Thú vui độc lạ chào đón năm mới của các dân tộc trên thế giới
Từ Á sang Âu, từ truyền thống đến hiện đại, các dân tộc trên thế giới có nhiều hình thức ăn mừng rất đa dạng trong dịp chào đón năm mới.
Phong tục chào đón năm mới xưa và nay
* Lễ hội được Wepet Renpet của người Ai Cập cổ đại
Văn hóa Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nile nên tục đón năm mới gắn liền với hiện tượng lũ lụt hằng năm của sông Nile. Năm mới của người Ai Cập được dự đoán khi Sirius - ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, lần đầu tiên xuất hiện sau 70 ngày vắng bóng, thường xảy ra vào giữa tháng 7, ngay trước trận lũ lụt hằng năm của sông Nile, giúp năm mới mùa màng bội thu.
Người Ai Cập kỷ niệm sự khởi đầu mới này bằng lễ hội có tên Wepet Renpet (mở cửa năm mới). Đây là thời điểm của sự tái sinh và trẻ hóa, được tôn vinh bằng những bữa tiệc linh đình và nghi thức tôn giáo đặc biệt mang màu sắc văn hóa nông nghiệp.
Khi chòm sao Sirius lần đầu xuất hiện trở lại sau thời gian vắng bóng trên bầu trời đêm, năm mới của người Ai Cập cổ đại chính thức bắt đầu. Theo các nghiên cứu, do đồng bằng sông Nile bị ngập lụt khiến công việc đồng áng đình trệ trong thời gian này, nên họ được thoải mái tham gia lễ hội.
Tết Nguyên đán gắn liền với truyền thuyết Nian của người Trung Quốc
Một trong những truyền thống lâu đời nhất vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay của người Trung Quốc là tục đón năm mới gắn liền với truyền thuyết Nian. Đây là một trong những sự kiện trọng đại, được cho là có từ thời nhà Thương, tức cách đây khoảng ba thiên niên kỷ.
Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Nian (bính âm là Niên) nghĩa là "năm" hoặc "năm mới", là sinh vật to lớn có thân hình bò đực, đầu sư tử, với cái hàm khổng lồ, đủ rộng để nuốt chửng vô số người cùng một lúc. Quái thú Nian là nỗi ám ảnh mỗi dịp năm mới cận kề nên mỗi khi giao thừa đến, không ai dám ra ngoài. Chuyện như vậy cứ lặp đi lặp lại mỗi dịp Xuân về cho đến khi có một ông lão kỳ lạ từ phương xa tới vào dịp năm mới.
Đêm đến, Nian hùng hổ bước chân vào làng trong cơn khát máu, điên cuồng phá hoại nhà cửa, giết hại gia súc. Khi đến ngôi nhà có ông lão trong đó. Nian chợt khựng lại vì lo lắng, bên ngoài nhà dán đầy giấy đỏ còn trong phòng thì thắp nến sáng rực... Bất ngờ, ông lão xuất hiện cùng bộ đồ đỏ, cười thật lớn trong tiếng pháo nổ râm ran. Thấy vậy, quái thú hoảng sợ, chạy một mạch về hang.
Hóa ra, Nian có ba nỗi sợ lớn là màu đỏ, lửa và tiếng ồn. Sau khi ông lão giúp dân làng trừ họa, mỗi dịp Tết đến, người Trung Quốc lại dán câu đối đỏ, bắn pháo hoa, và mở tiệc linh đình để đánh đuổi quái thú, và cũng là cách nhớ đến công của ông lão tốt bụng năm xưa.
* Lễ hội phóng tên lửa tự chế Bun Bang Fai
Thái Lan là quốc gia nổi tiếng về nông nghiệp, nên chắc chắn các lễ hội liên quan tới hoạt động canh tác, không có gì lạ, nhưng Lễ hội phóng tên lửa lại không hề dính dáng đến nghề nông. Trong các cộng đồng nông nghiệp ở Issan (Đông Bắc Thái Lan), lễ hội tên lửa là sự kiện quan trọng vì nó mang ý nghĩa cầu xin các vị thần mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu.
Tên lửa dùng trong lễ hội Bun Bang Fai được làm rất kỳ công và diễu hành vào ngày đầu tiên của lễ hội trước khi được phóng lên trời. Tên lửa được nhiều nhóm chế tạo cẩn thận, thậm chí còn được ganh đua về độ xịn trước khi phóng. Trong lễ hội sẽ có các tiết mục đặc sắc như giao lưu nhạc sống dân gian, uống rượu gạo, các cuộc thi sắc đẹp và không gian lễ hội đầy màu sắc.
Trang phục lễ tết đặc biệt trên thế giới
* Trang phục ‘trắng muốt’ trong ngày đầu năm của người Brazil
Một trong những truyền thống độc lạ trong ngày đầu năm ở Brazil là hầu hết mọi người đều mặc quần áo trắng. Đây là một truyền thống mà ngay cả những người ít quan tâm cũng tuân theo.
