối cảnh Việt Nam, bao gồm một số định hướng sau:

- Thiết kế và thực hiện các nghiên cứu tâm lý văn hóa và đa văn hóa, phối hợp với các đồng nghiệp và tổ chức quốc tế, về các chủ đề tâm lý khác nhau, như sự phát triển của trẻ, tính cách, giá trị văn hóa, sự hài lòng trong cuộc sống và sức khỏe tâm thần,…

- Nghiên cứu các quá trình tiếp biến văn hóa, thích ứng tâm lý và hội nhập xã hội của các nhóm dân tộc.

- Khám phá các mối quan hệ liên văn hóa như các quá trình liên nhóm trong bối cảnh động lực thiểu số/đa số và địa vị xã hội.

- Phát triển, thực hiện và đánh giá các biện pháp can thiệp nhằm giảm bớt định kiến và thành kiến, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng tính đa dạng và các mối quan hệ tích cực giữa các nền văn hóa.

- Thúc đẩy trao đổi liên văn hóa và phát triển mạng lưới hợp tác với các cơ quan và tổ chức liên quan ở Việt Nam và nước ngoài.

(b) Nghiên cứu và ứng dụng TLH giáo dục: Định hướng này dựa trên một mô hình đa cấp liên kết lý thuyết, nghiên cứu, đào tạo và các can thiệp tâm lý học đường trong trường học, tổ chức và các môi trường. Mục tiêu nghiên cứu nhằm mục đích phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần, học tập và khả năng phục hồi trong bối cảnh trường học và gia đình, từ đó là sự kết nối và hợp tác của trường đại học với các trường học và chính quyền địa phương, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc. Một số hướng nghiên cứu hẹp có thể tham khảo gồm:

- Giáo dục và đào tạo sinh viên đại học và sau đại học, giáo viên, chuyên gia sức khỏe tâm thần và phụ huynh về các vấn đề phòng ngừa, nâng cao sức khỏe tâm thần và tạo điều kiện học tập.

- Phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình phòng ngừa ở cấp tiểu học và trung học cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường (can thiệp dựa trên bằng chứng).

- Cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn và sức khỏe tâm thần trong cộng đồng trường học và môi trường giáo dục.

- Thúc đẩy môi trường học tập tích cực, khả năng phục hồi và phúc lợi trong trường học và môi trường giáo dục nghiên cứu, ấn phẩm và sự hợp tác của trường với các trường học, chính quyền địa phương, các hiệp hội tâm lý trong nước và quốc tế hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc.

(c) Nghiên cứu và ứng dụng TLH lâm sàng: Định hướng này điều tra các hình thức chủ quan khác nhau trong mối quan hệ xã hội đương đại và thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các khái niệm lý thuyết lâm sàng và các lĩnh vực khoa học liên quan, cũng như các lĩnh vực ứng dụng, như y học, về đánh giá, can thiệp và phòng ngừa áp dụng trong y tế, giáo dục và cộng đồng. Bao gồm:

- Phát triển các chương trình giáo dục cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần và các chuyên gia liên quan trong lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng.

- Tiến hành nghiên cứu và khảo sát lâm sàng, phản đối việc tích hợp nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực y tế và khoa học liên quan, hợp tác với cộng đồng, liên quan đến đánh giá, can thiệp và phòng ngừa lâm sàng.

- Xây dựng các phương pháp nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhằm giúp HS, SV làm quen với việc giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống.

- Giám sát việc tập luyện và rèn luyện của HS, SV trong quá trình tham gia các chương trình sau đại học.

- Tăng cường đối thoại và hợp tác liên ngành giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau và có liên quan về tất cả các khía cạnh của nghiên cứu TLH lâm sàng.

- Hỗ trợ xã hội và giáo dục bất cứ khi nào cần thiết, trong các lĩnh vực nghiên cứu TLH lâm sàng trong phòng thí nghiệm.

- Thực hành tham vấn, trị liệu hoặc áp dụng liệu pháp tâm lý trong quá trình thực hành để mở rộng/làm mới các lý thuyết TLH lâm sàng đã có.

(d) Nghiên cứu và ứng dụng TLH phát triển: Định hướng này là nghiên cứu các đặc điểm, nguyên tắc cụ thể của TLH phát triển và năng lực tư duy sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực hoạt động sáng tạo của con người, đặc biệt là trong giáo dục phổ thông. Có thể đề cập đến một số định hướng nghiên cứu sau:

- Các quy luật phát triển tâm lý con người và đặc điểm tâm lý lứa tuổi.

- Tiến hành nghiên cứu thực nghiệm để khám phá các giá trị, thái độ và niềm tin của con người theo chiều dọc của sự phát triển.

