Thu hồi tài sản tham nhũng giúp củng cố lòng tin của người dân
Tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước mà còn củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là chia sẻ của ông Ngô Minh Châu - Thành ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu TP.HCM, tại tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM”, sáng 11/10.
Tọa đàm do Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.
Củng cố lòng tin của người dân
Theo ông Ngô Minh Châu, các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng.
Chính vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng và toàn xã hội.
Trong thời gian gần đây, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TP.HCM đã có những bước tiến quan trọng. “Chúng ta đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương, hay vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...”, ông Ngô Minh Châu chia sẻ.
Cũng theo ông Ngô Minh Châu, tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong một số vụ án lớn, các bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước và trong quá trình xét xử. Đây là kết quả đáng khích lệ, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và những biện pháp truy vết tài sản chặt chẽ, kịp thời.
Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trong những năm qua tại TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Nguy cơ tẩu tán tài sản cao
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến hiệu quả công tác thu hồi tài sản thất thoát chiếm đoạt chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong đó, vẫn còn một số bất cập về quy định pháp luật hiện hành.
Ông Trần Văn Bảy - Chánh Thanh tra Thành phố cho biết, các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể.
Thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian, chậm hoặc không nộp tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra.
Không có tài sản hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp hơn nhiều so với khoản phải thi hành. Cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.
Đồng thời, cơ quan Thanh tra cũng không có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người có hành vi sai phạm và những người thân thích của họ.
Thượng tá Ngô Thuận Lăng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM cũng cho rằng, quá trình thực hiện hành vi tội phạm, các đối tượng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Họ và người thân vẫn chuộng sử dụng tiền mặt nên việc xác định tài sản để phân loại, bóc tách rất khó.
Trong khi đó, việc chuyển tiền đi nước ngoài rất dễ dàng, không thể kiểm soát được, chỉ một cuộc điện thoại ở Việt Nam có thể chuyển đi khắp thế giới và thực hiện giao dịch, chuyển hóa thành các khoản đầu tư ở nước ngoài… Việc hỗ trợ và tương trợ tư pháp về các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ông Ngô Phạm Việt - Phó Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố cho biết, nhiều quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế, thiếu hiệu quả. Như chưa có điều khoản quy định về việc phải xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc tài sản.
"Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập mang tính hình thức, hiệu quả thấp, gây khó khăn cho việc xác minh tài sản để áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, nhằm bảo đảm việc thu hồi", ông Ngô Phạm Việt chia sẻ.
Kiểm soát thu nhập người có chức vụ
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng nêu ra một số giải pháp, hình thức thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông Trần Văn Bảy, cần quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh hay kéo dài thời gian.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện các vi phạm để ngăn chặn, khắc phục kịp thời, nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Đồng thời, cần có quy định về quyền thanh, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra (kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập).
"Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước", ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh.
Còn theo ông Ngô Phạm Việt, cán bộ kiểm sát phải chủ động nhanh chóng các biện pháp ngăn chặn giao dịch, phong tỏa tài sản, khám xét và thu giữ tài liệu, đồ vật. Tạm hoãn xuất cảnh, xác minh quyền sử hữu tài sản của các đối tượng tham nhũng để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn phù hợp.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Chủ động phát hiện, đề xuất với cấp thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết án và thu hồi tài sản.