Truyền thống bắt nguồn từ tôn giáo Candomblé của Brazil, nơi mọi người mặc đồ trắng trong các nghi lễ để tìm kiếm hòa bình và thanh lọc tâm hồn. Ngày nay giới trẻ Brazil, những người từ lâu không đón Tết ở quê nhà, cũng cố gắng duy trì truyền thống nói trên vào buổi tối cuối cùng trong năm.
Theo quan niệm của người Brazil, màu sắc có ý nghĩa quan trọng, cụ thể màu vàng tượng trưng cho tiền bạc và thịnh vượng; màu hồng cho tình yêu; màu đỏ cho niềm đam mê; màu xanh cho sự hài hòa; màu cam cho thành công nghề nghiệp; màu xanh lá cây mang lại sức khỏe và màu tím là màu của nguồn cảm hứng.
* Trang phục lễ hội Theyyem (Ấn Độ)
Theyyem là lễ hội được tổ chức khắp miền bắc Kerala, thường từ tháng 10 đến tháng 5, tại các đền thờ của làng. Những người tham gia là hiện thân của các vị thần và linh hồn đang được tôn vinh. Mỗi theyyem đều có những bộ trang phục đặc biệt riêng, bao gồm sơn màu sáng trên cơ thể và những chiếc mũ đội đầu khổng lồ, được trang trí cầu kỳ (mudi).
Trang phục giống như một tầng nhà được gọi là Vithanam. Chiếc váy Kuruthola làm từ những chiếc lá dừa mỏng được tách khỏi cuống và quấn quanh eo tạo thành váy, và được gọi là Oliyuduppu hoặc 'Olayuduppu' (váy dừa). Theyyam được tạo ra bởi sự kết hợp của các vật thể và màu sắc khác nhau từ thiên nhiên.
* Trang phục độc lạ trong lễ hội Junkanoo, Bahamas
Lễ hội Junkanoo được tổ chức vào tháng 12 hằng năm tại thủ đô Nassau, Bahamas. Đây là sự kiện xôm tụ, màu sắc rực rỡ nhất thế giới. Trọng tâm là các cuộc diễu hành được tổ chức vào cả ngày 26 tháng 12 và ngày 1 tháng 1 nói về nguồn gốc lịch sử nô lệ của hòn đảo. Du khách sẽ được chứng kiến những màn trình diễn lạ như cà kheo, nhào lộn với những trang phục cầu kỳ rực rỡ, màu sắc lung linh được làm từ bìa cứng, giấy crepe, lông vũ và kim tuyến.
Ngoài ra, những người nô lệ dùng bột để làm mặt nạ. Tương truyền vào những năm 1920, khi sản xuất bọt biển hưng thịnh hái ra tiền tại Bahamas, nhiều người đã hóa trang thành những miếng bọt biển để tham dự lễ hội Junkanoo. Đến giữa những năm 1930, toàn bộ trang phục hóa trang chuyển sang phong cách tua rua và có phần cách điệu hơn.
Ngày nay, các nhóm tham gia lễ hội đều chuẩn bị trang phục hóa trang rất tỉ mỉ để tranh giải trang phục đẹp nhất. Mỗi nhóm có khoảng 500 đến 1.000 thành viên. Bên cạnh đó, còn có giải nhảy giỏi nhất và âm nhạc hay nhất. Sau gần một năm chuẩn bị trang phục, sáng tác âm nhạc và vũ đạo, cuộc thi giữa các nhóm diễn ra khá căng thẳng. Giải thưởng thường được tặng bằng tiền mặt, nhưng quan trọng hơn là danh tiếng của các nhóm đạt giải sau mùa lễ hội.
* Áo dài của phụ nữ Việt Nam
Nói đến chủ đề lễ hội tại Việt Nam chúng ta không thể không nói đến trang phục áo dài của phụ nữ, vốn bắt đầu xuất hiện vào những năm đầu của thế kỷ 17. Trải qua bao thăng trầm chung thời gian, tà áo dài luôn được xem là trang phục truyền thống, thể hiện rõ nét những tinh hoa, linh hồn và tính cách của người phụ nữ Việt Nam.
Dù được thiết kế đơn giản hay cầu kỳ, vải thô sơ hay vải lụa, vải gấm, mỗi chiếc áo dài đều gói gọn tâm huyết và sáng tạo của những người thợ may. Và mỗi dịp tết đến Xuân về, trong niềm hân hoan chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc, khi khoác lên mình bộ áo dài truyền thống, mỗi người Việt Nam lại cảm thấy tự hào hơn với lịch sử văn hóa ngàn đời của dân tộc.
Trong sắc đỏ của hoa đào, sắc vàng tươi của hoa mai, vẻ đẹp duyên dáng, dịu hiền của người phụ nữ Việt như trở nên đằm thắm hơn trong tà áo dài truyền thống, mang quốc hồn dân tộc đi khắp năm châu và được bạn bè gần xa hết lòng khen ngợi.