- Thiết kế và thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy khả năng học tập của trẻ em và thanh thiếu niên có năng khiếu/sáng tạo/có tài, thích ứng với trường học, mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa và sự phát triển tiềm năng của chúng trong gia đình, trường học và cộng đồng.

- Phát triển mạng lưới hợp tác vì sự phát triển của trẻ em.

lab-tam-ly-hoc-2.jpg
Sinh viên thực hành tại phòng Lab Tâm lý học tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Theo ông, việc đưa vào vận hành phòng Lab Tâm lý học sẽ tạo ra những tác động như thế nào đến xã hội nói chung, ngành Tâm lý học và các chuyên ngành hẹp của Tâm lý học nói riêng?

Những kết quả nghiên cứu và thực hành từ phòng Lab sẽ là những nền tảng vững chắc giúp người học ngành Tâm lý nói riêng, xã hội nói chung có những hiểu biết đúng và sâu sắc hơn về ngành, nghề. Ví dụ, các kết quả từ nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức sẽ giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cơ chế hoạt động của bộ não, bộ não của ta sẽ nhận và phát các tín hiệu như thế nào với các kích thích từ bên ngoài, phát hiện sự nói dối, tìm hiểu xu hướng giới dựa trên việc đo kích thích xúc cảm tính dục, khả năng ghi nhớ của con người như thế nào?... Các kết quả từ nghiên cứu TLH lâm sàng cho chúng ta hiểu biết hơn về bản chất các kết quả trong quá trình tham vấn, trị liệu tâm lý thông qua tín hiệu điện não kết hợp với lượng giá hành vi. Sự đóng góp này giúp xã hội nhận thức đầy đủ hơn về TLH lâm sàng không chỉ là một khoa học thực hành, mà còn là khoa học nghiên cứu, với các bằng chứng về sự thay đổi của não bộ khi trải nghiệm các liệu pháp tâm lý, góp phần từng bước chuyên nghiệp hóa nghề tham vấn, trị liệu tâm lý ở Việt Nam.

Để việc sử dụng phòng Lab Tâm lý học được hiệu quả thì cần lưu ý những gì?

Có 3 vấn đề cần quan tâm lưu ý nhất liên quan đến việc sử dụng phòng Lab mà tôi luôn đặt khung, làm công tác tư tưởng và tuyên bố với người học và các đối tác của mình: Một là, tuân thủ đạo đức nghiên cứu khoa học và đạo đức trong thực hiện thí nghiệm/thực hành tham vấn, trị liệu tâm lý trên nhóm mẫu là con người. Hai là, tuân thủ quy trình đặt lịch, sử dụng phòng lab và vệ sinh các thiết bị tại phòng để luôn đảm bảo cơ sở vật chất tại phòng ở trạng thái tốt nhất và nhân văn với các thế hệ người học, đối tác tiếp sau. Ba là, tuân thủ quy trình bảo mật và bảo quản dữ liệu, hồ sơ sổ sách của phòng Lab và sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên phụ trách phòng.

Theo ông, ngoài lĩnh vực nghiên cứu khoa học thần kinh và nhận thức, phòng Lab Tâm lý học còn chức năng nghiên cứu nào khác không?

Trên cơ sở các định hướng nghiên cứu đề xuất, phòng Lab Tâm lý học luôn phải bám sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực Tâm lý học và các tiêu chuẩn của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục, chuyên sâu về các công nghệ đo lường, đánh giá và thực hành tâm lý: hài hòa các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo (thực hiện các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ), thực hành tham vấn/trị liệu dịch vụ, hợp tác quốc tế và trong nước.

- Một số vấn đề ưu tiên về các nghiên cứu Tâm lý học trong bối cảnh chuyển đổi số hướng đến xây dựng thành phố thông minh: năng lực NCKH số, tâm lý học trực tuyến, chăm sóc sức khỏe tâm thần bằng công nghệ số, tham vấn – trị liệu tâm lý từ xa…

- Một số vấn đề ưu tiên về nghiên cứu Tâm lý học theo định hướng nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục: các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đặt hàng từ Trường, Thành phố/Tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Nafosted,… nhất là phải tăng cường hợp tác quốc tế trong NCKH và công bố bài báo quốc tế.

- Các lĩnh vực ưu tiên phát triển ứng dụng: thực hành đo lường, đánh giá tâm lý; thực hành tham vấn, trị liệu tâm lý; thực hành giáo dục tích cực dựa trên bằng chứng; thực hành xây dựng trường học hạnh phúc dựa trên bằng chứng,…

Xin cám ơn TS Giang Thiên Vũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ trẻ tâm huyết với hành trình tiếp nối ứng dụng Tâm lý học theo hướng hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO