Giá vàng ngày 14/7: Vàng trong nước neo cao nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - EU
Sáng ngày 14/7/2025, giá vàng trong nước tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp giá vàng thế giới tăng nhẹ. Theo ghi nhận từ hệ thống SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng hiện đang ở mức 119,50 – 121,50 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn các loại cũng đi ngang, với mức giao dịch phổ biến từ 115,00 – 119,20 triệu đồng/lượng tùy theo thương hiệu.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức mua 119,5 và 121,5 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối tuần. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI cũng giữ nguyên giá vàng tương tự. Trong khi đó, giá vàng nhẫn DOJI loại 1–5 chỉ dao động ở mức mua 116,0 và bán 119,0 triệu đồng/lượng.
Công ty PNJ niêm yết giá vàng miếng Kim Bảo ở mức 119,50 – 121,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng nhẫn tại đây đang giao dịch ở mức 115,2 - 118,2 triệu đồng/lượng. Tương tự, Bảo Tín Minh Châu duy trì giá vàng nhẫn ở mức 116.200 - 119.200 triệu đồng/lượng, cao nhất trong các hệ thống lớn.
Riêng hệ thống Ngọc Thẩm có mức mua vào vàng miếng thấp nhất thị trường tại mức 118,800 triệu đồng/lượng, và bán ra thấp nhất ở 121 triệu đồng/lượng. Với vàng nhẫn, Ngọc Thẩm đang niêm yết mua vào ở mức 107,8 và bán ra 110 triệu đồng/lượng tại nhiều tỉnh, thành như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Trà Vinh, Tân An.
Ở chiều ngược lại, Mi Hồng là doanh nghiệp có mức mua vàng miếng cao nhất hôm nay với 120 triệu đồng/lượng, tuy nhiên giá bán vẫn thấp hơn mặt bằng chung, chỉ 121,3 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay theo sàn Kitco ghi nhận sáng 14/7 đạt 3.365,98 USD/oz, tăng 14,09 USD (+0,42%) so với 24 giờ trước. Quy đổi theo tỷ giá bán tại Vietcombank là 26.290 đồng/USD, giá vàng thế giới tương đương khoảng 106,30 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới khoảng 14,80 triệu đồng/lượng.
Theo các thông tin được công bố, giá vàng thế giới tuần vừa rồi chịu tác động mạnh từ các dữ liệu kinh tế Mỹ sắp được công bố, bao gồm CPI, PPI và doanh số bán lẻ tháng 6. Những chỉ số này sẽ là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – yếu tố then chốt quyết định xu hướng giá vàng.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - EU cũng góp phần củng cố vị thế của vàng như tài sản trú ẩn. Sự tăng nhẹ của chỉ số USD Index trong phiên cuối tuần trước phần nào gây sức ép lên giá vàng, do làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư nắm giữ ngoại tệ khác. Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng đà tăng của vàng vẫn còn động lực nếu bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo dài.
Khảo sát của Kitco News tuần này cho thấy giới chuyên gia có quan điểm phân hóa khi một nửa kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, trong khi nửa còn lại giữ thái độ trung lập. Nhà đầu tư cá nhân cũng có xu hướng giảm kỳ vọng tăng giá. Trong khi đó, các tổ chức lớn vẫn giữ vàng như một kênh phòng thủ trước rủi ro suy giảm tăng trưởng và nợ công toàn cầu.
Báo cáo từ Metals Focus cảnh báo dư địa giảm giá vàng trong nửa cuối năm là khá hạn chế. Nợ công của Mỹ đã vượt mốc 37.000 tỷ USD, gây áp lực lên đồng USD, qua đó hỗ trợ giá vàng về trung và dài hạn.